Góp ý của đại biểu Quốc hội Lương Phan Cừ – Đắk Nông

Thứ Sáu 10:27 06-11-2009


Kính thưa Quốc hội,

Về cơ bản tôi đồng tình với Tờ trình của Chính phủ cũng như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, ngân sách. Đặc biệt báo cáo của Ủy ban Tài chính, ngân sách tôi thấy có nhiều vấn đề cần phải tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện Luật thuế tài nguyên. Tôi xin tham gia thảo luận 3 vấn đề:

Thứ nhất, tôi muốn nêu lại một ý liên quan đến sự cần thiết ban hành Luật thuế tài nguyên. Tôi cho rằng bây giờ chúng ta mới ban hành Luật thuế tài nguyên là quá muộn, không nói là chúng ta quá chậm. Bởi vì Hiến pháp quy định cho Quốc hội thẩm quyền rất lớn đó là quyết định thuế và các sắc thuế, nhưng đến bây giờ vẫn chưa ban hành được, đó là trách nhiệm thuộc về Quốc hội, chúng ta chưa làm tròn trách nhiệm trước cử tri về vấn đề này.

Những lập luận trong Báo cáo thẩm tra, cũng như Tờ trình của Chính phủ ta thấy cần thiết phải ban hành luật này sớm. Trong quá trình thảo luận nếu chúng ta thấy có thể thông qua tại một kỳ họp thì tốt nhất, nếu không phải chuẩn bị cho kỹ để đưa vào cuộc sống tốt hơn.

Liên quan đến khung thuế suất, tôi đồng tình với ý kiến nhiều đại biểu trong thảo luận tổ, cũng như tại Hội trường này về việc khung thuế suất để quá rộng, có nhiều loại thuế suất từ 5 - 30 -35% như vậy khung quá dài, quá rộng và không hợp lý. Bởi vì việc ban hành luật thuế thuộc chức năng của Quốc hội, trong đó thuế suất là linh hồn của đạo luật thuế, linh hồn đó mà lại giao cho một cơ quan khác thẩm quyền thì chắc chắn nó không phù hợp.

Thứ hai, khung rộng như thế thì dễ dẫn đến tiêu cực, tiêu cực cả người nộp thuế và tiêu cực cả người đi thu thuế và tiêu cực cả người thi hành công vụ. Nhiều đạo luật thuế mà trong quá trình tổng kết thực hiện các sắc thuế của chúng ta đã thấy điều đó. Vấn đề thứ hai làm cho người đầu tư và người khai thác, sử dụng tài nguyên đó bị động. Người ta có thể đầu tư hàng năm và đầu tư dài là 5, 10 năm thậm chí là 20 năm nếu có nó sẽ bị ảnh hưởng.

Thứ ba, nó thể hiện tính không minh bạch của chúng ta. chúng ta càng ngày càng tiến tới sự minh bạch để làm sao công bố cho toàn dân, mọi người tham gia khai thác, sử dụng tài nguyên này tốt hơn, nó phục vụ cho phát triển kinh tế, xã hội cũng như đảm bảo chúng ta sử dụng tài nguyên cho hôm nay và đảm bảo tài nguyên cho thế hệ tương lai, thì chúng ta phải minh bạch cái này, cái minh bạch đó thể hiện trong sắc thuế và trong giao đoạn của chúng ta. Cho nên chúng tôi thấy lập luận cho rằng khung thuế suất rộng tạo điều kiện cho Chính phủ điều hành linh hoạt, tôi cho là chưa hợp lý. Bởi vì Quốc hội chúng ta mỗi năm họp hai kỳ và nếu trình bày thuế suất hợp lý chắc chắn Quốc hội sẽ thông qua.

Cho nên theo tôi cần xây dựng một biểu thuế suất tài nguyên cụ thể, chi tiết hơn và nên có biểu thuế suất cứng, tốt nhất trình với Quốc hội để Quốc hội thông qua, tôi cho điều đó là điều tốt nhất. Trong trường hợp nhiều giai đoạn chúng ta thấy khung càng hẹp càng tốt để chúng ta có thể xử lý được vấn đề đó. Có như vậy Quốc hội mới làm tròn trọng trách mà Hiến pháp, pháp luật quy định cho mình. Bởi vì Hiến pháp quy định như vậy mà Quốc hội chúng ta lại không thực hiện thì tôi thấy chưa làm tròn trọng trách trước cử tri và trước quy định của Hiến pháp, pháp luật.

Vấn đề thứ ba, là một số vấn đề khác. Tôi cho rằng không nên dùng quy phạm quét để đảm bảo sự minh bạch, chúng tôi đồng tình với một số ý kiến đại biểu khác, như trong biểu thuế chúng ta nói các loại khoáng sản chưa kể ở trên, sản phẩm rừng tự nhiên khác chưa kể ở trên, hải sản tự nhiên khai thác chưa kể ở trên, tài nguyên thiên nhiên khác v.v..., tôi cho như thế không đảm bảo tính minh bạch. Chúng ta phải công bố, chúng ta phải xây dựng, nếu danh mục đó chúng ta chưa thay đổi thì sau một thời gian chúng ta thấy cần đưa vào thì chúng ta trình để chúng ta đưa vào, còn chúng ta không nên để như vậy. Cho nên chúng tôi đề nghị nên bỏ những khoản này, còn nếu chúng ta chi tiết được bao nhiêu thì chúng ta chi tiết.

Thứ hai, đối với một số sản phẩm tự nhiên có thể tái tạo như cành, ngọn, củi, sản phẩm rừng tự nhiên khác v.v... là những sản phẩm gắn liền với cuộc sống hàng ngày của người dân, nhất là người dân nghèo vùng đồng bào dân tộc khó khăn. Như ở Đắk Nông chúng tôi chẳng hạn thì đồng bào khai thác khoanh nuôi rừng phải khai thác dưới tán rừng để sống thì bây giờ chúng ta lại đưa vào như thế, chúng tôi cho rằng không hợp lý. Cho nên phải làm sao những điều đó không nên đưa vào biểu thuế, làm cho người dân người ta có thể khai thác được, tái tạo sức lao động, khai thác để nâng cao cuộc sống của mình.

Thứ ba, để quản lý tốt tài nguyên và tránh được tiêu cực trong việc thực hiện, tôi đồng tình với một số ý kiến của các đại biểu khác cho rằng việc quản lý, nộp thuế phải được thực hiện ngay tại nơi khai thác tài nguyên, còn chúng ta để ở những chỗ khác thì sẽ rất khó khăn và dễ dẫn đến tiêu cực cũng như dẫn đến việc trốn thuế và thuế tài nguyên chúng ta không bảo đảm được. Tôi xin hết, xin cảm ơn Quốc hôi.

Các văn bản liên quan