Góp ý của đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Khá – Trà Vinh

Thứ Ba 10:27 03-11-2009


Kính thưa Chủ tịch đoàn,

Kính thưa đại biểu Quốc hội,

Cơ bản tôi nhất trí với tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Lần này đã tiếp thu rất nhiều ý kiến tổng hợp của các đại biểu Quốc hội. Tôi xin tham gia phát biểu một số ý kiến như sau:

Về vấn đề quy định công chức, viên chức tham gia hoạt động khám, chữa bệnh. Tôi rất nhất trí như Tờ trình của Ban soạn thảo, nhưng tôi đề nghị đối với trường hợp cho cán bộ, viên chức y tế làm việc ngoài giờ thành lập các loại hình khám, chữa bệnh tư nhân như đã phân tích, nhưng không được tham gia thành lập hoặc quản lý các bệnh viện tư nhân, các loại hình bệnh viện hoặc các hoạt động theo Luật hợp tác xã, Luật doanh nghiệp.

Khoản 5, Điều 6, hành vi bị nghiêm cấm, vấn đề cấm người hành nghề bán thuốc cho người bệnh dưới mọi hình thức, điều này Pháp lệnh y dược tư nhân cũng đã quy định nhưng thực sự người khám bệnh đã tự bán thuốc và đã xé vỏ thuốc ra cho người bệnh không biết, điều này là phổ biến và gần như là đa số. Tôi đề nghị điều này cần làm rõ thêm và có những chế tài quy định.

Tôi nhất trí với một đại biểu đã phát biểu ở Khoản 7, Điều 37 về việc không được kê đơn, chỉ định sử dụng các loại dịch vụ khám, chữa bệnh vì mục đích lợi nhuận hoặc vì mục đích trục lợi xin chuyển sang Điều 6, hành vi bị nghiêm cấm để rõ ràng hơn.

Điều 4, chính sách Nhà nước đầu tư cho vấn đề khám, chữa bệnh, tôi đề nghị thêm cụm từ "vùng đồng bào dân tộc thiểu số" sau cụm từ "vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn" để cho đầy đủ và hoàn chỉnh hơn.

Vấn đề cấp chứng chỉ hành nghề, tôi nhất trí được cấp chứng chỉ hành nghề một lần có giá trị trong cả nước nhưng tôi rất băn khoăn vì đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa sau khi có chứng chỉ hành nghề thường người ta rất chủ quan, sử dụng 5 năm, 10 năm, không phổ cập kiến thức mà hiện nay vấn đề khoa học ngày càng phát triển thì sẽ dẫn đến lạc hậu. Trong luật cũng có vấn đề thanh tra, kiểm tra phổ cập kiến thức, nhưng tôi cũng suy nghĩ và thực chất mà thấy cán bộ thanh tra bộ máy rất mỏng, nghiệp vụ hạn chế do đó tôi đề nghị làm sao củng cố bộ máy và đầu tư nguồn lực, sau đó phải quy trách nhiệm về công tác thanh tra kiểm tra chứ nếu không vấn đề thanh kiểm tra rất hạn chế. Điều 43 điều kiện cấp giấy hoạt động với cơ sở khám chữa bệnh, tôi thấy quy định này khá chặt chẽ nhưng tôi lo ngại quy định ở Điểm b, Mục 1 có đủ điều kiện về xử lý chất thải y tế v.v... và tôi thấy xem bao giờ quy định này thực hiện được đối với các trạm y tế xã . Hiện nay đặc biệt các trạm y tế xã rất khó khăn về công tác xử lý chất thải y tế, do đó đề nghị cũng phải làm rõ thêm và bảo đảm xử lý như thế nào là bảo đảm để Nhà nước phải đầu tư vấn đề này nếu không thì các trạm y tế này có đủ điều kiện để hoạt động không, đặc biệt vùng sâu, vùng xa không có trạm y tế thì rất khó vì rất xa các bệnh viện. Điều 44, Khoản 6, Chính phủ quy định biện pháp để bảo đảm đến ngày 1 tháng 1 năm 2016 tất cả cơ sở khám chữa bệnh đang hoạt động vào thời điểm luật này có hiệu lực phải có giấy phép hoạt động còn luật có hiệu lực ngày 1 tháng 1 năm 2011. Tôi đề nghị bổ sung từ ngữ hoặc giải thích thêm để làm rõ điều này. Điều 17 người hành nghề, Khoản 1 quy định bác sỹ đa khoa, bác sỹ chuyên khoa, y sỹ đa khoa, bác sỹ đông y, y sỹ đông y, tôi đề nghị thiết kế thêm y sỹ chuyên khoa, vì hiện nay loại hình y sỹ sản nhi đang hoạt động tại các trạm y tế xã là đa số, trạm y tế xã không thể nào có bác sỹ sản mà y sỹ sản nhi để phục vụ sinh đẻ cho các chị em phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa nếu khoản này chúng ta chưa thiết kế. Tôi cũng nhất trí với một đại biểu sắp xếp lại theo thứ tự về thẩm quyền cấp giấy chứng nhận về khám chữa bệnh các Điều 25, 26 tôi cũng nhất trí như dự thảo Luật là cần phải phân cấp để cho hạn chế sự rườm rà, xin cho rất bị động ở Bộ Y tế, nhưng tôi cũng đề nghị là nghiên cứu mô hình Hội đồng Y khoa ở một số nước. Tôi cho là nên giao cho Chính phủ có lộ trình thực hiện Hội đồng Y khoa để cấp giấy cho rõ ràng hơn.

Về Điều 32, quyền được từ chối khám bệnh, chữa bệnh Khoản 1 điều này quy định khá rõ, nhưng trong quá trình khám chữa bệnh mà tiên lượng bệnh vượt quá khả năng hoặc trái với phạm vi chuyên môn hành nghề của mình nhưng phải báo cáo và phải được thực hiện theo dõi và chăm sóc. Vấn đề này qua thực tế thấy một số bệnh nhân người ta đã phản ảnh rất nhiều và kể cả có đơn thư khiếu nại gửi đến các đại biểu Quốc hội. Tôi đề nghị làm rõ nếu tiên lượng vượt khả năng hoặc với điều kiện chuyên môn của mình không đủ thẩm quyền, không đủ khả năng mà không báo cáo, không xin ý kiến cấp trên thì phải được xử lý như thế nào nếu để bệnh nhân tử vong hoặc để lại những di chứng bại liệt v v...Chúng tôi đã nhận được nhiều đơn khiếu nại do bác sỹ không đủ trình độc chuyên môn hoặc do thờ ơ thiếu trách nhiệm để cho bệnh nhân tử vong. Điều này tôi đề nghị có chế tài rất rõ.

Điều 33 quyền được nâng cao năng lực chuyên môn, quy định này khá rõ. Tôi cũng hiểu rằng quy định này được áp dụng cho cả y tế công và y tế tư nhân. Nhưng thực tế chúng tôi có đến một số bệnh viện tư nhân, phòng khám tư nhân thì vấn đề đào tạo nâng cao tay nghề hoặc là được cung cấp thông tin chuyên môn, trao đổi thông tin chuyên môn họ phản ảnh rất khó khăn. Tức là ít có được các cơ sở Nhà nước mời hoặc là tham gia đào tạo thì tôi thấy chỗ này cũng phải có hướng dẫn như thế nào, quy định như thế nào để các cơ sở, đều bình đẳng trong việc đào tạo cũng như phổ cập kiến thức hoặc là trao đổi thông tin, trao đổi về nghiệp vụ chuyên môn về năng lực chuyên môn.

Điều 40 nghĩa vụ thực hiện đạo đức nghề nghiệp, vấn đề này tôi rất thấm thía đạo đức nghề nghiệp hiện nay là một số bệnh nhân, người nhà bệnh nhân phản ánh rất nhiều. Tôi đề nghị nên làm rõ từ "đạo đức nghề nghiệp" và quy trách nhiệm đạo đức như thế nào để cho nó rõ ràng vì hiện nay vấn đề đạo đức còn nhiều ý kiến khác nhau.

Cuối cùng vấn đề khiếu nại tố cáo thì tôi đề nghị thêm một đoạn cuối Khoản 1 là "hoặc người mình đại diện " Xin cám ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan