Góp ý của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Dũng – Đắc Lắk

Thứ Năm 11:36 10-06-2010

Kính thưa Đoàn Chủ tịch,

Kính thưa Quốc hội,

Hôm nay ngày quốc tế bảo vệ môi trường mà chúng ta thảo luận thuế bảo vệ môi trường thực là thú vị, có lẽ chỉ có Việt Nam làm được điều này. Trong Luật này tôi thấy có một số chi tiết cần phải phát biểu đó là đối tượng chịu thuế là hàng hóa gây ô nhiễm môi trường, như vậy thì đánh thuế vào người tạo ra hàng hóa đó hay đánh thuế vào người tiêu dùng hàng hóa đó. Tôi lấy ví dụ như rác thải, rác thải thì ai là đối tượng sử dụng rác thải là mấy bà rất nghèo khổ đi bới rác và họ nhặt đi cho là may, thế thì chẳng lẽ họ lại chịu nộp thuế, còn những người làm ra rác thải thì lại không bị nộp thuế, những chi tiết đáng lưu ý đó là thuốc bảo vệ thực vật và thuốc trừ mối. Xin lưu ý có rất nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thuốc trừ mối sinh học, xin ghi rõ đó là những đối tượng cần khuyến khích và không phải chịu thuế. Một chi tiết nữa là thuật ngữ HCFC ở trong văn bản theo tôi là không thích hợp. Thứ nhất là không ai hiểu là gì cả, thứ hai là không khoa học, bởi vì HCFC hiện nay người ta thấy rằng là không phải HCFC mà các loại CFC là các loại chứ cacbon và hydrin đều gây độc hại. Cho nên nên dùng một thuật ngữ khác là PHENOL, PHENOL là tên thương mại thường dùng của HCFC và nó bao quát rộng hơn, bởi vì nó bao gồm cả Diclorua Metan mà nó không phải HCFC, nó cũng làm ảnh hưởng đến tầng ozon của khí quyển. Cho nên, tôi đề nghị một là ghi rõ Hydroclorua cacbon bên cạnh chữ HCFC. Hai là chúng ta thay bằng thuật ngữ thông dụng là khí Freon.

Bây giờ tôi cũng tập trung nói về một chuyện mà tôi cho là hết sức quan trọng đó là việc chúng ta chủ trương loại bỏ túi nhựa xốp, tôi xin nói là không có khái niệm niệm túi nhựa xốp, chỉ có túi nhựa, chai nhựa, hộp xốp là 3 thứ ta chưa thể loại bỏ được. Tập đoàn của Nhật Bản đã giúp chúng ta rất nhiều trong việc làm thí điểm ở thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Hà Nội đều thất bại, phát cho các nhà những túi màu khác nhau, các gia đình cũng chịu khó phân loại, rất khó vì mỗi ngày rác rất ít, trong mỗi gia đình cho vào từng túi rất khó, phức tạp nhưng đem 3 túi 3 màu khác nhau ra đường chỉ có một thùng rác, lại ném cả 3 túi vào một thùng rác, điều đó là bất khả thi. Trong khi đó ta có một tiến bộ khoa học công nghệ là viêc xử lý rác chỉ còn 10% chôn lấp, đó là vôi vữa thì túi, nhựa, hộp xốp càng nhiều càng tốt, vì chúng ta đã chế biến 90% thành sản phẩm, 90% sản phẩm đó bao gồm chất hữu cơ sinh học, loại phân bón rất tốt, không dùng đến than bùn. Than bùn là thứ sản phẩm không có tác dụng mấy với cây trồng, nhiều nơi còn cấm sử dụng vì có chứa kim loại nặng, chúng ta đã mua tấn bán cân, mua rất rẻ, bán rất đắt, ít hiệu quả. Các nhà máy chế biến rác này đã được thực hiện ở thành phố Hồ Chí Minh, sắp khánh thành nhà máy 1.000 tấn/ngày và đã hoàn thành với nhà máy 200 tấn/ngày.

Nghị quyết 41 ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị xác định rất rõ là phải thu gom và xử lý toàn bộ rác thải sinh hoạt và rác thải công nghiệp bằng các phương pháp thích hợp, trong đó ưu tiên cho việc tái sử dụng, tái chế chất thải, hạn chế tối đa khối lượng rác chôn lấp, nhất là đối với các đô thị thiếu mặt bằng làm bãi chôn lấp. Vì vậy không thể đánh thuế hàng hóa vào người tiêu dùng mà đánh thuế hàng hóa vào người không chịu chế biến rác theo công nghệ mới cứ việc đem chôn lấp. Trong rác có 70% là nước, nước đó rất độc hại và nó đi đâu, một là thấm ra ngoài làm nhân dân trong vùng vô cùng phản đối, hai là thấm xuống mạch nước ngầm gây ô nhiễm cả vùng nước đó. Cho nên việc chúng ta cấm sử dụng túi nhựa, chai nhựa, hộp xốp là chưa thích hợp bởi vì trên thế giới hiện nay một lãnh thổ làm được điều này đó là Đài Loan bởi vì họ đã chế biến được nhựa sinh học rất đắt tiền để thay thế và các nước khác cũng chưa làm được cái này. Bây giờ chúng ta đi ăn liên hoan, thức ăn thừa bỏ đi phí quá, chúng ta phải đem về nhưng chẳng nhẽ lại xin lá chuối thì không thể có được, tôi nghĩ việc này không khả thi. Việc sử dụng công nghệ mới để chế biến các ống cống, các ống cống này càng nhiều nilong, càng nhiều hộp xốp càng tốt và ống công công nghệ mới này đập không vỡ cho nên công nghệ này được Bộ Xây dựng và Chính phủ hoan nghênh và đang phát triển ở nhiều thành phố. Hàng năm chúng ta phải chi hàng 15 nghìn tỷ đồng cho lấp rác và phải dùng 5 nghìn ha đất để chôn trong đó phần lớn là đất gần quốc lộ để tiện cho ô tô đổ, cho nên gây bức xúc vậy mà chúng ta không áp dụng kỹ thuật mới này thì thật lãng phí. Tôi đề nghị nên tính lại việc đối tượng chịu thuế hàng hóa gây ô nhiễm, hàng hóa gây ô nhiễm này không nhất thiết đánh vào những người dùng hàng hóa đó, mà phải đánh vào người làm ra hàng hóa gây ô nhiễm đó. Tôi thấy luật này nặng về việc đánh vào dân chứ không đánh vào người sản xuất ra hàng hóa gây ô nhiễm, sản xuất của các nhà máy rác là hàng hóa thì các nhà máy rác đó phải chịu việc đánh thuế rác bởi vì không chịu xử lý rác theo công nghệ đã được Nhà nước chấp nhận và không chịu đầu tư để thực hiện cái đó. Tôi mong sau kỳ họp này các tỉnh suy nghĩ và tiếp thu công nghệ xử lý rác để chi chôn lấp 10% là xà bần và vôi vữa, còn lại tất cả biến thành ống cống và phân bón hữu cơ có tác dụng tốt phục vụ nông nghiệp. Xin hết.

 

Các văn bản liên quan