Góp ý của đại biểu Quốc hội Bùi Thị Hoà – Đắk Nông

Thứ Ba 10:20 03-11-2009


Kính thưa Quốc hội.

Tôi nhận thấy dự thảo Luật khám bệnh, chữa bệnh trình ra Quốc hội lần này đã được tiếp thu nghiêm túc, nhiều ý kiến khác nhau đã được Ban soạn thảo cân nhắc trên cơ sở chọn lọc ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, của các Đoàn đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, tham khảo ý kiến của một số nước trên thế giới, có xem xét vào thực tiễn khám, chữa bệnh ở nước ta. Tôi cơ bản đồng tình với bố cục của dự thảo và các quy định về công chức, viên chức hành nghề khám, chữa bệnh tư về thẩm quyền cấp giấy chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh, về cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám, chữa bệnh, về Hội đồng y khoa. Sau đây tôi xin nêu một số vấn đề để Quốc hội xem xét trước khi thông qua dự án Luật.

Trước hết, tôi đề nghị Luật nên quy định việc khám, chữa bệnh đối với người nước ngoài tại Việt Nam. Trong xu thế hội nhập hiện nay ngày càng có nhiều người nước ngoài đến Việt Nam học tập, công tác, du lịch, thăm thân và cả mục đích chữa bệnh. Thực tế ở tỉnh chúng tôi thường xuyên có bệnh nhân là người Campuchia cư trú ở những xã giáp biên giới đến khám, chữa bệnh ở các cơ sở y tế của tỉnh. Với tinh thần nhân đạo, đoàn kết hữu nghị, các cơ sở y tế đã tận tình khám, chữa bệnh cho họ nhưng do thiếu các quy định hướng dẫn về đối tượng này nên trong quá trình khám, chữa bệnh rất lúng túng, khó xử lý. Đây là một thực tế đã diễn ra và chắc chắn chúng ta sẽ phải giải quyết nhiều trường hợp người nước ngoài đến Việt Nam có nhu cầu chăm sóc sức khỏe. Hơn nữa trong dự thảo Luật cũng đã có quy định về người nước ngoài đến hành nghề khám, chữa bệnh tại Điều 19, 23 và quy định giá dịch vụ khám, chữa bệnh đối với người nước ngoài trong các cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước Khoản 3, Điều 88 sẽ là không đầy đủ nếu dự thảo không quy định người bệnh là người nước ngoài sẽ được khám, chữa bệnh ra sao, thủ tục giải quyết như thế nào? Bởi vì nếu cho rằng các thủ tục khám, chữa bệnh cho người nước ngoài như đối với người Việt Nam sẽ rất khó áp dụng trong thực tiễn, nhất là khi có những rủi ro xảy ra.

Vấn đề thứ hai, quy định về cấp chứng chỉ hành nghề tôi đồng tình với quy định cấp chứng chỉ một lần đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, trong đó tôi đặc biệt chú ý đến các yêu cầu cập nhật kiến thức nâng cao tay nghề. Vì đây là một đòi hỏi khắt khe, nghiêm túc của ngành y. Sở dĩ các nước cấp chứng chỉ hành nghề có thời hạn cũng xuất phát từ yêu cầu này, bởi theo khuyến cáo của các chuyên gia là kiến thức y khoa sau 2 năm đã lạc hậu đến 90%. Tại Điểm a Khoản 1 Điều 18 quy định điều kiện để cấp chứng chỉ hành nghề là có văn bằng chuyên môn liên quan đến y tế được cấp hoặc công nhận tại Việt Nam. Quy định như dự thảo có đóng cửa đối với các du học sinh, nghiên cứu sinh học tập chuyên ngành y khoa ở các nước ngoài có văn bằng do các nước cấp không? việc thừa nhận văn bằng về y khoa ở nước ngoài như thế nào?

Những ngày qua dư luận đã có nhiều ý kiến xung quanh việc tiếp nhận hay không tiếp nhận số sinh viên Việt Nam học y khoa 5 năm ở Trung Quốc. Chúng tôi được biết hiện nay Việt Nam có nhiều người du học ngành y khoa ở nhiều nước trên thế giới đào tạo chuẩn y khoa ở các nước này cũng phải mất từ 7 đến 8 năm và để có bằng bác sĩ chuyên khoa cũng phải mất 9 đến 12 năm. Tôi cũng được biết nhiều nước cũng không công nhận văn bằng của Việt Nam.

Tôi nghĩ rằng dù bằng con đường nào đi chăng nữa thì đây cũng là nguồn nhân lực đáp ứng được nhu cầu thiếu bác sĩ của nước ta. Đáp ứng được những đòi hỏi ngày một cao hơn của người dân về khám, chữa bệnh. Do đó ngoài quy định tại Điều 22 thừa nhận chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh giữa các nước thực hiện theo quy định của Điều ước quốc tế hoặc thỏa thuận giữa quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Tôi đề nghị dự thảo cần quy định hướng xem xét công nhận đối với văn bằng chuyên môn liên quan đến y tế của nước ngoài, tạo điều kiện để số sinh viên du học được hành nghề khám, chữa bệnh tại quê hương đất nước mình.

Điểm thứ ba, đối với các quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo, tôi đồng tình với ý kiến của đại biểu Hằng - Đồng Nai, tôi muốn nói thêm về vấn đề này là việc dành các quy định riêng về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong dự thảo Luật khám bệnh, chữa bệnh là cần thiết để giải quyết những vướng mắc phát sinh trong quan hệ giữa người bệnh, cơ sở khám, chữa bệnh người hành nghề. Tuy nhiên, quy định việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong Luật khám, chữa bệnh phải tương thích đồng bộ với quy định trong Luật khiếu nại, tố cáo đã được Quốc hội ban hành năm 1998 và sửa đổi năm 2005. Ở đây tôi xin nêu lên 3 điểm cần xem xét:

Điểm thứ nhất, về tiêu đề Mục 2, Chương VII trong dự thảo luật ghi: khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo về khám, chữa bệnh nhưng nội dung chỉ có hai điều, Điều 79 là quy định về khiếu nại, tố cáo về khám, chữa bệnh và Điều 80 quy định về thẩm quyền, trình tự thủ tục giải quyết khiếu nại thiếu quy định về thẩm quyền, trình tự thủ tục giải quyết tố cáo.

Điểm thứ hai, về thẩm quyền giải quyết khiếu nại quy định tại Điểm a, b, Khoản 1, Điều 80 theo tôi cần phải quy định rõ hơn thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu, thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần 2 và quy trình giải quyết khiếu nại trong trường hợp người khiếu nại không đồng ý với các quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu, giải quyết khiếu nại lần 2.

Ba, về thời hiệu khiếu nại Điểm a, Khoản 2, Điều 80 quy định thời hiệu khiếu nại trong Luật khám bệnh, chữa bệnh là 2 năm kể từ khi phát hiện ra sự việc và không quá 5 năm kể từ khi sự việc xảy ra. Tôi cũng băn khoăn cơ sở nào chúng ta quy định thời gian này trong khi Luật khiếu nại, tố cáo quy định thời hiệu khiếu nại, tố cáo chỉ là 90 ngày kể từ khi nhận được quyết định hành chính hoặc biết được có hành vi vi phạm hành chính. Điểm b, Khoản 2, Điều 80 trong dự thảo Luật khám bệnh, chữa bệnh quy định về thời hạn giải quyết khiếu nại, tố cáo trong khám, chữa bệnh là 60 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại trong khi Luật khiếu nại, tố cáo quy định thời hạn giải quyết khiếu nại, tố cáo lần đầu không quá 30 ngày và đối với vụ việc phức tạp có thể kéo dài không quá 45 ngày, đối với vùng sâu, vùng xa không quá 45 ngày và những vụ việc phức tạp thì có thể kéo dài không quá 60 ngày. Đối với những vụ việc giải quyết khiếu nại lần hai thì không quá 45 ngày và 60 ngày đối với vùng sâu, vùng xa đối với những vụ việc phức tạp hơn có thể kéo dài đến 70 ngày. Như vậy về thẩm quyền, về thời hiệu, về trình tự giải quyết khiếu nại, tố cáo, về trình tự thẩm quyền giải quyết tố cáo trong dự thảo cần phải được nghiên cứu để đảm bảo thống nhất đồng bộ với Luật khiếu nại, tố cáo hiện hành.

Điểm cuối cùng về thu phí khám, chữa bệnh, đây là vấn đề được cử tri quan tâm quy định hiện hành về giá dịch vụ khám, chữa bệnh trong các cơ sở y tế công hiện nay rất lạc hậu và không hợp lý với thời giá hiện nay. Trong khi đó giá dịch vụ ở khu vực y tế tư nhân thì chúng ta không kiểm soát và có sự chênh lệch rất lớn với khu vực công. Dự thảo lần này quy định giá dịch vụ khám, chữa bệnh tại Điều 88, trong đó quy định giá dịch vụ khám, chữa bệnh khu vực công do Chính phủ quy định và căn cứ vào khung giá này để Bộ trưởng Bộ y tế, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định giá dịch vụ ở các cơ sở khám, chữa bệnh khẩn cấp. Tại Khoản 5 dự thảo quy định cơ sở khám, chữa bệnh được quyền tự quyết định, tôi muốn nói thêm về vấn đề này là quy định như vậy thì dễ tạo ra sự không công bằng giữa khu vực công và khu vực tư. Một mặt không tạo quyền chủ động cho khu vực công, một mặt khác việc giao quyền tự quyết cho khu vực tư là không công bằng và khó kiểm soát.

Theo tôi chăm sóc sức khỏe là một vấn đề thể hiện tính ưu việt của chế độ, Nhà nước cần phải có định hướng và quản lý về vấn đề này. Do đó tôi đề nghị Chính phủ quy định khung giá chung, còn đối với các cơ sở khám, chữa bệnh công và tư được quyền tự quyết định trong mức giá dịch vụ theo khung quy định mà Chính phủ đã ban hành.

Cuối cùng tôi thể hiện sự đồng tình với việc thông qua Luật khám, chữa bệnh trong kỳ họp lần này, tôi xin hết ý kiến, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan