Góp ý của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai – Ninh Thuận

Thứ Sáu 11:07 27-11-2009

Kính thưa Quốc hội,

Tôi xin tham gia một số ý kiến như sau:

Thứ nhất, qua thực trạng hiện nay và dư luận xã hội cũng như truyền thông cử tri băn khoăn, lo lắng về vệ sinh an toàn thực phẩm như thịt đông lạnh nhiễm khuẩn, da, mỡ lợn bẩn, sữa kém chất lượng, thực phẩm quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, sử dụng chất phụ gia, sử dụng chất urê để bảo quản thịt, cá không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe toàn dân, đến lợi ích của người tiêu dùng mà còn tác động đến sự phát triển kinh tế xã hội và duy trì nòi giống. Vì vậy vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm phải được đặc biệt coi trọng, do đó ban hành Luật an toàn thực phẩm nhằm tạo hành lang pháp lý để nhân dân được sử dụng thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, quyền lợi cho người tiêu dùng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam phát triển.

Thứ hai, về đối tượng điều chỉnh. Ở Điều 1 có hai ý kiến khác nhau, tôi cũng nhất trí với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, công nghệ và Môi trường chọn ý kiến thứ nhất là Luật an toàn thực phẩm nên điều chỉnh cả sản phẩm khai thác từ tự nhiên còn cao hơn nhưng pháp luật hiện hành chưa có quy định an toàn thực phẩm đối với các loại sản phẩm này.

Thứ ba, về phân công quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm nên quan tâm cụ thể trách nhiệm 3 bộ: Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Công thương vào trong dự thảo Luật. Hiện nay trách nhiệm của các Bộ chưa cụ thể, rõ ràng. Việc phân công nên theo nguyên tắc không ngắt đoạn, Bộ quản lý sản xuất, Bộ quản lý chế biến, Bộ quản lý lưu thông, Bộ quản lý hoạt động xuất nhập khẩu mà nên phân công theo chuỗi công tác thực phẩm để đảm bảo sự thống nhất xuyên suốt trong toàn bộ chuỗi công tác thực phẩm tránh được việc một cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm có nhiều cơ quan quản lý Nhà nước đến thanh tra, kiểm tra, gây phiền hà tốn kém tiền của và thời gian. Như vậy sẽ nâng cao được hiệu quả quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm, nhân dân yên tâm khi sử dụng thực phẩm. Đồng thời cần phải phân công rõ ràng Bộ nào chủ trì, Bộ nào phối hợp, nên chăng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chịu trách nhiệm chính đối với hàng hóa thực phẩm thiết yếu như rau, thịt, trứng, sữa từ khâu sản xuất đến khâu tiêu dùng. Bộ Công thương chủ trì chịu trách nhiệm về các loại thực phẩm như rượu, bia, nước ngọt, đường, bánh kẹo, mì chính nói chung là các thực phẩm đã qua công nghệ chế biến. Bộ y tế chủ trì quản lý thực phẩm nhập khẩu và quản lý thực phẩm mang tính chất đặc thù hoặc là thực phẩm khó phân công cho các Bộ khác như là thực phẩm chức năng, phụ gia thực phẩm. Hơn nữa Bộ Y tế có trách nhiệm bảo vệ sức khỏe cho toàn xã hội thì phải chịu trách nhiệm trong việc quản lý thực phẩm nhập khẩu để tránh trường hợp Việt Nam để hội nhập kinh tế quốc tế nhưng khi một cơ quan thẩm quyền của một quốc gia muốn ký thỏa thuận song phương tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệ của họ xuất khẩu thực phẩm vào Việt Nam thì phải tiến hành đám phán với 3 cơ quan của Việt Nam, cần hình thành bộ máy xuyên suốt từ trung ương cho đến địa phương đầu tư nguồn lực thích đáng cho công tác quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm.

Thứ tư, về thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm Điều 53 và Điều 54, theo tôi rất cần thiết phải có thanh tra chuyên ngành để bảo đảm thực thi luật, thanh tra an toàn thực phẩm phải được chuẩn hóa về chuyên môn nghiệp vụ và người có trách nhiệm cao, tăng cường thanh tra ở địa phương, các cơ sở kinh doanh xuất nhập khẩu trong những năm qua chưa thành lập được tổ chức thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm. Trong khi số cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm rất nhiều, lực lượng thanh tra ở địa phương vừa thiếu, vừa yếu phần lớn là kiêm nhiệm. Hơn nữa Luật thanh tra hiện hành không quy định rõ ràng về tổ chức thanh tra chuyên ngành tại chi cục thuộc sở do đó hiệu quả hoạt động thanh tra an toàn thực phẩm chưa đáp ứng yêu cầu như kỳ vọng.

Thứ năm, về chính sách Nhà nước an toàn thực phẩm ở Điều 5 có 7 khoản tôi nhất trí. Tuy nhiên tôi xin phép được đề xuất thêm vào nội dung này 4 ý như sau:

Một là, tập trung nguồn lực quy hoạch vùng sản xuất an toàn thực phẩm và vùng sản xuất rau sạch, cơ sở giết mổ tập trung có kiểm soát.

Hai, có cơ chế chính sách hạn chế nhập khẩu thực phẩm mà ở trong nước sản xuất được.

Ba, ưu tiên đầu tư hệ thống phòng kiểm nghiệm đủ năng lực và theo chuẩn quy định để phục vụ quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư mới các phòng thí nghiệm đạt chuẩn quốc gia, nâng cao năng lực các phòng thí nghiệm phân tích hiện có, cung cấp các dịch vụ, kỹ thuật phục vụ cho việc quản lý chất lượng an toàn thực phẩm, có chính sách sử dụng và chia sẻ lợi ích trong khai thác, sử dụng các phòng thí nghiệm giữa Bộ và tỉnh.

Thứ tư, khuyến khích và đầu tư cho hội, hiệp hội thực hiện một số công việc như tuyền truyền, giáo dục kiến thức hiểu biết pháp luật về an toàn thực phẩm, xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật an toàn thực phẩm để phục vụ quản lý. Tăng cường nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng thực phẩm, tập huấn kiến thức cho nông dân, cho người chế biến, kinh doanh thực phẩm.

Thứ năm, về chế tài xử lý vi phạm an toàn thực phẩm để bảo đảm lợi ích người tiêu dùng và bảo đảm sức khỏe hơn 86 triệu người dân Việt Nam và bảo vệ cơ sở sản xuất cũng như doanh nghiệp làm ăn chân chính, cần phải quy định cụ thể các chế tài xử lý nghiêm minh, có tính răn đe cao vào dự thảo luật. Mặt khác cần nâng cao nhận thức của cộng đồng về an toàn thực phẩm thì luật mới dễ dàng đi vào cuộc sống. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan