Góp ý của đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Nguyệt Hường – TP Hà Nội

Thứ Sáu 10:26 06-11-2009


Kính thưa Quốc hội.

Trước hết, tôi xin được rất cảm ơn phần trao đổi của Bộ trưởng và tôi nghĩ rằng phần trao đổi của Bộ trưởng cũng làm cho chúng tôi rõ hơn về căn cứ và giải thích được nguyên nhân tại làm sao trong những nội dung của dự thảo lại được thiết kế như vậy. Tuy nhiên về nguyên tắc thì tôi bày tỏ sự nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật thuế tài nguyên. Tuy nhiên, để đảm bảo tính cụ thể, tính khả thi và hiệu quả trên thực tiễn thì cho phép tôi có một số ý kiến đóng góp cụ thể như sau:

Thứ nhất, về đối tượng chịu thuế nêu tại Điều 2, dự thảo luật đã quy định 7 nhóm đối tượng và Điều 8 là điểm quét nhằm tránh bỏ sót đối tượng khác, quy định như vậy làm cho dự thảo luật có tính bao quát khá cao, nhưng tính chi tiết của dự thảo luật lại kém rõ ràng. Cụ thể tại mỗi một nhóm đối tượng dự thảo chỉ đưa ra một vài loại tài nguyên điển hình dó đó sẽ dẫn đến khó khăn trong việc tiếp cận cũng như thực thi pháp luật trên thực tiễn. Theo tôi về Pháp lệnh thuế tài nguyên đã được thực hiện trên 10 năm, đồng thời chúng ta cũng đã có những văn bản dưới luật quy định về các loại tài nguyên cụ thể. Cho nên chúng ta hoàn toàn có thể cho rà soát thống kê để biết hiện nay chúng ta đang có những loại tài nguyên gì đang được khai thác, những loại tài nguyên gì có ở dạng tiềm năng có thể khai thác trong tương lai và căn cứ vào đó mà xếp các loại tài nguyên hiện có theo hai phân nhóm chính, đó là tài nguyên có thể tái tạo và tài nguyên không thể tái tạo. Quy định như vậy sẽ dễ trong việc tính thuế áp dụng thuế suất và việc áp dụng thuế suất phải theo nguyên tắc là tài nguyên không tái tạo sẽ có thuế suất cao, tài nguyên tái tạo có thuế suất thấp hơn. Quy định như vậy cũng thể hiện rõ quan điểm của chúng ta ngay trong dự thảo luật là chúng ta khuyến khích hay không khuyến khích khai thác. Theo hướng này, thuế suất của từng loại tài nguyên cụ thể cũng quy định rõ ràng, minh bạch, tiện lợi cho việc quản lý tính thuế và thu thuế. Từ quan điểm này, tôi đề nghị bỏ Khoản 8, Điều 2, đồng thời bỏ quy định tại Mục 6, nhóm I, Mục 12, nhóm II, Mục 10, nhóm IV, Mục 2, nhóm VI. Tại Khoản 1, Điều 8, bỏ các loại động vật rừng ra khỏi đối tượng chụi thuế. Đối với hải sản tự nhiên cũng không nên đưa vào đối tượng chịu thuế để khuyến khích người dân khai thác, đánh bắt hải sản xa bờ, đồng thời thể hiện sự quan tâm đến đời sống còn nhiều khó khăn của ngư dân.

Về căn cứ tính thuế tài nguyên nêu tại Điều 6, Điều 7 và Điều 8, tôi xin có một số ý kiến như sau.

Về sản lượng tài nguyên thực tế khai thác nêu tại Điều 6, Điều 6 dự thảo luật nêu rõ 4 trường hợp xác định sản lượng so với pháp lệnh thì quy định này đã chi tiết hơn khá nhiều và đây là bước tiến tốt của dự thảo luật. Nhưng hiện nay việc chúng ta vẫn căn cứ vào số liệu kê khai của doanh nghiệp để xác định thuế, tôi nghĩ quy định như thế có thể dẫn tới việc thất thu thuế tài nguyên do tính chính xác và số liệu kê khai còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, Điều 3, Khoản 6 của dự thảo luật có nêu về định mức sử dụng tài nguyên tính trên một đơn vị sản phẩm theo tôi rất cần kiểm tra lại xem chúng ta đã có quy định như thế nào về định mức này cho các sản phẩm cụ thể. Nếu chưa có thì đây chính là điểm làm cho nội dung này khó khả thi, trên thực tiễn nếu có và định mức này là do các doanh nghiệp xây dựng, thì việc tính định mức tài nguyên sẽ không thể đồng nhất ở các doanh nghiệp khác nhau, bởi vì định mức này phụ thuộc và công nghệ chế biến và còn phụ thuộc vào khả năng quản lý của từng doanh nghiệp. Như vậy sẽ dẫn đến sự bất cập trong công tác tính và thu thuế, bởi vì cán bộ thuế của chúng ta cũng không đủ nhân lực, vật lực và cả nghiệp vụ để xác định tính xác thực của định mức này.

Vì thế tại điểm này tôi đề nghị chúng ta nên nghiên cứu và ban hành cơ chế sản lượng kiểm tra thực tế của các doanh nghiệp, đồng thời nghiên cứu để ban hành định mức tiêu hao tài nguyên chung cho một đơn vị sản phẩm, đặc biệt là những sản phẩm được sản xuất và chế biến có số lượng lớn để tránh thất thu.

Về giá tính thuế tại Điều 7, tôi cho rằng quy định tại Khoản 1, Điều 7 sẽ động viên được nhiều hơn cho ngân sách Nhà nước do theo sát giá những thay đổi trên thị trường. Tuy nhiên, nhìn từ góc độ bình đẳng của các phương án áp giá, chúng ta có thể thấy rằng phải quy định rõ hơn về giá bán tài nguyên là điều cần thiết. Đối với tài nguyên sau khai thác và bán ngay tại nơi khai thác thì giá tính thuế là giá bán thực tế của tài nguyên đó, theo tôi điều này là hợp lý. Tuy nhiên, nếu tài nguyên đó được bán tại một địa bàn khác nơi khai thác thì giá bán trong nhiều trường hợp đã bao gồm cả chi phí vận chuyển, chi phí bảo hiểm, chi phí chế biến tài nguyên thô. Nếu giá tính thuế lại tính cả những chi phí này thì đây là điều không hợp lý, vì vậy đề nghị loại bỏ giá vận chuyển chi phí bảo hiểm, chi phí chế biến khỏi giá tính thuế.

Khoản 2, Điều 7 quy định trường hợp tài nguyên chưa xác định được giá bán thì sẽ căn cứ vào giá thực tế bán ra của tài nguyên cùng loại trên thị trường. Theo tôi giá thực tế thị trường này nên được xác định theo từng khu vực. Bởi vì địa bàn khai thác khác nhau và tùy theo độ khó, dễ, thuận lợi hay kém thuận lợi mà có thể dẫn đến giá thị trường bán ra trên từng khu vực là khác nhau. Ngoài ra chất lượng tài nguyên khác nhau cũng làm cho giá thị trường của cùng một loại tài nguyên có giá thị trường khác nhau.

Về giá tính thuế đối với tài nguyên chứa nhiều chất khác nhau tôi cho rằng nếu tách riêng được từng chất thì chúng ta sẽ xác định giá tính thuế theo giá bán của từng chất. Nếu tài nguyên sau khai thác chứa nhiều hợp chất không thể tách riêng thì giá tính thuế nên lấy theo hàm lượng của chất có tỷ lệ lớn trong tài nguyên, để tránh phức tạp và tốn kém trong việc xác định giá tính thuế. Tại điểm này thì chúng ta cũng không sợ thua thiệt đến ngân sách bởi vì như Bộ trưởng đã giải thích, sản phẩm tài nguyên còn chịu nhiều chế tài của các luật khác. Về khung thuế suất thì sau khi so sánh khung thuế suất của Pháp lệnh và dự thảo Luật kèm theo bản dự thảo Nghị định của Chính phủ tôi nhận thấy có 3 điểm như sau:

Thứ nhất, là khung thuế suất của dự thảo Luật có biên độ điều chỉnh rất rộng và điều này dẫn đến việc quá linh hoạt trong việc áp dụng thuế suất trên thực tiễn. Theo tôi khung thuế suất này cần được thu hẹp lại và tốt nhất chúng ta nên quy định cụ thể mức thuế suất cho từng loại tài nguyên ngay trong dự án Luật để đảm bảo tính minh bạch, dễ thực hiện và tránh cơ chế xin, cho.

Thứ hai, hầu hết mức thuế suất sàn đều tăng nhưng mức thuế suất trần của tuyệt đại đa số các nhóm đều giảm so với mức thuế suất quy định trong Pháp lệnh. Đề nghị Ban soạn thảo giải thích rõ hơn về việc thiết kế lại, giảm mức thuế suất trần này.

Tại Phụ lục số 01 đính kèm dự thảo Nghị định quy định về biên độ thuế suất tài nguyên, tôi nhận thấy mức thuế suất cụ thể được quy định khá thấp so với biên độ thuế quy định trong dự thảo Luật, ví dụ như sắt, mangan, titan là 7% so với biên độ từ 5 đến 20%. Vàng là 9% so với biên độ 6 đến 25%.

Với mức thuế suất quy định cụ thể như vậy thì liệu chúng ta có tăng được nguồn thu cho Ngân sách Nhà nước hay không? Và với nội dung quy định tại Phụ lục 01 thì chúng ta có thực hiện được việc yêu cầu tính thuế cao hơn đối với tài nguyên không tái tạo và thấp hơn đối với tài nguyên có thể tái tạo được hay không? Về thuế suất tôi xin được đề nghị chúng ta nên nghiên cứu để tăng cả thuế suất sàn và thuế suất trần đối với nhóm khoáng sản không có khả năng tái tạo như than, dầu thô, đất hiếm và các sản phẩm khoáng sản kim loại.

Điểm 5, 6 Phần V của biên độ thuế suất áp dụng cho các sản phẩm rừng tự nhiên là cành, ngọn, củi, tre, nứa v v...cần nghiên cứu để quy định lại để mức thuế giao động từ 1% đến 20% của nhóm này và việc khó phân loại, trên thực tế dễ dẫn đến việc áp dụng mức thuế suất một cách thiếu khách quan.

Về thẩm quyền quy định thuế suất cụ thể trong khung thuế suất tôi nghĩ rằng Quốc hội chúng ta nên thực hiện đúng chức năng, thẩm quyền đã được quy định trong Hiến pháp và Luật tổ chức Quốc hội, làm đúng quy định luật pháp cũng là thể hiện trách nhiệm trước Nhà nước và nhân dân. Tại điểm này tôi nhất trí giao cho Ủy ban thường vụ Quốc hội quyền quy định thuế suất cụ thể trong khung thuế suất và khung thuế suất cũng cần được thu hẹp lại. Do thời gian đã hết nên bài phát biểu này tôi xin gửi lại cho Đoàn thư ký. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan