Góp ý của Đại biểu Quốc hội Đinh Thị Phương Lan – Quảng Ngãi

Thứ Năm 11:35 10-06-2010

Kính thưa Quốc hội,

Tôi xin được tham gia một số ý kiến liên quan đến nội dung của dự thảo luật như sau:

Hiện tại, ta đã thực hiện một số chính sách bảo vệ môi trường thông qua các loại phí và lồng ghép vào một số chính sách thuế khác, mặc dù đã đạt được kết qủa nhất định nhưng bên cạnh đó cũng bộc lộ không ít hạn chế:

Thứ nhất, về các loại phí bảo vệ môi trường, thường thì mức thu không chắc chắn.

Thứ hai, phí có thể dẫn đến việc tăng giá cả, có thể gây thiệt hại cho người tiêu dùng thay vì điều chỉnh trực tiếp hành vi của người gây ô nhiễm.

Thứ ba, giá trị pháp lý của phí thấp.

Thứ tư, mức thu của các loại phí hiện hành còn hạn chế.

Theo số liệu báo cáo trong Tờ trình của Chính phủ khoản thu phí bảo vệ môi trường năm 2008 là 10.224 tỷ đồng, trong khi chỉ cần một vụ như Vedan thì giá trị thiệt hại lên tới vài trăm tỷ đồng. Vì các hạn chế như trên mà các loại phí chưa thực sự là công cụ kinh tế bảo vệ môi trường hiệu quả. Công cụ thứ hai đó là thuế. Chúng ta muốn thực hiện bảo vệ môi trường thông qua chính sách thuế khác vì chưa có chính sách thuế dành riêng cho bảo vệ môi trường như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu v v...Ví dụ quy định ưu đãi 10% suốt đời dự án cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi trường. Về bản chất đây là một dạng trợ cấp thông qua thuế, bên cạnh những mặt đạt được thì trợ cấp cũng chứa đựng nhiều hạn chế như trợ cấp cho phép các cơ sở doanh nghiệp gây ô nhiễm tiếp tục sản xuất thay vì bắt họ ngừng hoạt động.

Thứ hai là theo thời gian trợ cấp sẽ lôi kéo thêm nhiều người khác vào hoạt động của ngành.

Thứ ba là về mặt phân phối gánh nặng không rơi vào người sản xuất và người tiêu thụ sản phẩm gây ô nhiễm mà vào người dân chịu thuế và như vậy là vi phạm vào nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền. Ta cũng có thể áp dụng một số các công cụ kinh tế khác như giấy phép ô nhiễm có thể mua bán hoặc thuế xanh hay hàng rào kỹ thuật nhưng trong trình độ điều kiện khoa học kỹ thuật của nước ta còn hạn chế thì việc áp dụng các công cụ này khó khăn. Đặc biệt người tiêu dùng sẽ phải chịu gánh nặng từ thuế vì ít có cơ hội lựa chọn như vậy mục tiêu là buộc chính cá nhân tổ chức gây ô nhiễm bồi hoàn cho môi trường không được thực hiện hiệu quả dẫn đến ý nghĩa của các công cụ trong việc điều tiết vĩ mô các vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường là rất thấp. Từ những phân tích trên cho thấy để điều chỉnh những vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường theo tôi không chỉ đơn giản chỉ cần bổ sung một luật chủ yếu quy định mức thuế cho một số sản phẩm gây ô nhiễm môi trường là đủ. Về lâu dài ta cần có một sự điều chỉnh đồng bộ các chính sách bảo vệ môi trường hoặc phải hoàn thiện Luật thuế bảo vệ môi trường theo hướng toàn diện hơn. Ta có thể hoàn thiện Luật thuế bảo vệ môi trường thông qua các việc.

Thứ nhất, phải điều chỉnh lại các chính sách bảo vệ môi trường đã thực hiện cho phù hợp hơn làm căn cứ thực tiễn.

Thứ hai, phải phân lại những tổn thất mà nền kinh tế gây ra cho môi trường theo từng ngành nghề, nhóm đối tượng, hoặc mức độ tác động.

Thứ ba là xác định giới hạn hy sinh của môi trường cho nền kinh tế, đây là một thực tế cần phải chấp nhận, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển như Việt Nam nhưng vấn đề này phải xác định giới hạn cho phép đến đâu.

Thứ tư là luật xây dựng phải đảm bảo nguyên tắc công bằng, minh bạch. Công bằng ở đây không có nghĩa là đem cào bằng mà phải tính theo định hướng đảm bảo mục tiêu bảo vệ môi trường, minh bạch hóa chính là việc phân định rõ các loại chi phí. Ví dụ giá thành của một sản phẩm do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất ra thường thấp hơn so với giá thế giới. Vì ngoài việc được hưởng các ưu đãi từ sự hỗ trợ của nhà nước, thì một số doanh nghiệp không phải chi trả hoặc phải chi trả một chi phí rất thấp cho việc khai thác, sử dụng các dịch vụ của môi trường hoặc không phải trả chi phí cho việc gây tổn hại cho môi trường. Để hội nhập tốt cùng tiến trình phát triển các doanh nghiệp không thể không dần dần minh bạch hóa và thực hiện các nghĩa vụ đối với các khoản phí đặc biệt chi trả cho môi trường.

Kính thưa Quốc hội, bảo vệ môi trường luôn là vấn đề nan giải, chúng ta chưa thực sự xây dựng được các chế tài hữu hiệu, đủ mạnh về lĩnh vực này, chủ yếu vẫn dựa trên cơ sở tự nguyện. Thuế môi trường thực sự là một trong những chính sách tài chính phức tạp, mục đích là điều chỉnh đối với tất cả các đối tượng gây ra ô nhiễm môi trường, nhưng chủ yếu vẫn liên quan trực tiếp đến các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp sở hữu những điều kiện vật chất thuận lợi có được từ việc huy động, khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn lực của xã hội, ngoài việc tạo ra giá trị thặng dư trong quá trình sản xuất, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội, thì doanh nghiệp cũng có thể cùng với nhà nước thực hiện một vai trò cực kỳ quan trọng khác, đó là tham gia vào chính quá trình phân phối loại thu nhập. Trên thực tế đã có nhiều doanh nghiệp thực hiện rất tốt các nghĩa vụ về thuế, thực hiện tích cực vai trò của mình đối với môi trường và xã hội. Nếu chuyển tải tốt tinh thần này đến đối tượng chịu thuế thì luật mới thực sự là công cụ quản lý vĩ mô về bảo vệ môi trường hữu hiệu. Xin hết, xin chân thành cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan