Góp ý của Đại biểu Quốc hội Huỳnh Phước Long – Trà Vinh

Thứ Tư 16:22 02-06-2010

Kính thưa Chủ tọa phiên họp,

Kính thưa Quốc hội.

Trước hết, tôi xin bày tỏ sự thống nhất cao với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật an toàn thực phẩm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Qua gợi ý một số vấn đề cần tập trung thảo luận và do là người phát biểu sau nên có những vấn đề tôi chuẩn bị đã trùng với nhiều ý kiến của các đại biểu phát biểu trước, nên tôi không phát biểu lại. Ở đây tôi chỉ nêu nhấn mạnh và tham gia thêm một số ý để Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu và cân nhắc thêm. Cụ thể như sau:

Vấn đề thứ nhất, về điều kiện đảm bảo an toàn đối với thức ăn đường phố được quy định tại Điều 31, Điều 32 và Điều 33, tôi thấy dự thảo luật nêu tương đối đầy đủ về các điều kiện đối với vị trí kinh doanh nhiên liệu, dụng cụ chứa đựng thực phẩm, người kinh doanh cho đến trách nhiệm quản lý của Bộ Y tế và Ủy ban nhân dân các cấp. Tuy nhiên, ở Khoản 2 Điều 31 phần nói về điều kiện đối với vị trí kinh doanh thức ăn đường phố, mặc dù dự thảo luật nêu rất cụ thể, nhưng tôi thấy chưa bao quát đối với các loại thức ăn đường phố đang diễn ra hiện nay. Như chúng ta ai cũng biết, thức ăn đường phố ở nước ta nói chung và các vùng miền nói riêng rất phong phú và đa dạng do có nhiều hộ kinh doanh nhỏ lẻ từ đó có những món ăn không chỉ được bày bán trên bàn, trên giá, kệ như dự thảo luật đã nêu mà người kinh doanh đựng trong tủ kính hoặc treo trong tủ kính v.v. cũng hợp vệ sinh. Cho nên đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu thêm vấn đề này để quy định cho đầy đủ, phù hợp với tình hình thực tế nhằm dễ thực hiện.

Thứ hai, quy định về trách nhiệm của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Công thương và Ủy ban nhân dân các cấp ở các Điều 62, 63, 64, 65. Tôi thấy dự thảo luật quy định rõ ràng và rạch ròi về trách nhiệm của các bộ và Ủy ban nhân dân các cấp, trong đó tôi rất đồng tình về việc dự thảo luật giao cho Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Tôi cho rằng việc giao trách nhiệm này cho Bộ Y tế rất phù hợp vì an toàn thực phẩm liên quan trực tiếp đến tính mạng của người dân. Mặt khác để thống nhất đầu mối khắc phục tình trạng chồng chéo khi xảy ra vụ việc khó quy trách nhiệm đối với cá nhân, đơn vị như thời gian đã qua.

Tuy nhiên để luật mang tính khả thi và sớm đi vào cuộc sống, tôi thấy cần quy định cụ thể hơn nữa về trách nhiệm của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, cũng như Ủy ban nhân dân các cấp. Trong đó cần đặc biệt làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân các cấp. Về vấn đề này, tôi xin tham gia cụ thể như sau:

Điều 62, Khoản d đối với trách nhiệm của Bộ Y tế, dự thảo luật quy định thanh tra, kiểm tra đột xuất đối với toàn bộ quá trình sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của các bộ khác khi cần thiết. Tôi thấy chỗ này Ban soạn thảo cần nghiên cứu đầy đủ và toàn diện hơn để quy định cho phù hợp và khả thi hơn, theo tôi cần xem điều kiện của Bộ Y tế như thế nào đối với vấn đề này, sự phối hợp của các Bộ khác đối với Bộ Y tế như thế nào trong khi ở Điều 63 về trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa có khoản nào nói về sự phối hợp, Bộ Tài chính thì có nói một khoản liệu việc thanh tra, kiểm tra đột xuất những phần việc thuộc về trách nhiệm của các Bộ khác nếu như thiếu sự phối hợp được quy định rõ trong luật Bộ Y tế có thực hiện được hay không?

Theo tôi nếu như chỗ Bộ Công thương có khoản nêu phối hợp thì chỗ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải nêu phối hợp nữa thì mới đồng bộ, chứ không chỉ nêu trong dự thảo nghị định. Mặt khác quá trình sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm nó không chỉ thuộc phạm vi quản lý của các Bộ, mà nó còn thuộc trách nhiệm quản lý của Ủy ban nhân dân các cấp, trong khi đó ở Điều 65 cũng chưa có khoản nào nói về sự phối hợp của Ủy ban nhân dân các cấp đối với Bộ Y tế. Thực tế cho thấy sự phối hợp của các ngành, các cấp có liên quan trong thực thi nhiệm vụ rất quan trọng, nó là một trong những yếu tố quyết định đến hiệu quả của công tác thanh tra, kiểm tra, kinh nghiệm trong giám sát của các cơ quan của Quốc hội đã qua, cũng như hiện nay cũng cho chúng ta thấy rõ điều đó. Do đó, đề nghị Ban Soạn thảo nghiên cứu thêm, mặt khác Ban Soạn thảo cũng cần rà soát kỹ xem ngoài 3 Bộ được quy định ở Điều 62, 63, 64 của dự thảo luật, còn Bộ nào khác có liên quan trực tiếp đến an toàn thực phẩm nữa hay không để có bổ sung cho đầy đủ và phù hợp, nhằm có sự đồng bộ về trách nhiệm, tránh đứng ngoài cuộc.

Đối với Điều 65, tôi thấy dự thảo luật nêu rất chung của Ủy ban nhân dân các cấp, chưa phân định rõ trách nhiệm của từng cấp và trách nhiệm của cấp tỉnh đối với cấp cơ sở như thế nào chưa được làm rõ. Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc để quy định bổ sung cụ thể hơn.

Vấn đề thứ ba, đối với chính sách của Nhà nước về an toàn thực phẩm được quy định ở Điều 4 của dự thảo luật, tôi đồng tình với các khoản được nêu ở điều này. Tuy nhiên, để các chính sách thực sự đi vào cuộc sống, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu thiết kế thêm một khoản nói rõ giao cho Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành điều này. Tôi cho rằng chính sách đối với an toàn thực phẩm rất quan trọng nhưng qua nghiên cứu dự thảo luật, tôi thấy điều này không nằm trong quy định của Điều 72, mặc dù Điều 72 cũng có nói: "Chính phủ hướng dẫn những nội dung cần thiết khác" nhưng cũng chưa rõ. Tôi xin hết.

Các văn bản liên quan