Góp ý của đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Tiến – Hà Tĩnh

Thứ Ba 10:27 03-11-2009


Kính thưa Chủ tọa đoàn,

Kính thưa Quốc hội,

Tôi xin phép đi thẳng vào vấn đề, trong luật thì có lẽ chúng tôi cũng thống nhất cơ bản chỉ có một điều là luật của chúng ta ra phải mang tính hội nhập với quốc tế mà chúng ta đã cam kết với khu vực ASEAN cũng như là đối với thành viên của WTO. Trong này cũng đã có Điều 22 luật đã dự thảo là thừa nhận chứng chỉ hành nghề, luật viết như thế này : "việc thừa nhận chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh giữa các nước được thực hiện theo quy định của Điều ước quốc tế hoặc thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam là thành viên". Nếu điều này chúng ta thừa nhận mà luật đưa ra là thẩm quyền cấp chứng chỉ mà chia làm 2 mức:

Một là, Bộ trưởng Bộ Y tế và Sở y tế. Hai là cấp chỉ một lần một năm là chúng ta kẹt, là không hội nhập. Thực tiễn chúng tôi đang làm hiện nay là có mấy vấn đề này: chúng ta ký thừa nhận bằng cấp lẫn nhau với ASEAN là đối với ngành điều dưỡng từ năm ngoái, đối với nha khoa năm nay và bác sỹ đa khoa là sang năm. Chúng ta đã luôn phải ký xin muộn lại và chỉ còn Việt Nam với Lào, còn các nước khác đã ký rồi ở các nước đã phát triển thì Luật hành nghề này có nước đã hơn 100 năm.

Vừa rồi chúng ta có các nước và có nhu cầu là nhận các điều dưỡng của chúng ta với số lượng rất lớn, ví dụ như Nhật Bản, Mỹ, Úc và Bộ lao động, Thương binh, xã hội, Bộ kế hoạch và đầu tư, Bộ ngoại giao luôn giục Bộ Y tế là phải có một chứng chỉ hành nghề đối với các đối tượng này để có thể đưa các đối tượng lực lượng các em điều dưỡng rất nhiều ở các trường trung học và cao đẳng y trong và ngoài công lập số lượng rất lớn để giải quyết công ăn việc làm và thực hiện thỏa thuận trao đổi về hành nghề. Nhưng giả sử sắp tới chứng chỉ hành nghề này mà lại Sở y tế ký và cũng chỉ có giá trị coi như cấp một lần thì những đối tượng này sẽ không đi ra nước ngoài để thực hiện các trao đổi mà Chính phủ đã ký thỏa thuận với một số nước, đấy là vấn đề thứ nhất chúng tôi muốn nói thực tiễn.

Thứ hai, hiện nay Bộ y tế đang làm việc với các tổ chức ngân hàng như Ngân hàng phát triển Châu Á, Ngân hàng thế giới để thực hiện các nguồn hỗ trợ ODA chính thức với mỗi một hỗ trợ như thế khoảng 80 triệu đô la, trong đó có cả vốn không hoàn lại. Hiện nay chúng tôi đang tắc những dự án đó và không ký được bởi vì họ bảo chờ Quốc hội để phê duyệt. Nếu như chứng chỉ hành nghề này mà lại phân cấp cho Sở y tế ký và chỉ có cấp một lần thì ở nước ngoài chúng tôi xin đề xuất luôn mà không nói nữa là đề nghị cũng như trong phần mà Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tức là chúng ta thành lập Hội đồng y khoa trực thuộc Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ Y tế sẽ quyết định vấn đề này. Chúng ta ra luật chung như thế và theo đó căn cứ vào tình hình cụ thể Chính phủ quy định thẩm quyền thủ tục cấp mới, cấp lại, thu hồi chứng chỉ hành nghề, đình chỉnh hành nghề khi có điều kiện phù hợp. Chúng ta chung như vậy, sau đó Chính phủ, ví dụ Bộ trưởng sẽ ủy quyền cho giám đốc sở thì đấy là Chính phủ sẽ cụ thể, trong luật chúng ta ghi chung để hội nhập, chúng ta đã cam kết những cái đó rồi. Còn nếu chúng ta ghi các mức như hiện nay một số dự thảo các điều vừa rồi tổ thư ký tôi không nhắc lại nữa thì chúng ta không hội nhập và sẽ rất ắch tách cho Bộ Y tế trong việc thực hiện vấn đề hội nhập. Chúng ta chung như vậy sau đó Bộ trưởng và Chính phủ sẽ có những phân quyền đấy là ủy quyền của Bộ trưởng đối với các giám đốc sở thì chúng tôi thấy phù hợp hơn.

Thứ hai, là cấp 1 lần, thứ nhất, các đồng chí nói để có thanh tra đi kiểm tra, lực lượng thanh tra của Sở y tế 3-5 người làm rất nhiều việc, điều này không khả thi. Ở các nước khi chuẩn bị luật này chúng tôi còn chuẩn bị đi học để xây dựng một ngân hàng đề thi và quy trình thực hành của bệnh viện. Ở các nước phải thi lý thuyết, sau đó thi thực hành và thường thi qua mạng lần đầu, còn những lần sau họ chỉ đăng ký qua mạng và vẫn phải khảo sát 5 năm/lần. Mình ở đây hiện nay đưa vào tiêu chí chỉ thực hành ở bệnh viện, mà cũng chỉ có 18 tháng, chúng tôi nghĩ thời gian này phải thực hành ít nhất 24 tháng, sau đó có chứng nhận của giám đốc bệnh viện đó thì mới được. Nước ngoài người ta còn phải thi lý thuyết và người ta thi thực hành, mà mình chỉ cấp 1 lần để sau đó đi thanh tra thì nghề nghiệp không thể nào bảo đảm được và ngành y này là ngành học suốt đời. Sau này công nghệ thông tin phát triển và Bộ Y tế luôn có đào tạo liên tục, có những chứng chỉ đào tạo liên tục đó chúng ta có thể thay thế để cấp lại sau 5 năm 1 lần thì nó hội nhập và nó cũng thực tiễn để nâng cao chất lượng của cán bộ y tế, chúng tôi muốn đề xuất theo hướng chung như vậy để hội nhập.

Thứ hai, về thời gian thực hành chúng tôi đề nghị là 24 tháng, vì đã không đưa trong này vấn đề thi cử cả lý thuyết lẫn thực hành rồi, chúng tôi nghĩ rằng nếu hội nhập thì vẫn phải có phần thi lý thuyết và phần kiểm tra thực hành.

Thứ ba, ngành y tế cũng có đề nghị trong luật này, khi chúng ta xây dựng luật và chính sách là do con người. Trước chúng ta nói ngành y là nhất y nhì dược, nhưng bây giờ những năm tuyển sinh gần đây các em trúng điểm chính quy vào trường y nhưng không vào mà đi sang trường khác. Bởi vì thứ nhất là thi vào đã khó, học lại lâu, lương thì 6 năm mới ra trường, các trường khác học 4 năm, sau hai năm họ đã lên một bậc rồi, còn các em học 6 năm ra lúc bấy giờ mới lương khởi điểm.

Ở các nước lương ngành y là cao nhất, thi vào khó nhất, học đắt tiền nhất và ra lương cao nhất. Nhưng chúng ta lương khởi điểm là như nhau mà thời gian lại sau hai năm. Mà trách nhiệm lại trên tính mạng bệnh nhân và nó thực hiện cả y lý, y thuật và cả y đức. Chính vì thế mà Nghị quyết 46 của Bộ Chính trị đã nói rằng nghề y là một nghề đặc biệt, tuyển chọn đặc biệt, đào tạo đặc biệt, sử dụng đặc biệt, đãi ngộ đặc biệt. Trong toàn bộ điều luật này chỉ nói nghĩa vụ, quyền lợi của bệnh nhân, nghĩa vụ, trách nhiệm chủ yếu của người thầy thuốc chưa có một chính sách nào. Thứ nhất, chính sách vì người ta không xuống được nhiều cơ sở y tế người ta sẽ đi làm cho tư nhân. Thứ hai, sẽ chảy máu chất xám trong tương lai, đi ra nước ngoài làm. Hiện nay các nước rất muốn bác sĩ, chuyên gia của mình nhưng kẹt ở chỗ chưa có chứng chỉ hành nghề cho nên sẽ không giữ được và đội ngũ bác sĩ sẽ không thu hút được, tức là người ta không thu hút sinh viên mới đi học y. Thêm một ý nữa chúng tôi sẽ góp ý sau, Chính phủ sẽ quy định nghĩa vụ, chính sách để khuyến khích cán bộ y tế về công tác ở vùng sâu, vùng xa và có phụ cấp thích đáng. Xin hết.

 

Các văn bản liên quan