Góp ý của đại biểu Quốc hội Phạm Hồng Tài – Quảng Ninh

Thứ Sáu 10:25 06-11-2009


Kính thưa Quốc hội,

Trước hết tôi nhất trí với những ý kiến trong Báo cáo thẩm tra dự án Luật thuế tài nguyên của Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội. dự án Luật thuế tài nguyên nhằm thay thế cho Pháp lệnh thuế tài nguyên đã được Quốc hội ban hành năm 1998 và sửa đổi Điều 6 năm 2008. Song theo tôi dự án luật này chưa khắc phục được những hạn chế của Pháp lệnh thuế tài nguyên, những vấn đề như đối tượng chịu thuế, người nộp thuế, căn cứ tính thuế, giá tính thuế, thuế suất v.v... Đây là những vấn đề mà trong quá trình thực hiện Pháp lệnh thuế thời gian qua gây nên những cách hiểu không thống nhất giữa người nộp thuế, cơ quan thuế, cơ quan thanh kiểm tra và cơ quan kiểm toán. Đặc biệt dự án Luật thuế tài nguyên lần này chưa khắc phục được vấn đề quan trọng mà mục tiêu của dự án luật đề ra là chưa khuyến khích được các tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên, khoáng sản, tận thu tài nguyên, áp dụng khoa học công nghệ để đem lại hiệu quả cao trong quá trình khai thác và chế biến khoáng sản. Vấn đề này ngay trong bản thuyết minh của dự án cũng đã thừa nhận.

Về một số vấn đề cụ thể của dự án luật tôi xin có một số ý kiến như sau:

Thứ nhất, đối tượng chịu thuế tại Điều 2. Dự thảo luật quy định 8 nhóm đối tượng, riêng Khoản 8 dự thảo luật quy định đối tượng chịu thuế là các loại tài nguyên thiên nhiên không thuộc quy định từ Khoản 1 đến Khoản 7. Theo tôi quy định như thế này không chặt chẽ trong quá trình áp dụng luật. Bởi vì khái niệm tài nguyên rất rộng và có những tài nguyên thiên nhiên trong thời điểm này chưa có hiệu quả, nhưng ở những thời điểm sau lại rất hiệu quả, như vậy mang lại lợi ích rất lớn cho các tổ chức, cá nhân khai thác. Khi trường hợp đấy xuất hiện thì ai, cơ quan nào sẽ là người quy định việc thu thuế hay miễn giảm thuế ở đây. Theo tôi trong vấn đề này nên bỏ Khoản 8. Ban soạn thảo có thể liệt kê được đến đâu trong điều kiện hiện nay thì nên liệt kê đến đấy. Bỏ hẳn Khoản 8 này đi để trong quá trình dễ làm. Đặc biệt trong quá trình liệt kê những tài nguyên để thu thuế này thì cần xét đến hiệu quả của việc thu thuế tài nguyên đó. Bởi vì có thể có những tài nguyên chúng ta liệt vào nhưng quá trình thu thuế có khi công thu thuế còn mất nhiều hơn cả tiền thu thuế.

Chính sách khuyến khích của Nhà nước ta đối với việc các tổ chức, cá nhân khai thác các tài nguyên đó để mang lại lợi ích lâu dài cho đất nước ta, ví dụ như tài nguyên gió, nắng v.v.... Tôi đề nghị như vậy.

Thứ hai, Điều 3 là người nộp thuế thì ở dự thảo luật ghi: tổ chức, cá nhân tiến hành khai thác tài nguyên thiên nhiên theo quy định tại Điều 2 của luật này là người nộp thuế thì tôi đề nghị thêm cụm từ "và trực tiếp cho từng cá nhân", bởi vì hiện nay chúng ta có rất nhiều tập đoàn, tổng công ty, các công ty khai thác khoáng sản đã được cổ phần hóa mà theo quyết định cổ phần hóa, theo quyết định thành lập các tổng công ty, tập đoàn thì người mà được giao khai thác khoáng sản tài nguyên này là cấp trên của công ty đó, còn các công ty cổ phần là người làm thuê và giao nộp lại sản phẩm này. Nhưng trong Luật thuế khoáng sản của chúng ta hiện nay thì các công ty khoáng sản vẫn lại là người xin phép để khai thác và để tránh trường hợp giữa tổng công ty và tập đoàn mẹ đối với công ty con ai là người nộp thuế thì ghi rõ các công ty bên dưới là người trực tiếp khai thác nộp thuế vào đấy cho nó rõ ràng chỗ này ra.

Về Chương III, căn cứ thu thuế tài nguyên thì tại Điều 5 ghi: căn cứ tính thuế tài nguyên và sản lượng tài nguyên thực tế khai thác và tại Mục 1 của Điều 7 dự thảo luật ghi giá tính thuế tài nguyên là giá bán đơn vị sản phẩm tài nguyên. Theo tôi ở chỗ này có hai vấn đề nó có khái niệm khác nhau, tức là sản lượng tài nguyên thực tế khai thác và số lượng đơn vị sản phẩm bán là hai khái niệm này có khác nhau, bởi vì trong quá trình khai thác tài nguyên thì có một số những tài nguyên phải qua chế biến sản phẩm và việc tổn thất là không tránh khỏi. Thế thì số lượng giữa hai chỗ này sẽ có sự sai lệch nhau, thường đơn vị sản phẩm bán được ít hơn là đơn vị như vậy là số lượng tài nguyên khai thác. Theo tôi trong dự án luật cũng làm rõ vấn đề này ra hoặc nếu không trong Nghị định sau này Chính phủ cũng quy định rõ ràng, chứ không có là đến lúc nộp thuế như vậy giữa hai số này có sự sai biệt, tôi không nói chuyện doanh nghiệp người ta khai gian nhưng ngay trong thực tế thì chuyện xảy ra bởi vì số lượng khai thác, số lượng mang bán khi qua chế biến, sàng tuyển hệ số thu hồi có thay đổi.

Tại Điều 7 về giá tính thuế, Khoản 1 dự thảo luật ghi: "Giá tính thuế tài nguyên là gia bán đơn vị sản phẩm tài nguyên của tổ chức, cá nhân chưa bao gồm thuế VAT". Theo tôi ghi như thế này không khuyến khích được các đơn vị và cá nhân đầu tư công nghệ khai thác, chế biến sâu mang lại giá trị cao của tài nguyên, cũng như bất lợi cho những công ty khi tổ chức khai thác ở những đơn vị khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Tôi đề nghị ghi lại là: "Giá tính thuế tài nguyên là giá bán đơn vị sản phẩm tài nguyên của tổ chức, cá nhân khai thác, sau khi đã trừ đi các chi phí sàng tuyển và vận chuyển, chưa bao gồm thuế VAT".

Tại Mục a, Khoản 2, Điều 7 dự thảo luật có ghi: "Giá bán thực tế trên thị trường của đơn vị tài nguyên cùng loại". Theo tôi chỗ này rất khó bởi vì giá bán trên thị trường rất phức tạp, mỗi nơi một khác. Tôi đề nghị thêm cụm từ "tại khu vực" sau cụm từ "trên thị trường". Điều này ghi lại là: "Giá bán thực tế trên thị trường tại khu vực của đơn vị tài nguyên cùng loại" vì thị trường của chúng ta mỗi khu vực một khác nhau, lúc đó áp thuế vào rất phức tạp.

Điều 8, về thuế suất, tại Mục 1 của biểu khung thuế suất cần làm rõ quy định về các tài nguyên khác của các nhóm tài nguyên chịu thuế, bởi vì nghị định sau này cũng không rõ ràng chỗ này. Ví dụ kim loại khác, than khác, sản phẩm tự nhiên khác thì phải nói rõ ra, nếu không thì bỏ chữ "khác", tránh tiêu cực, hiểu lầm của các cơ quan và người nộp thuế sau này.

Biểu khung thuế suất tôi đề nghị xem xét bởi vì đa số tài nguyên của chúng ta đầu vào của nền kinh tế và ảnh hưởng đến thị trường cũng như đời sống sinh hoạt. Tôi đề nghị xem xét ở mức vừa đảm cho thị trường và phát triển các ngành kinh tế nước ta, vừa tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các tổ chức cá nhân khi khai thác, bởi vì chúng ta đang có một ngành khai thác và chế biến khoáng sản không phải tiên tiến, thì các doanh nghiệp có điều kiện đầu tư vào để khai thác khoáng sản cũng như chế biến khoáng sản để đạt công nghệ chế biến khoáng sản cao hơn. Đấy là một số ý kiến của tôi, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan