Góp ý của đại biểu Quốc hội Huỳnh Văn Tí – Bình Thuận

Thứ Ba 10:21 03-11-2009


Kính thưa Quốc hội,

Tôi nhất trí cao với Báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Luật khám bệnh, chữa bệnh. Qua nghiên cứu dự thảo tôi phân vân 3 vấn đề:

Thứ nhất, liên quan đến đội ngũ thầy thuốc. Như chúng ta biết bên cạnh trình độ chuyên môn, thì vấn đề y đức của thầy thuốc là vấn đề xã hội đặc biệt quan tâm. Như các đại biểu trước phân tích, làm bất cứ việc gì cũng đòi hỏi phải có đạo đức, nhưng đặc biệt đạo đức người thầy thuốc liên quan rất chặt với sinh mệnh của con người. Đó là vấn đề cực kỳ quan trọng.

Qua nghiên cứu dự thảo tôi thấy vấn đề y đức của thầy thuốc được đề cập rải rác và chưa sâu sắc. Trong dự thảo ghi: "Giao cho Bộ trưởng Bộ Y tế quy định đạo đức nghề nghiệp". Vấn đề này tôi đề xuất 3 kiến nghị như sau:

Một, Bộ Y tế đã ban hành 12 điều y đức và những vấn đề liên quan đến y đức. Đề nghị Bộ xem qua quá trình thực hiện nội dung nào đủ, đúng, khẳng định được thì đề xuất ghi vào dự thảo luật. Nếu được ghi vào luật thì tính pháp lý rõ ràng nó cao hơn, tính bắt buộc phải thực hiện cao hơn, cũng là cơ sở quan trọng để Quốc hội, Hội đồng nhân dân và nhân dân giám sát dễ hơn. Bây giờ vấn đề lớn như thế này mà Quốc hội không thảo luận trực tiếp thì tôi thấy cái đó nên xem xét lại. Đó là vấn đề thứ nhất.

Vấn đề thứ hai, tại Khoản 7,, Điều 3, có nêu một ý là "người hành nghề không được kê đơn, chỉ định sử dụng các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh vì mục đích trục lợi", tôi rất nhất trí với ý kiến này. Đây là một trong những vấn đề xã hội cũng rất quan tâm, nhưng tôi xin đề nghị chuyển nó lên Điều 6 ở chỗ những điều cấm không được làm của người hành nghề thì nó đúng chỗ hơn.

Thứ ba, Tại Điều 53 có ghi một tiết là trách nhiệm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, tôi đề nghị nói là trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở khám, chữa bệnh. Phải sửa lại những nội dung đó với ý là trách nhiệm người đứng đầu và tôi đề nghị một ý là người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trực tiếp về quản lý và giáo dục y đức của đội ngũ trực thuộc mình. Tôi nhớ nhiệm kỳ trước đại biểu Quốc hội chất vấn chị Trần Thị Trung Chiến trách nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế thế nào trong việc giáo dục đội ngũ này để cho có tình trạng này, tình trạng nọ. Bộ trưởng làm sao chịu trách nhiệm đến từng cơ sở, chỉ quy định những vấn đề chung thôi, còn người trực tiếp ở đó là phải chịu trách nhiệm về quản lý, về giáo dục và mọi thứ khác. Làm sao Bộ trưởng mãi trên Trung ương mà xuống dưới chịu trách nhiệm trực tiếp thay người đứng đầu ở đó được. Tôi đề nghị luật phải xác định rõ vấn đề này, đặc biệt khi có sự cố xảy ra không những chỉ có trách nhiệm của người thày thuốc có liên quan về y đức, tôi nghĩ người đứng đầu ở đó phải chịu trách nhiệm, mà đặc biệt khi có tử vong thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm, đâu phải chỉ có người thày thuốc đó. Tôi xin đề nghị bổ sung ý đó vào. Đó là vấn đề thứ nhất liên quan đến đội ngũ.

Thứ hai, liên quan đến cơ sở vật chất và trang thiết bị ngành y tế. Tôi thấy việc quá tải ở các bệnh viện, cơ sở vật chất xuống cấp, trang thiết bị xuống cấp, thiếu thốn, lạc hậu. Điều đó rất dễ dàng nhận thấy ở nhiều cơ sở của chúng ta hiện nay và Chính phủ cũng đang ra sức cải thiện. Tôi thấy trong Điều 4, chính sách của Nhà nước đối với công tác khám bệnh, chữa bệnh, đọc vấn đề này tôi thấy không rõ ràng, rất mờ nhật, chỉ nói đến đội ngũ thì tôi thấy đáp ứng, nhưng bên cạnh đội ngũ là vấn đề cơ sở vật chất, trang thiết bị tôi đề nghị phải đặc biệt quan tâm, để như thế này không được. Cho nên tôi đề nghị phải nói rõ trách nhiệm của cơ quan Nhà nước trong việc đầu tư về cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị y tế như thế nào trong lĩnh vực công.

Vấn đến thứ ba, là vấn đề xã hội hóa trong bệnh viện công, đây là một vấn đề rất thực tế đặt ra. Bản giải trình của Thường vụ Quốc hội thấy đây là vấn đề còn ý kiến khác nhau là một, thứ hai là đang trong quá trình nghiên cứu, thí điểm, cho nên chưa đưa vào quy định chi tiết trong luật, tôi tán thành việc đó. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó là chưa ổn. Đây là vấn đề mới tôi đồng ý là vấn đề mới và có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng chúng ta không được né tránh vấn đề này, phải nhìn thẳng vào nó để có một thái độ đúng mức. Nó liên quan đến chủ trương, liên quan đến quản lý, liên quan đến cả y đức và liên quan đến cả tâm lý của người bệnh. Cho nên tôi đề nghị ngành y tế nên tổ chức cuộc hội thảo để đánh giá lại việc này như thế nào, chủ trương về việc này như thế nào, liên quan đến vấn đề quy định về y đức như thế nào để đảm bảo sự công bằng trong việc khám, chữa bệnh và người nghèo đến bệnh viện người ta cũng cảm thấy thoải mái. Về vấn đề này tôi đồng ý về mặt chủ trương cho xã hội hóa trong các bệnh viện công, để tạo thêm điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, tạo thêm những điều kiện khác để đảm bảo động viên tinh thần và các điều kiện khác của người thầy thuốc trong các bệnh viện.

Ngoài ra có một ý nhỏ tôi đề nghị trong phần giải thích từ ngữ đề nghị giải thích thêm lâm sàng và cận lâm sàng. Tôi xin nói thật ngay cán bộ của mình cũng chưa chắc tất cả đều biết đầy đủ lâm sàng và cận lâm sàng là như thế nào. Thứ hai, Điều 3 trong nguyên tắc khám bệnh, chữa bệnh có nói một ý là tôn trọng, giúp đỡ và bảo vệ người hành nghề khi làm nhiệm vụ, tôi đồng ý, nhưng nên thêm cụm từ "phải hợp tác". Bệnh nhân phải hợp tác với người hành nghề thì việc xúc tiến công tác khám bệnh, chữa bệnh mới đạt kết quả cao được. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan