Góp ý của đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Nhơn – Đồng Tháp

Thứ Ba 10:21 03-11-2009


Kính thưa Chủ tọa,

Kính thưa Quốc hội,

Cơ bản tôi nhất trí với Báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nhưng về dự án luật này tôi thấy có vấn đề nghịch lý là tên luật là Luật khám bệnh, chữa bệnh nhưng thực tế trong nội dung của dự án luật nêu tương đối về hành nghề y. Cho nên chứng minh, ngay bản gợi ý thảo luận của Đoàn Thư ký có 4 vấn đề:

Thứ nhất, là gợi ý thảo luận về công chức, viên chức hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tư nhân.

Thứ hai, là chứng chỉ hành nghề.

Thứ ba, là thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề.

Thứ tư, là cấp phép hoạt động. Không nói gì nội dung khám bệnh, chữa bệnh. Cho nên tôi thấy hình như trong sự gợi ý của Đoàn Thư ký nói riêng thấy các vấn đề hơi khập khiễng. Cho nên đây là vấn đề lưu ý để Ủy ban Thường vụ Quốc hội có quan tâm hơn đối với nội dung chủ yếu của tên luật là Luật khám bệnh, chữa bệnh.

Đi vào các vấn đề cụ thể, tôi cũng nhất trí với 4 vấn đề gợi ý của Đoàn Thư ký, riêng về quy định cấp chứng chỉ hành nghề, theo chính kiến cá nhân tôi, tôi đề nghị nên 5 năm cấp 1 lần. Vì lý do trong quá trình hành nghề cũng có biến động về nghề nghiệp, về điều kiện v.v..., cho nên cần có kiểm tra, thanh tra để cấp lại. Vì hiện nay trong quá trình cải cách thủ tục hành chính tôi thấy cấp lại cũng không tốn kém gì và cũng không ảnh hưởng gì đối với đối tượng hành nghề. Do đó tôi đề nghị là 5 năm.

Thứ hai, có mấy vấn đề cụ thể. Điều 3 về các nguyên tắc trong hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, tại Khoản 3 có thiết kế là kịp thời và tuân thủ đúng quy định chuyên môn kỹ thuật, tôi đề nghị thêm cụm từ "an toàn" và thiết kế lại như sau: kịp thời, an toàn và tuân thủ đúng chuyên môn kỹ thuật.

Thứ ba, các chính sách Nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh, tại Khoản 1 về ưu tiên bố trí ngân sách nhằm đáp ứng nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh cơ bản của nhân dân, quan tâm dành ngân sách cho việc chăm sóc sức khỏe đối với người có công với cách mạng, trẻ em, người nghèo, nông dân, đồng bào dân tộc thiểu số, nhân dân ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Tôi nghĩ tại Khoản 1, Điều 4 nêu lên quan điểm và đạo lý rất tốt nhưng đối tượng quá rộng do đó cho nên khi chúng ta triển khai thực hiện so với những điều kiện về y tế, điều kiện vật chất và đội ngũ y, bác sỹ của chúng ta hiện nay sẽ không đảm bảo.

Trong đối tượng nông dân cũng có người giàu và người nghèo cho nên tôi đề nghị Ban soạn thảo chúng ta cần chọn lọc đối tượng cho cụ thể hơn. Đối tượng công nhân và nhân dân lao động như thế nào, nếu nói nông dân thì phải có công nhân và người lao động. Hiện nay những người lao động ở thành thị hoặc ở khu công nghiệp cũng rất khó khăn cho nên đề nghị Ban soạn thảo cần chọn lọc lại đối tượng để khi luật đi vào cuộc sống có tính khả thi hơn. Nếu quy định như vậy thì rất rộng và chúng ta không có khả năng thực hiện, nêu như vậy chỉ cho đẹp điều luật còn thực tế là không khả thi và khó đi vào cuộc sống. Đề nghị Ban soạn thảo nên tính toán chắt lọc lại đối tượng cho rõ hơn và để thực sự phục vụ cho đối tượng là người có khó khăn và người nghèo. Tại Điều 81 về hệ thống tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chúng ta phân làm 4 tuyến. Trong này có Khoản 3, về cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến trên có trách nhiệm chỉ đạo, hỗ trợ về chuyên môn kỹ thuật đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của tuyến dưới. Khoản 4 giao cho Bộ trưởng Bộ Y tế quy định cụ thể về thẩm quyền phân tuyến, trong thực tế 4 tuyến của chúng ta hiện nay còn chồng chéo, phân cấp chưa rõ ràng. Tôi đề nghị trong luật quy định phân cấp rõ ràng trách nhiệm và liên thông giữa 4 tuyến đảm bảo thuận lợi đối với người khám bệnh và chữa bệnh, tạo điều kiện luật triển khai khả thi hơn. Xin hết.

Các văn bản liên quan