Góp ý của Đại biểu Quốc hội Dương Kim Anh – Trà Vinh

Thứ Sáu 11:00 27-11-2009

Kính thưa Quốc hội,

Theo tôi dự án Luật an toàn thực phẩm đã chuyển tải được tinh thần, chỉ thị, nghị quyết, chủ trương của Đảng và Nhà nước, dự luật có những điều khoản quy định tương đối sát với thực tế, gắn được phần nào thực tế cuộc sống và phù hợp với xu thế hội nhập.

Qua thực trạng vệ sinh an toàn thực phẩm trong nhiều năm qua, nhất là trong những năm gần đây rất nhiều vụ ngộ độc thức ăn xảy ra, năm sau cao hơn năm trước, số lượng thực phẩm bẩn không bảo đảm vệ sinh vẫn tăng làm cho tâm lý người dân lo lắng, nhất là áp lực đối với phụ nữ phải suy nghĩ, tính toán làm bữa ăn hàng ngày trong gia đình phải bảo đảm vệ sinh, bảo đảm sức khỏe. Ông cha ta ngày xưa tuy nghèo nhưng ăn được gạo sạch, thức ăn sạch, uống được nước sạch, hít thở không khí trong lành, bây giờ con cháu chúng ta thì ngược lại. Việc ban hành Luật an toàn thực phẩm để bảo vệ sức khỏe tính mạng cho con người trong lúc này là rất cần thiết, chưa nói là quá chậm trễ. Tôi rất dồng tình với nội dung trong Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường về sự cần thiết ban hành Luật, về sự phù hợp của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật Việt Nam, về tính khả thi của các quy định trong dự thảo Luật an toàn thực phẩm. Với quan điểm của Ban soạn thảo đưa ra mục tiêu của Luật an toàn thực phẩm là tạo điều kiện hành lang pháp lý bảo vệ an toàn cộng đồng trực tiếp là người tiêu dùng. Nhưng tuy nhiên, nghiên cứu kỹ các điều khoản của dự thảo Luật tôi thấy rằng ở một góc cạnh nào đó dự thảo Luật an toàn thực phẩm chưa thực sự đạt được mục tiêu này. Ví dụ trong báo cáo khẩn cấp tình hình thực hiện pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm của Bộ Y tế có phân tích nguyên nhân ngộ độc thực phẩm từ năm 2004 đến 2008 của 1.849 vụ bị ngộ độc thực phẩm do vi sinh vật thực phẩm biến chất, hóa chất tồn dư có xu thế giảm nhưng ngộ độc do độc tố tự nhiên có xu thế tăng. Cũng theo số liệu của Bộ y tế trong 2 năm 2007, 2008 tử vong do độc tố tự nhiên là 80/116 ca. Tử vong không phải do sử dụng thực phẩm từ sản xuất chế biến trong chợ thực phẩm và theo thống kê của cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản năm 2008 nước ta có khoảng 130.000 tàu khai thác đánh bắt thủy hải sản với lượng thủy sản khai thác ngoài tự nhiên là 2,14 triệu tấn, nhưng dự thảo Luật an toàn thực phẩm không có điều khoản nào điều chỉnh quản lý đối với khai thác ngoài tự nhiên và đối với dịch vụ thức ăn đường phố cũng vậy, Bộ y tế cũng đánh giá rằng dịch vụ thức ăn đường phố đang ngày càng phát triển ở tất cả các tỉnh thành phố, việc chế biến thực phẩm cá thể hộ gia đình với loại hình kinh doanh này là phổ biến. Điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm trong chế biến không bảo đảm, ô nhiễm thực phẩm và ngộ độc thực phẩm do loại hình dịch vụ này còn chiếm tỷ lệ khác cao. Thực trạng về vệ sinh thức ăn đường phố là vậy, nhưng dự luật an toàn thực phẩm thì quy định có hai điều, Điều 24, và 25 nhưng hai điều này mới đưa ra những quy định chung không cụ thể, không khả thi bởi vì nhân lực hiện nay như báo cáo tổng quát tình hình thực hiện pháp luật vì vệ sinh an toàn thực phẩm đánh giá là nhân lực tham gia công tác quản lý an toàn thực phẩm tính trung bình giai đoạn 2004 - 2008 ở cấp tỉnh là 0,5 người/ tỉnh, cấp huyện là 0,3 người/huyện, xã có từ 0,5 đến 1 người được phân công giúp Ủy ban nhân dân cấp xã về công tác vệ sinh an toàn thực phẩm. Với nhân lực như vậy làm sao tổ chức kiểm tra thường xuyên về thực hiện các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm thức ăn đường phố như dự luật đã quy định. Điều quan trọng tôi cho rằng khi đánh giá tổng quát thực hiện pháp luật vệ sinh an toàn thực phẩm 2004 - 2008 các bộ chức năng cũng rút ra được nguyên nhân, những tồn tại hạn chế của việc ban hành quá nhiều văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý khác nhau, nên có sự chồng chéo mâu thuẫn. Thực phẩm liên quan đến lĩnh vực quản lý của nhiều bộ, do vậy lĩnh vực của bộ nào thì bộ đó quản lý, ít quan tâm đến tính thống nhất đồng bộ trong quản lý thực phẩm, có tình trạng cục bộ lợi ích nên một số quy định không bảo đảm tính khách quan gây khó khăn cản trở cho hoạt động sản xuất kinh doanh thực phẩm. Nhưng trong dự án luật có gần 15 khoản quy định giao cho Bộ trưởng Bộ y tế, Bộ trưởng các bộ có liên quan và Chính phủ, hướng dẫn một số điều trong luật.

Về cơ quan quản lý Nhà nước an toàn thực phẩm Khoản 2, Điều 52 vẫn giao cho Bộ trưởng Bộ y tế có trách nhiệm giúp Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm, tôi nghĩ nên tính lại. Tôi nhớ kỳ họp Quốc hội thứ năm vừa qua, chính Bộ trưởng Bộ y tế thừa nhận khó chủ trì phối hợp với các Bộ liên quan khác vì Bộ trưởng với Bộ trưởng rất khó nói, đây là điều tế nhị. Nên tôi đề nghị thành lập một cơ quan độc lập quản lý chuyên ngành an toàn thực phẩm trực thuộc Chính phủ ở địa phương thì trực thuộc Ủy ban nhân dân các cấp, đó là những vấn đề chung.

Còn các điều khoản cụ thể như Điều 5, chính sách của Nhà nước về an toàn thực phẩm, tôi nghĩ chính sách thì phải định lượng được chứ dùng từ ngữ của nghị quyết mà đưa vào quy định chung trong luật thì rất khó thực hiện, nghị quyết là đường lối, còn luật phải cụ thể, chứ chính sách mà ghi như nghị quyết của Đảng thì như là tập trung, hỗ trợ, khuyến khích, tăng cường v.v... như Khoản 3, điều này quy định mở rộng hợp tác, tăng cường liên kết, Điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế v.v... tôi cho đây là nhiệm vụ của Chính phủ, là trách nhiệm của Chính phủ, chứ sao cho đây là nghị quyết.

Khoản 5, điều này quy định khuyến khích các hộ kinh doanh cá thể cải tiến điều kiện sản xuất kinh doanh, khuyến khích việc bán thực phẩm trong chợ trung tâm các cửa hàng và các chợ cố định khác. Tôi nghĩ chính sách của Nhà nước về an toàn thực phẩm quy định trong luật như vậy thì các Bộ, ngành chức năng sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong quản lý điều hành và tổ chức thực hiện Luật an toàn thực phẩm trong thời gian đến, tôi đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc lại.

Điểm a, Khoản 1, Điều 14, quy định có địa điểm diện tích thích hợp, có khoảng cách an toàn đối với các nguồn độc hại, nguồn gây ô nhiễm và các yếu tố gây hại khác. Thế thì diện tích thích hợp là bao nhiêu mét vuông? và khoảng cách an toàn là cách xa bao nhiêu mét hay là ki lô mét?

Tương tự như vậy, tại điểm a, Khoản 1, Điều 15, quy định là diện tích đủ rộng để bảo quản từng loại thực phẩm riêng biệt có thể thực hiện kỹ thuật xếp dỡ an toàn và chính xác. Tôi đề nghị bỏ cụm từ "có thể" và thay vào đó là cụm từ "bảo đảm để thực hiện".

Khoản 2, Điều 27, quy định cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền về y tế khi tiếp nhận đăng ký có trách nhiệm kiểm tra và xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm. Tôi đề nghị quy định rõ thời gian kiểm tra và xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm là bao nhiêu ngày? Tránh gây phiền hà cho tổ chức, cá nhân có thực phẩm đăng ký kinh doanh, đăng ký quảng cáo.

Tôi cũng đề nghị bỏ Khoản 3 điều này vì Khoản 1 điều này đã quy định cụ thể. Điều 49 Khoản 5 quy định "tổ chức điểm hỏi đáp về an toàn thực phẩm tại các Bộ quản lý chuyên ngành". Tôi nghĩ các Bộ quản lý chuyên ngành nằm ở thủ đô mà khi dân ở các tỉnh, thành phố cần hỏi, cần có câu trả lời về an toàn thực phẩm thì làm sao? Nên tôi đề nghị sửa lại là "tổ chức điểm hỏi, đáp về an toàn thực phẩm tại các cơ quan chuyên ngành tại các địa phương".

Tôi cũng đồng ý với Ủy ban Khoa học, công nghệ và Môi trường là bỏ Điều 51, tôi đề nghị bỏ cả Điều 57 về nội dung kiểm tra về an toàn thực phẩm, vì điều này quy định nội dung kiểm tra về an toàn thực phẩm thực hiện trong phạm vi quản lý Nhà nước của các Bộ, cơ quan ngang Bộ quy định tại Điều 51 và 52, nên bỏ Điều 57 về Điều 57 cũng không có ý nghĩa gì. Tôi xin hết ý kiến, xin cảm ơn Quốc hội.

 

Các văn bản liên quan