Góp ý của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Danh – Gia Lai

Thứ Năm 14:00 28-10-2010

Kính thưa Chủ tọa.

Kính thưa Quốc hội.

Bản dự thảo mới này có nhiều tiếp thu và chỉnh lý. Tôi chỉ xin tham gia thảo luận về 5 ý nhỏ theo thứ tự các điều khoản như sau:

Một, Điều 4, Khoản 3 có ghi "Nhà nước đầu tư và tổ chức thực hiện điều tra cơ bản và thăm do khai thác khoáng sản", nhưng ở Điều 46 lại ghi "tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác khoáng sản thông qua đấu giá phải hoàn trả chi phí thăm dò cho tổ chức, cá nhân thăm dò". Rõ ràng việc hoàn trả chi phí thăm dò là đương nhiên giữa bên hợp đồng là Nhà nước và bên đơn vị thăm dò là các tổ chức hoặc cá nhân hợp đồng, không nên đặt vấn đề thanh toán với bên thứ ba là bên khai thác. Chẳng lẽ chưa khai thác là chưa trả tiền thăm dò hay sao. Do đó cần xem lại để phù hợp với thông lệ và thuận tiện cho doanh nghiệp cũng như thống nhất với Khoản 3, Điều 4 ở trên và thống nhất chung cho hình thức khai thác qua đấu giá cũng như không phải qua đấu giá khai mỏ.

Quy hoạch thăm dò và khai thác khoáng sản, kế hoạch, chiến lược khai thác khoáng sản cần có có ý kiến của địa phương đó nhằm hạn chế những xung đột sau này.

Hai, Điều 51, "thời hạn thẩm định, phê duyệt trữ lượng khoáng sản" trong luật này có nêu không quá 6 tháng. Thời gian chung này là khá dài, nên chăng cần có phân loại thời gian hợp lý theo từng cấp ủy quyền. Ví dụ như địa phương, Trung ương, đặc điểm, qui mô mỏ để tránh sự chờ đợi, tiêu cực và thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động.

Ba, Điều 52, "về tổ chức, cá nhân được khai thác khoáng sản". Để nâng cao hiệu quả ngoài việc đã đăng ký hoạt động, các đơn vị khai thác phải có kinh nghiệm trong lĩnh vực khai thác cụ thể đó. Ví dụ khai thác ti tan, khai thác bôxit, khai thác đồng v.v... và không có chung chung. Và có công nghệ tiên tiến, đáp ứng yêu cầu đặt ra để tránh lãng phí, ô nhiễm môi trường v.v... và phát sinh xử lý sau này.

Bốn, Điều 54, "về nguyên tắc và điều kiện cấp phép khai thác khoáng sản". Lâu nay đơn vị khai thác thường lấy ra tất cả quặng chính và thành phần kèm theo kể cả toàn bộ đất khai thác, để tránh thất thoát nguồn thu cần chú ý qui định trong khai thác chỉ được lấy ra quặng chính đúng với công thức hóa học đã xác định và được ghi trong hợp đồng. Các thành phần kèm theo không được lấy đi để sử dụng sau hoặc qua đấu giá tiếp.

Năm, những ý kiến khác.

Ý thứ nhất: cơ sở đấu giá khai thác khoáng sản, ngoài việc phê duyệt trữ lượng cần có giá sàn trên cơ sở thị trường quốc tế, do đó đề nghị cần qui định về việc định giá tài nguyên khoáng sản để làm cơ sở cho tổ chức đấu giá. Trong luật cũng như trong nghị định không thấy đề cập đến nội dung này.

Ý thứ hai, đã nêu điều kiện, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khoáng sản. Trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan hành chính trong quản lý nhưng chưa thấy chế tài cụ thể khi có các hành vi vi phạm được ghi trong luật.

Ý thứ ba, thông tin cho thấy tài nguyên khoáng sản nước ta đa dạng chủng loại, nhưng hạn chế về tiềm năng, những khoáng sản quí hiếm ta có ít, những khoáng sản ta có nhiều thì thế giới cũng có nhiều. Một số khoáng sản có giá trị như than, dầu mỏ, chúng ta đã khai thác gần cạn. Do đó cần có những biện pháp tích cực tránh thất thoát, lãng phí tài nguyên quốc gia và đáp ứng mục tiêu công bằng, chia sẻ lợi ích giữa các thế hệ.

Do vậy Khoản 4, Điều 7, Nhà nước có chính sách đối với xuất khẩu khoáng sản trong từng thời kỳ phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững để không vi phạm thỏa hiệp riêng về tự do hóa thương mại và đáp ứng phát triển lâu bền, xây dựng chiến lược quốc gia về khai thác tài nguyên khoáng sản. Cần xác định loại nào dừng khai thác, loại nào khai thác trễ lại, loại nào khai thác phổ biến v.v.. Ngoài thành phần tham gia thẩm định khác cần có sự tham gia của đại diện hội, ngành có liên quan chưa thấy nêu trong dự thảo nghị định để thống nhất trên cơ sở thực tế và khoa học, trong đó phải cập nhật được chỉ số cạn kiệt của từng loại tài nguyên khoáng sản trên thế giới và ở trong nước để xây dựng chiến lược bền vững và hiệu quả. Xin hết, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan