Góp ý của Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Thu Hằng – Vĩnh Long

Thứ Tư 16:21 02-06-2010

Kính thưa Quốc hội,

An toàn thực phẩm là một vấn đề nóng mà cả cộng đồng quan tâm. Theo Tổ chức y tế thế giới thì trên 50% các trường hợp tử vong của con người là do thực phẩm. Cũng theo Tổ chức y tế thế giới tại Việt Nam chúng ta hàng năm có trên 3 triệu người nhiễm độc thực phẩm, việc này làm tốn hao trên 4.000 tỷ VND mỗi năm. Như vậy vấn đề an toàn thực phẩm cần hết sức quan tâm. Đặc biệt trong này tôi quan tâm tới vấn đề sản xuất, kinh doanh hàng nông sản, thực phẩm nhỏ lẻ, tại Việt Nam hiện tại chiếm trên 80% và nan giải nhất là quản lý loại hình này. Sản phẩm tới tay người tiêu dùng có thể qua 1, 2, 3 hay nhiều công đoạn và có thể mất an toàn thực phẩm từ những khâu sản xuất, lưu thông, chế biến, bao bì chứa đựng, vận chuyển, bảo quản v.v...

Theo dự thảo luật người sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn sau khi bị truy xuất thì có trách nhiệm khắc phục sự cố an toàn thực phẩm, chịu toàn bộ chi phí điều trị cho người bị ngộ độc, bồi thường thiệt hại dân sự, trả chi phí kiểm nghiệm v.v.., tại các Điều 3, Điều 48, Điều 53. Tôi thấy những điều khoản này sẽ không thực hiện được nếu chúng ta không thể truy xuất nguồn gốc thực phẩm.

Tại Điều 44 của dự thảo luật có quy định ghi nhãn thực phẩm trước khi sản phẩm được lưu thông trên thị trường theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa. Tuy nhiên, nếu trong quá trình lưu thông, bảo quản gặp sự cố gây mất an toàn thực phẩm thì sao. Theo tôi Điều 44 nên thiết kế lại: tất cả thực phẩm từ tươi sống đến chế biến, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ, chế biến bao bì gói sẵn tại Việt Nam, thực phẩm nhập khẩu phải có ghi nhãn thực phẩm theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa, đồng thời ghi rõ toàn bộ các quá trình lưu thông từ tên người sản xuất, phương thức sản xuất từ ban đầu cho đến vận chuyển, chế biến, lưu thông, bày bán. Tôi thấy đây là một vấn đề có thể hơi phức tạp nhưng nếu chúng ta cố gắng thì sẽ thực hiện được.

Ở Điều 22 của dự thảo luật cũng quy định điều kiện bảo đảm an toàn trong sản xuất kinh doanh thực phẩm quy mô nhỏ lẻ. Nhưng ở Điều 16, Khoản 2 trong nghị định hướng dẫn quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm thì những loại hình như sản xuất, kinh doanh thực phẩm quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình, kinh doanh thức ăn đường phố lại không cần phải chứng nhận đủ điều kiện an toàn. Tôi đề nghị Ban soạn thảo giải thích thêm về vấn đề này.

Vấn đề thứ ba, điểm mới trong dự thảo luật là chỉ còn 5 bộ, ngành tham gia quản lý an toàn thực phẩm và Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, rải rác trong các Điều 62, 63, 64 của dự thảo luật, các bộ, ngành quản lý từng khâu. Tôi nghĩ rằng quản lý từng khâu sẽ khó thống nhất. Ở Điều 62, Khoản 1, Điểm c quy định: Bộ Y tế yêu cầu các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp báo cáo định kỳ, đột xuất về công tác quản lý an toàn thực phẩm. Điều 62, Khoản 1, Điểm d quy định: thanh tra của Bộ Y tế cũng sẽ kiểm tra đột xuất toàn bộ quá trình sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của các bộ, ngành khi cần thiết.

Tôi nhận thấy để dễ dàng cho Bộ Y tế thực hiện nhiệm vụ này và cũng để dễ dàng phối hợp với các Bộ cần quy định rõ trong văn bản dưới luật khi nào cần báo cáo đột xuất và khi nào thanh tra đột xuất.

Thưa Quốc hội, để thực hiện tốt việc quản lý an toàn thực phẩm phải triển khai đồng bộ 3 loại giải pháp thuộc phạm trù cơ chế chính sách thuộc phạm trù kinh tế - xã hội, phạm trù khoa học công nghệ, Luật ra đời phạm trù cơ chế chính sách đã vào quy củ nhưng cũng cần đầu tư về kinh tế - xã hội, về khoa học công nghệ để công tác này có hiệu quả tối ưu trong cuộc sống như các đại biểu đã đề cập.

Cuối cùng, với sự chuẩn bị chu đáo tiếp thu ý kiến, giải trình đầy đủ sau khi lấy ý kiến của đại biểu Quốc hội lần thứ nhất, lần này điểm đặc biệt là dự thảo luật cũng đã kèm 4 Nghị định hướng dẫn. Trong bối cảnh người dân hết sức quan tâm và kỳ vọng, cần có hành lang pháp lý giải quyết những vấn đề bức xúc về mất an toàn thực phẩm chẳng những ảnh hưởng và biểu hiện rõ trên sức khỏe hiện tại, tương lai mà còn cả trên giống nòi, vì một đời người 80 tuổi phải tiêu thụ 24 tấn thực phẩm và 59 tấn nước. Hơn bao giờ hết, tôi nhận thấy Luật an toàn thực phẩm thực sự cần thiết thông qua tại kỳ họp này. Tôi xin hết.

Các văn bản liên quan