Góp ý của Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Thu Hằng – Vĩnh Long

Thứ Sáu 11:08 27-11-2009

Kính thưa Quốc hội,

Tôi cũng nhận thấy sự tối cần thiết phải ban hành Luật an toàn thực phẩm, có những lý do nhiều đại biểu đã nói trước. Ví dụ đây là một vấn đề ảnh hưởng trên 86 triệu dân Việt Nam, chưa kể những đối tượng trong bụng mẹ, ngoài ra còn tầm ảnh hưởng quốc tế. Đây là một vấn đề có liên ngành rộng, nhiều hiệp hội tham gia và tình trạng an toàn vệ sinh thực phẩm rất phức tạp, luôn thay đổi chịu ảnh hưởng của sự phát triển xã hội luôn mới, luôn vận động. Trong những thông tin gần đây trên báo chí về các vụ bê bối trong lĩnh vực an toàn thực phẩm như đại biểu Mai - Ninh Thuận đã phát biểu trước tôi kể ra thì rất phức tạp. Như vậy Luật an toàn thực phẩm nhằm kiểm soát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, ứng phó, ngăn chặn và khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm. Vừa bảo đảm thương hiệu của sản phẩm của các doanh nghiệp vừa bảo đảm lợi ích của người tiêu dùng góp phần thúc đẩy sản xuất và dịch vụ phát triển trên cơ sở bền vững là hết sức cần thiết. Để đạt được mục tiêu trên tôi nghĩ đối với những sản phẩm trong nước cần phải có một hệ thống giám sát từ qua trình sản xuất, chế biến, lưu trữ, phân phối đến tiêu thụ để đảm bảo mọi sản phẩm đều nằm trong sự kiểm soát và một hệ thống thu hồi để yêu cầu nhà sản xuất và người phân phối thực phẩm dừng sản xuất, tiêu thụ và thu hồi thực phẩm không an toàn. Các nhà sản xuất và buôn bán thực phẩm nếu làm hay tiêu thụ thịt động vật chết, nhiễm độc, thực phẩm chứa các thành phần bị cấm sử dụng, thực phẩm cho trẻ em với các nguyên liệu kém chất lượng sẽ phải bị xử phạt nặng đủ sức răn đe. Và bên cạnh đó những quan chức thực hiện nhiệm vụ giám sát an toàn thực phẩm cũng sẽ phải bị xử lý đúng mức, nếu lợi dụng chức quyền hay không thực thi đầy đủ trách nhiệm của mình. Đối với thực phẩm nhập khẩu thì cần kiểm soát thực phẩm nhập khẩu một cách chặt chẽ để bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng Việt Nam vì thực phẩm nhập khẩu phải phù hợp với chuẩn an toàn thực phẩm quốc gia. Đồng thời cũng phải tạo lập được rào cản hợp pháp nhằm giảm bớt sức cạnh tranh với thực phẩm nước ngoài càng vào cạnh tranh đối với hàng sản xuất trong nước. Hệ thống giám sát gồm các cơ quan, tổ chức chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước nhân dân về quản lý Nhà nước, thanh tra, kiểm nghiệm. Hệ thống thu hồi bao gồm các cơ quan pháp luật như công an, kiểm sát, tòa án, muốn giám sát kiểm sát an toàn thực phẩm cần có một hệ thống tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và các quy chuẩn kỹ thuật để cả người sản xuất kinh doanh, phân phối lẫn người tiêu dùng căn cứ vào đó mà xác định độ an toàn. Đồng thời cũng là căn cứ để cán bộ thanh tra an toàn thực phẩm thực thi nhiệm vụ. Muốn thế thì hệ thống vận hành phải tốt và đầu tư nguồn lực phải đầy đủ. Cuối cùng cũng phải có mức xử phạt thích đáng đủ để răn đe người vi phạm và cũng phải có hình thức xử lý tương thích các bộ thừa hành khi không thực thi nhiệm vụ hoặc lạm quyền. Như vậy Luật an toàn vệ sinh thực phẩm chí ít cũng phải có những quy định bao quát tất cả các nội dung trên. Qua nghiên cứu dự thảo Luật tôi nhận thấy một số điều như sau:

Về phạm vi điều chỉnh của Dự thảo luật quy định về điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm, hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm, quảng cáo, ghi nhãn về thực phẩm, thực phẩm nhập khẩu, xuất khẩu, kiểm nghiệm thực phẩm v.v... Có những vấn đề đã được quy định quá chi tiết, tuy nhiên nhiều vấn đề khác vẫn còn bỏ ngỏ. Một số quy định chưa phù hợp với đặc điểm sản xuất kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, phân tán như ở Việt Nam, vì vậy cũng khó khả thi như là ở Điều 4, Khoản 2, Khoản 3. Khoản 5, Điều 18 v.v... lý lẽ này đã được Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường phân tích kỹ trong Báo cáo thẩm tra và một số đại biểu trước tôi đã nói, tôi xin phép không nêu lại.

Vấn đề thứ hai, về nguồn lực là một trong những khâu quan trọng để đảm bảo sự vận hành của toàn hệ thống về an toàn thực phẩm đã được quy định tại Điều 5, Khoản 1 của Dự thảo luật. Nhưng theo tôi quy định như thế là chưa đủ lượng và chưa đáp ứng được thực trạng của bộ máy quản lý và đội ngũ thanh tra, kiểm nghiệm hiện tại.

Cần quy định lộ trình bắt buộc đề có một sự tập trung nguồn lực, hoàn thiện bộ máy và cơ sở vật chất đảm bảo cho hoạt động quản lý thanh tra kiểm nghiệm an toàn thực phẩm. Tôi cũng tán thành việc cần có thanh tra, chuyên ngành vệ sinh thực phẩm, dù điều này là chưa phù hợp với Luật thanh tra hiện hành về sự cần thiết của lực lượng này theo Luật ban hành văn bản qui phạm pháp luật thì Luật ban hành sau nếu quy định không đồng bộ với luật trước, thì thực hiện theo luật sau, sau đó tiến hành sửa đổi luật trước cho thống nhất.

Vấn đề thứ ba, về những hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 6, tôi đồng ý với những đại biểu phát biểu trước tôi là chưa có thấy chế tài kèm theo và cũng chưa có quy định nghiêm cấm đối với người thực thi nhiệm vụ kiểm tra, giám sát trong lĩnh vực an toàn thực phẩm. Vì vậy cần quy định thêm một khoản về nội dung này trong Dự thảo luật.

Vấn đề thứ tư, về tiêu chuẩn và qui chuẩn kỹ thuât là một hàng rào pháp lý quan trọng để điều chỉnh và xác định sự an toàn của thực phẩm các loại đã được quy định trong Luật tiêu chuẩn và qui chuẩn kỹ thuật ban hành năm 2006. Tuy nhiên cho đến nay vẫn còn thiếu rất nhiều tiêu chuẩn và qui chuẩn cần thiết áp dụng cho thực phẩm các loại. Vì thế khi có dư luận về sự mất an toàn của một loại thực phẩm nào đó các cơ quan chức năng vào cuộc nhưng không có cơ sở để kết luận.

Tôi thống nhất với những đại biểu phát biểu trước là đối với thực phẩm một sản phẩm đặc biệt có tác động đến sức khỏe thì cần giao cho Bộ y tế có trách nhiệm ban hành qui chuẩn kỹ thuật trong các khâu sản xuất, chế biến, đồng thời sẽ làm đầu mối giúp Chính phủ quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm là nhạc trưởng chịu trách nhiệm trước Chính phủ, trước Quốc hội và trước nhân dân về vệ sinh an toàn thực phẩm như trong Dự thảo quy định.

Kính thưa Quốc hội,

Vấn đề an toàn thực phẩm ở các nước tiên tiến vẫn còn gặp không ít khó khăn. Ví dụ như ở Mỹ là một quốc gia phát triển, cơ chế quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và cơ quan FPA đã lừng danh thế giới về kiểm soát an toàn thực phẩm và cơ quan FPA lừng danh thế giới về kiểm soát an toàn thực phẩm nhưng con số ngộ độc vẫn chiếm 5 % mỗi năm, có khoảng 76 triệu ca ngộ độc với 325.000 người vào viện, 5000 trường hợp tử vong và mất tới 500 triệu đô la để cứu chữa. Như vậy nhìn lại thực trạng an toàn vệ sinh thực phẩm của nước ta, nguồn lực và năng lực còn quá mỏng manh, quá yếu kém. Mong muốn của chúng ta khi làm Luật an toàn thực phẩm thì rất nhiều nhưng xuất phát điểm của chúng ta còn thấp. Cùng với quá trình chuẩn bị để trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trước Quốc hội lại khá gấp nên có nhiều điều chưa thực sự an tâm do tính khả thi của luật. Tôi đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục tiếp thu đầy đủ ý kiến của các chuyên gia, cuả đại biểu Quốc hội chúng tôi để luật ngày càng hoàn thiện góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và của chính chúng ta. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan