Góp ý của Đại biểu Quốc hội Trần Thế Vượng – Hải Dương

Thứ Sáu 10:20 19-11-2010

Kính thưa các vị Chủ tọa.

Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội.

Chúng tôi xin phát biểu hai vấn đề sau đây:

Thứ nhất, chủ thể có quyền tố cáo, tại Điều 74 của Hiến pháp có qui định "công dân có quyền khiếu nại, tố cáo với bất cứ cơ quan, tổ chức nào" v.v... Tuy nhiên chúng tôi nghĩ khi có ý kiến nói rằng vì Hiến pháp qui định là có công dân, cho nên luật này phạm vi cũng chỉ công dân là chủ thể thôi. Chúng tôi cho rằng đây là một vấn đề cũng cần phải cân nhắc, vì khiếu nại, tố cáo này qui định ở chương về "quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân", đương nhiên đã qui định ở trong chương này thì không thể nào đi viết chủ thể khác vào đây được, vả lại trong rất nhiều quyền, nghĩa vụ của công dân, nhưng mà điều đó không có nghĩa là pháp nhân không được quyền đó. Ví dụ công dân có quyền xây dựng nhà ở thì điều đó không có nghĩa là các doanh nghiệp, các cơ quan Nhà nước không được xây dựng nhà cho cán bộ công chức ở chẳng hạn thế. Cho nên vì ở đây nó là chương "về quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân", do đó không bị ràng buộc bởi Hiến pháp khi mà chúng ta có thể đề cập đến những chủ thể khác.

Vấn đề thứ hai, trên thực tế chúng ta cũng đã thấy rất nhiều, tức là tình hình, bây giờ đội ngũ mà làm công tác pháp luật, hay ngay cả quản lý, hành chính cũng thế, khi mà có liên quan đến quyền, nghĩa vụ của công dân, của doanh nghiệp, của cơ quan v.v... thì đều có khả năng xảy ra những chuyện nhũng nhiễu. Ví dụ như thanh tra, như cảnh sát kinh tế, Tòa, Viện hay kiểm toán v.v... mà trên thực tế chúng ta đã thấy rất nhiều. Vừa rồi cũng đã xảy ra một số vụ việc như kiểm toán ở miền Trung. Như vậy hoạt động của các cơ quan này liên quan đến các cơ quan khác là doanh nghiệp. Bây giờ doanh nghiệp bị nhũng nhiễu, bị đòi tiền để cho qua những cái như về kết quả kiểm toán, chẳng lẽ doanh nghiệp đó lại không có quyền tố cáo và Quốc hội chúng ta chấp nhận, việc đó là coi như bỏ đi một kênh rất quan trọng. Chúng tôi thấy đây là vấn đề cần phải nghiên cứu.

Lý do thứ ba, vừa rồi Quốc hội thảo luận Báo cáo giám sát về thực hiện cải cách hành chính chúng ta cũng nêu rất nhiều, Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nêu rất nhiều, các đại biểu Quốc hội cũng thảo luận rất nhiều là các doanh nghiệp, các cơ quan, tổ chức cũng bị nhũng nhiễu. Trước thực tế đó mà chúng ta lại không cho pháp nhân hoặc những tổ chức này được quyền tố cáo là một điều không thể nào bỏ qua thực tế đó được. Như một số đại biểu Quốc hội đã nêu là các luật khác chúng ta đã có quy định rồi.

Một điểm nữa theo tôi ngay trong luật này đã có sự mâu thuẫn, nếu chúng ta lập luận rằng tố cáo gắn liền với trách nhiệm cá nhân, sau này nếu anh tố cáo sai thì truy cứu trách nhiệm hình sự là cá nhân, không có tổ chức nào cả. Tại sao chúng ta không nghĩ ngược lại nếu người ta tố cáo đúng, mà người ta tố cáo một cơ quan, một tổ chức, một doanh nghiệp nào đó mà pháp nhân đó đúng, vậy chúng ta cá thể hóa hình sự đối với người bị tố cáo nếu việc tố cáo đó là đúng thì chúng ta cá thể hóa bằng cách nào? Ngay trong Khoản 3 của điều luật ở trong này cũng đã nói rất rõ là khi phát hiện hành vi của người bị tố cáo có dấu hiệu tội phạm thì phải chuyển ngay cho cơ quan điều tra. Không lẽ bây giờ việc trốn thuế của một doanh nghiệp có dấu hiệu tội phạm mà đó không phải là cá nhân thì chúng ta không chuyển cho cơ quan điều tra. Ngay cả những trường hợp này cho dù là pháp nhân thì người ta vẫn có thể cá thể hóa hình phạt và truy cứu trách nhiệm hình sự, không có nghĩa là cứ nhân danh doanh nghiệp, bây giờ doanh nghiệp trốn thuế không có nghĩa là không có tội trốn thuế xảy ra trong doanh nghiệp, cuối cùng là quyết định ai đã làm việc đó và ai có liên quan đến việc sửa chữa gian lận giấy tờ sổ sách để trốn thuế của nhà nước, điều đó chúng ta vẫn làm được, nếu không, doanh nghiệp trốn thuế thì hình sự không xử lý được hay sao. Đây là vấn đề chúng tôi cho là cần phải xem xét đến chủ thể khác ngoài công dân có quyền tố cáo.

Vấn đề thứ hai chúng tôi muốn phát biểu ở đây vẫn là chương về việc giám sát của Quốc hội, của Hội đồng nhân dân, của Mặt trận Tổ quốc. Chúng tôi thấy nếu quy định như thế này thì như trên thực tế vừa qua rất khó, thực ra những điều này là chép lại quy định của pháp luật hiện hành. Tôi nói ví dụ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cử đoàn giám sát việc giải quyết tố cáo, hiện nay đây là một vấn đề hết sức nan giải. Bây giờ bất cứ một người dân nào khi người ta có đơn khiếu nại hoặc đơn tố cáo, người ta không đồng tình với cách giải quyết thì người ta đều yêu cầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát. Nhưng xin báo cáo Quốc hội, một năm Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội nhận được từ 15.000 - 17.000 đơn khiếu nại, tố cáo, nếu ai cũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải tiến hành giám sát, họ căn cứ vào điều luật này họ đòi hỏi, nếu anh không giám sát là anh vi phạm pháp luật, anh vi phạm chính Luật khiếu nại, tố cáo mà các anh đã đề ra. Tôi thấy như vậy là rất khó cho nên phải chăng quy định cử đoàn giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo cũng thế thôi, nó là kiểu giám sát việc chung về tình hình hay từng việc khiếu nại, tố cáo cụ thể. Nếu quy định như thế này thì đây là một căn cứ mà hiện nay công dân đang đòi hỏi chúng ta mà chắc chắn không làm được.

Thứ hai, việc chuyển đơn cũng thế. Có một thực tế hiện nay đang vướng và chúng ta vẫn chép lại nguyên văn, tức là cơ quan của Quốc hội nhận được nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì chuyển, còn đại biểu thì cứ nhận được là chuyển. Vấn đề này hôm khiếu nại chúng tôi cũng đã phát biểu rồi, cứ nhận mà chuyển thì chuyển nhiều lắm. Trên thực tế hiện nay ở các cơ quan của Quốc hội, mỗi năm nhận được 15.000 đến 17.000 đơn kể cả khiếu nại và tố cáo nhưng việc chuyển thì một tỷ lệ rất nhỏ.

Với một bộ máy của Hội đồng Dân tộc và của mỗi Ủy ban chỉ trên, dưới 20 người thì không làm nổi việc này chứ chưa nói đến đọc cho được hết 15.000 đơn và chuyển được thì cũng rất khó rồi, bởi vì còn bao nhiêu việc chứ đâu phải chỉ có một việc là nhận đơn khiếu nại này. Đối với đại biểu cũng thế, nếu nhận được thì chuyển, nhận được thì chuyển thì chúng tôi đã phát biểu rồi ở trong khiếu nại cũng thế. Như vậy, có tình trạng là một việc thôi nhưng cả gần 500 đại biểu đều nhận được và cuối cùng đều gửi đến một cơ quan. Đó là việc chúng tôi thấy cần phải có giải quyết như thế nào cho phù hợp với thực tế. Tôi xin hết.

Các văn bản liên quan