Góp ý của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Bạch Mai – Tây Ninh

Thứ Tư 16:21 02-06-2010

Kính thưa Quốc hội,

Tôi nghĩ rằng đối với Luật an toàn thực phẩm này trong bản đăng ký danh sách của Quốc hội chúng ta như đồng chí chủ trì Hội nghị đã nói đa số là phụ nữ, là những người hàng ngày đi chợ với mong muốn bữa cơm của gia đình mỗi chúng ta phải vừa ngon, vừa đủ chất nhưng phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Chính vì vậy chúng tôi thấy muốn nói lên một điều trăn trở của những người phụ nữ trong vấn đề này.

Trước hết, chúng tôi nói về Điều 4 chính sách của Nhà nước về an toàn thực phẩm. Trong Điều 4 ghi trong dự thảo luật có một nội dung chúng tôi rất quan trọng, bên cạnh việc xây dựng những chính sách, những chiến lược về đầu tư nguồn lực, kể cả đối với đổi mới công nghệ và vấn đề quản lý Nhà nước cho vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, một vấn đề đặt ra đó là làm thế nào để thực phẩm đảm bảo đủ chất. Tối hôm qua Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức một cuộc hội thảo rất bổ ích cho các vị đại biểu Quốc hội. Hôm nay là ngày 1 - 6, ngày vi chất dinh dưỡng của trẻ em Việt Nam.

Chúng tôi muốn nói điều này vì không chỉ là vấn đề khuyến khích đưa các vi chất vào thực phẩm mà hiện nay chúng ta cần phải có một chính sách rất rõ và ràng buộc trách nhiệm bắt buộc việc đưa vi chất vào trong thực phẩm như trong Điều 2 giải thích từ ngữ có nói rằng: thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng là thực phẩm được cho thêm một hay nhiều vitamin chất khoáng, chất vi lượng nhằm mục đích phòng ngừa hay khắc phục sự thiếu hụt chất đó đối với sức khỏe cộng đồng hay các nhóm đối tượng cụ thể trong cộng đồng mà những đối tượng cụ thể trong luật hiện nay đó là phụ nữ và trẻ em.

Xin báo cáo với các quý vị đại biểu, theo tài liệu của các chuyên gia về dinh dưỡng thì trên thế giới hiện nay hàng năm có khoảng 1,1 triệu trẻ em dưới 5 tuổi chết do thiếu vitamin A, hoặc là kẽm. 136 người phụ nữ, trẻ em chết do thiếu sắt do thiếu máu. 18 triệu trẻ sơ sinh bị giảm trí tuệ do thiếu i ốt v.v... có rất nhiều tử vong hoặc giảm sức khỏe và không cải thiện được sức khỏe do thiếu vi chất này. Chúng tôi đề nghị trong Điều 4 này nếu được chúng ta bổ sung thêm một khoản nữa là bắt buộc bổ sung các vi chất vào trong thực phẩm để đảm bảo cho sức khỏe cộng đồng mà trong đó các đối tượng phụ nữ và trẻ em rất quan tâm đến vấn đề này.

Vấn đề thứ hai, đó là những hành vi bị cấm, trong Điều 5, Khoản 5, Mục đ có nói vấn đề cấm các thực phẩm có bao gói, đồ chứa đựng không sạch bị vỡ, rách, biến dạng trong quá trình vận chuyển gây ô nhiễm thực phẩm. Chúng ta thấy rằng ghi như thế là không đủ và chúng tôi đề nghị "cấm sử dụng các loại bao bì gây ô nhiễm, gây độc hại cho thực phẩm, không đảm bảo an toàn cho người sử dụng". Thực ra thì chúng ta chỉ chú trọng đến chất lượng của thực phẩm về an toàn thôi, còn hình thức bên ngoài, những bao bì thực phẩm đóng hiện nay như thế nào. Có lẽ vừa rồi chúng ta cũng giật mình khi mà một số nước cho rằng bao bì thực phẩm của một số nước hiện nay nhập vào chúng ta thì có chất độc. Hiện nay chúng ta kiểm tra xem ở Việt Nam chúng ta có bao nhiêu sản phẩm được chứa đựng trong những bao bì mà không có đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Đây là vấn đề hết sức quan trọng, nếu chúng ta chỉ quan tâm đến chất lượng của thực phẩm mà không quan tâm đến hình thức vấn đề bao bì chứa đựng thực phẩm thì đó là vấn đề chúng ta thiếu sót. Cho nên tôi nghĩ ở Điều 5 này về những hành vi bị cấm thì nên có bổ sung một điều thế này: "cấm sử dụng các loại bao bì gây ô nhiễm, gây độc hại cho thực phẩm, không đảm bảo an toàn cho người sử dụng" ví dụ như những cái chai, cái lọ, cái hộp, những hộp xốp, những túi nhựa nilông v.v... tất cả những cái đó có thể gây ảnh hưởng gián tiếp cho thực phẩm hoặc gây ô nhiễm, gây độc hại, chúng ta nên cấm sử dụng, nó sẽ âm thầm gây tác dụng đối với sức khỏe người tiêu dùng. Do đó chúng ta phải đưa vào và ghi rõ trong những điều cấm đối với Luật an toàn thực phẩm này.

Điều 6 trong vấn đề chung, chúng tôi muốn nói vấn đề xử lý vi phạm pháp luật về vấn đề an toàn thực phẩm, ở đây chúng ta đưa ra nhiều vấn đề về xử lý, về quan điểm nhưng tôi nghĩ phải nói rõ bồi thường và khắc phục hậu quả trong vấn đề này. Nếu người sử dụng bị ảnh hưởng về sức khỏe và phục sức khỏe phải xử lý như thế nào hoặc người lao động nếu bị bệnh đến bệnh viện do thực phẩm không an toàn, ngày công bị ảnh hưởng. Tôi đề nghị phải nói rõ trong Điều 6 này: "Chi phí khám chữa bệnh, chi phí phục hồi sức khỏe kể cả chi phí cho những ngày công" Có như thế vấn đề xử lý mới nghiêm, còn chung chung rất khó xử lý.

Cuối cùng, vai trò quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm, chúng tôi rất tán thành và nhất trí trong luật lần này chúng ta đã làm rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành chức năng có liên quan về vấn đề quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm. Chúng ta đã có nhạc trưởng là Bộ Y tế, còn có 2 Bộ khác là Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, nhưng nếu chỉ nói như thế chưa rõ, không thể nào xử lý được trách nhiệm khi có vấn đề vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm xảy ra. Giống như nhiều đại biểu khác tôi đề nghị chúng ta phải có một hệ thống quản lý rất chặt và rất đồng bộ của các cơ quan quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm để khi ở những lĩnh vực nào phụ trách và phải có sự kiểm soát thật chặt. Đây là một hệ thống giám sát từ quá trình sản xuất, vấn đề phân phối, vấn đề lưu trữ, vấn đề tiêu thụ và chế biến thực phẩm. Có như thế sẽ được thiết lập một hệ thống rất chặt chẽ để đảm bảo mỗi sản phẩm có mặt trên thị trường đều nằm trong sự kiểm soát của Nhà nước, không để thả nổi như thời gian vừa qua.

Tôi thấy nhiều đại biểu yêu cầu sự phối hợp rất đồng bộ và tính cụ thể của từng trách nhiệm trong các Bộ, ngành quản lý trong luật đã đề ra. Mặc dù trong nghị định các đồng chí có nói, nhưng tôi cảm thấy chưa chặt chẽ và chưa có một sự phối hợp liên thông giữa các cơ quan với nhau. Tôi đề nghị trong quản lý Nhà nước về vấn đề này cần phải tăng cường hơn trong thời gian tới. Trong những nghị định cụ thể hướng dẫn cũng phải có sự liên thông.

Bên cạnh đó tôi đề nghị phải xây dựng một hệ thống thu hồi các sản phẩm độc hại. Thật ra trong Điều 55 ở Mục 4 chúng ta có nêu, có quy định. Nhưng trong nghị định của dự thảo chúng tôi thấy không quy định cụ thể vấn đề này. Tôi có đọc kỹ 3 nghị định dự thảo nhưng riêng hệ thống thu hồi đối với những sản phẩm độc hại mà qua kiểm tra, qua vấn đề phát hiện và xử lý thì cũng không đưa vào trong luật này. Chúng tôi đề nghị phải có quy định rất cụ thể để chúng ta có một hệ thống thu hồi yêu cầu nhà sản xuất và người phân phối thực phẩm dừng sản xuất, dừng tiêu thụ và thu hồi thực phẩm để đảm bảo sự an toàn cho người sử dụng. Chúng ta vừa nghe có một số thông tin cho rằng một số hãng sản xuất rất nổi tiếng về socola trong quá trình vừa rồi phát hiện có vấn đề thì họ tuyên bố trên toàn cầu thu hồi sản phẩm đó đối với các hệ thống phân phối. Vậy chúng ta thời gian vừa qua có làm được việc này không? Và sắp tới ai sẽ là người thu hồi các sản phẩm bị độc hại qua phát hiện xử lý. Tôi đề nghị chỗ này cũng phải có một quy định rất rõ về hệ thống thu hồi các sản phẩm mà không đảm bảo cho người tiêu dùng. Tôi xin hết ý kiến, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan