Góp ý của đại biểu Quốc hội Chu Lê Chinh – Lai Châu

Thứ Ba 10:28 03-11-2009


Kính thưa Quốc hội,

Tôi xin tham gia một số ý kiến và dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh như sau:

Tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội chúng ta cho ý kiến lần đầu về dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh. Tôi cho rằng dự án luật này đã được nhân dân quan tâm, đánh giá cao và chúng ta đã tổ chức lấy ý kiến rộng rãi từ khu dân cư. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu chúng tôi tổ chức lấy ý kiến ngay từ cấp xã, chính vì vậy nhân dân đặt nhiều niềm tin vào dự án luật này. Nếu các dự án luật khác chúng ta cũng tổ chức lấy ý kiến rộng rãi như dự án luật này thì sau khi luật ban hành sẽ dễ đi vào cuộc sống. Nhân dân đánh giá dự án luật này sau khi được ban hành sẽ dễ đi vào cuộc sống, những vấn đề bức xúc đặt ra cho công tác khám chữa bệnh sẽ được cải thiện.

Về tên gọi, ý kiến của nhiều đại biểu chúng ta còn băn khoăn về tên gọi của luật. Chúng tôi nhất trí cao với tên gọi là Luật khám bệnh, chữa bệnh bởi vì tên gọi là thông điệp, là tên gọi quen thuộc trong nhân dân và nó quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi trong 2 chủ thể giữa người bệnh và thầy thuốc. Từ xưa đến nay dân ốm đau người ta đến thầy thuốc, thầy thuốc có trách nhiệm khám cho người bệnh. Cho nên vấn đề tên gọi tôi cho là thông thường, truyền thống và được nhân dân nhận thức đúng tên gọi của luật.

Về vấn đề cán bộ, công chức viên chức hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tư nhân và cấp chứng chỉ hành nghề.

Về cấp chứng chỉ hành nghề, tôi nhất trí chúng ta chỉ nên cấp chứng chỉ một lần, chúng ta đều có đặt ra là cấp 5 năm gia hạn một lần, cấp lại như thế nó thiệt hại, tốn kém cho đối tượng và nó không phù hợp với vấn đề chủ trương, và vấn đề cải cách thủ tục hành chính của chúng ta, đi ngược lại vấn đề cải cách hành chính nhưng chúng ta lại phải có những quy định cụ thể. Về vấn đề công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm đấy mới là quan trọng chứ nếu chúng ta cứ cấp theo 5 năm như thế cũng chẳng có ý nghĩa gì nếu chúng ta không có công tác kiểm tra, thanh tra. Chúng tôi nhất trí chúng ta chỉ nên cấp một lần sử dụng lâu dài.

Một vấn đề cụ thể trong Chương VIII, Điều 81 trong dự thảo luật chúng ta quy định hệ thống tổ chức cơ sở khám bệnh chữa bệnh. Khoản 2 hệ thống cơ sở khám bệnh chữa bệnh của Nhà nước gồm 4 tuyến theo như dự án luật quy định như vậy chúng ta quá hành chính hóa theo 4 cấp, từ cấp trung ương đến cấp xã , nó không thực tế. Thực tế hiện nay ở vùng sâu, vùng xa địa giới hành chính rất xa cách, địa bàn rất rộng, quy mô dân số đông và chúng ta đã phát triển rất nhiều phòng khám đa khoa khu vực, chúng ta xác nhận vấn đề hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh của nhà nước, chỗ này có phù hợp không. Nếu luật ban hành khi luật có hiệu lực thì tất cả các phòng khám đa khoa hiện nay thì coi như không được hoạt động nếu hoạt động thì vi phạm luật.

Chúng tôi đề nghị không chỉ ở 4 tuyến mà là 5 tuyến, lại thêm một vấn đề tuyến cụm dân cư không phải đa khoa, đây là khu vực tương đương cấp xã nếu gọi là trạm y tế cấp xã chúng ta không được quy định ngay trong luật thì rất khó hoạt động trong vấn đề này. Và cũng phù hợp với Điểm g, của Điều 41 về vấn đề các hình thức tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của chúng ta có nên làm trạm y tế cấp xã và tương đương, tương đương ở đây có nghĩa là phòng khám đa khoa khu vực. Các vấn đề này tôi đề nghị phải ghi bổ sung ngay trong vấn đề hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước.

Vấn đề chính sách phát triển y tế khám, chữa bệnh cho nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là thôn bản. Chúng tôi nhất trí cao với đồng chí Thứ trưởng Bộ Y tế, đại biểu Quốc hội, so với các ngành khác thì chúng ta đào tạo nguồn nhân lực, chính sách ưu tiên phát triển về vấn đề y tế thôn bản và chăm sóc sức khỏe nhân dân ngay tại thôn bản của chúng ta, tôi thấy bất cập. So sánh với giáo dục hiện nay ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc 8-10 học sinh là chúng ta đương nhiên được bố trí một giáo viên biên chế Nhà nước. Một số thôn bản ở vùng sâu, vùng xa có 100 hộ trở lên, với dân số từ 500-600 người dân sinh sống nhưng Nhà nước chưa bố trí được một cán bộ y tế có trình độ từ trung cấp trở lên, đây có phải là vấn đề bất cập không.

Vừa rồi chúng tôi đã khảo sát về vấn đề tầm nhìn, về vấn đề công tác chăm sóc sức khỏe ở địa phương, những người bệnh từ thôn bản lên chữa bệnh ở tuyến trên tỷ lệ chết là rất thấp. Bởi vì người ta không được quan tâm tuyên truyền và kiểm tra một cách tối thiểu về khám, chữa bệnh ngay tại thôn bản. Khi bệnh đã nặng rồi lên tuyến trên thì khả năng cứu chữa rất khó khăn, tỷ lệ chữa được rất thấp. Tôi đề nghị chúng ta tiến tới phải có một chính sách nào đó để phát triển về chính sách y tế ở vùng sâu, vùng xa, ở thôn bản.

Một vấn đề rất bất cập, so sánh giữa hai ngành học, 2 học sinh, sinh viên cùng có bằng cấp đại học nhưng Đại học y phải học 6 năm, nếu học 1 năm dự bị đối với các cháu cử tuyển là 7 năm còn các ngành học khác là 4 năm, 5 năm. Nhưng khi ra trường hệ số lương đều như nhau, như vậy là bất cập, không khuyến khích được sinh viên giỏi vào ngành học y tế. Nhà nước phải tính toán về vấn đề này, chi phí đầu tư cho học tập của người ta 7 năm, 6 năm với 4 năm, 5 năm là khác hẳn. Đó là một số vấn đề rất bất cập.

Trong Luật khám bệnh, chữa bệnh hiện nay của chúng ta là có 9 chương, 91 điều về mảng quản lý Nhà nước về vấn đề khám chữa bệnh tôi cho là tương đối đáp ứng được. Như vậy mảng chính sách được đề cập trong Luật khám bệnh, chữa bệnh chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu và bổ sung thêm. Xin hết.

 

Các văn bản liên quan