Góp ý của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết – Lạng Sơn

Thứ Ba 10:36 26-10-2010

Kính thưa Quốc hội,

Tôi xin phát biểu một số ý kiến như sau:

Trước hết, chúng tôi tán thành ý kiến các vị đại biểu đã phát biểu trước là nên sửa lại Khoản 9, Điều 3 bởi vì quyền xác định đối tượng nộp thuế là quyền của Quốc hội, chứ không nên giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Thứ hai, liên quan đến vấn đề này thì chúng tôi cũng tán thành ý kiến của một vị đại biểu phát biểu trước tôi là phải viết lại Điều 13. Ở đây Điều 13 chúng ta giao cho Chính phủ hướng dẫn toàn bộ những nội dung thấy cần thiết để thi hành luật này, tôi cho là không nên. Bởi vì Luật do Quốc hội thông qua, thể hiện ý chí của nhân dân, nhân dân giao quyền cho Quốc hội để ràng buộc Chính phủ, ràng buộc bên cơ quan hành pháp. Bây giờ mình lại buông hết cơ quan hành pháp muốn hướng dẫn như thế nào cũng được. Tôi nghĩ như thế mình giao luôn cho Chính phủ làm nghị định, Quốc hội khỏi phải làm luật. Lâu nay chúng ta theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã quy định chỉ những điều nào trong luật giao Chính phủ hướng dẫn thì Chính phủ mới hướng dẫn. Nhưng lâu nay các vị lại sợ Quốc hội làm luật còn sót, cho nên giao cho Chính phủ hướng dẫn tất. Tôi cho rằng nếu Quốc hội làm luật sót thì cơ quan trình luật và cơ quan thẩm tra luật và Quốc hội phải chịu trách nhiệm trước nhân dân và phải sửa đổi, bổ sung chứ còn không nên giao kiểu như thế này.

Điểm thứ ba, chúng tôi cũng tán thành ý kiến đại biểu Nguyễn Trung Nhân ở Cần Thơ là nên tính thuế theo phương pháp tính thuế tương đối, tức là tính phần trăm theo giá chứ không nên tính theo phương pháp tuyệt đối. Bởi vì bây giờ chúng ta xác định túi ni lông thuế là 30 nghìn/kg có vẻ cao, nhưng với đà trượt giá như thế này thì vài năm nữa 30 nghìn không là gì cả, đến lúc ấy người ta lại sử dụng túi ni lông bừa bãi, chúng ta không thể kiểm soát được. Cho nên tôi cho rằng nên tính thuế tương đối, không nên tính theo số tuyệt đối.

Điểm cuối cùng tức là Điều 6, chúng tôi không tán thành cách quy định như thế này. Tức là đối với hàng hóa sản xuất trong nước thì số lượng hàng hóa tính thuế là số lượng hàng hóa sản xuất bán ra, trao đổi, tiêu dùng nội bộ hoặc là tặng, cho. Tôi cho là phải tính thuế bảo vệ môi trường đối với tất cả số lượng hàng hóa đã sản xuất ra. Còn khi nào hàng hóa đó được xuất khẩu thì lại hoàn thuế, nếu bây giờ mình tính cái bán ra thôi thì thứ nhất tôi xin nói có những cái để trong kho nó cũng có hại, ví dụ như thuốc trừ sâu, thuốc chống mối mọt; hai nữa là túi ni lông nếu chưa bán được, sản xuất thì nhiều mà chưa bán được bị ế hàng thì sau đó người ta đem chôn lấp thì cũng có hại cho môi trường. Để ở kho vẫn có hại, tồn kho vẫn có hại, chôn lấp vẫn có hại, cho nên phải đánh thuế vào số lượng hàng hóa sản xuất ra chứ không phải là số bán ra hay là trao, tặng, biếu v.v.

Lý do thứ hai, của tôi là chúng ta không thể kiểm soát được lượng hàng hóa đem cho, biếu. Khi người ta sản xuất ra, người ta cho, biếu thì làm sao mình kiểm soát được để tính thuế, người ta có báo cáo với mình đâu.

Lý do thứ ba là trong tình hình quản lí thuế, quản lý hàng hóa của Việt Nam như hiện nay thì chúng ta cũng không kiểm soát nổi ngay cả số lượng bán ra. Người ta bán trốn thuế, người ta bán mà cơ quan quản lý không biết rất nhiều. Cho nên, tôi cho rằng, chúng ta phải đánh thuế trên số lượng hàng hóa đã sản xuất ra.

Chúng tôi xin có một số ý kiến đóng góp với Quốc hội. Xin cảm ơn.

Các văn bản liên quan