Góp ý của Đại biểu Quốc hội Đặng Văn Xướng – Long An

Thứ Hai 15:09 28-03-2011

Kính thưa Quốc hội.

Tôi xin có một số ý kiến đóng góp cho dự án luật này, trước hết về Điều 11, quản lý Nhà nước đối với kiểm toán độc lập, tôi đồng ý như dự thảo đó là đúng ra việc cấp chứng chỉ kiểm toán viên nên giao cho tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán, nhưng mà trước mắt trong điều kiện thực tế Việt Nam nên giao cho Bộ tài chính. Tôi cũng đồng tình như dự thảo giao cho Bộ tài chính chịu trách nhiệm chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán, bởi vì kiểm toán độc lập là một dịch vụ kinh doanh có điều kiện, cho nên cũng như với các loại hình kinh tế kinh doanh có điều kiện khác, ngoài việc áp dụng những hình thức đăng ký doanh nghiệp theo Luật doanh nghiệp thì kiểm toán độc lập phải được cấp giấy phép đủ điều kiện hoạt động. Tôi nghĩ cái này rất là đúng và về mặt pháp lý mà nói do Bộ tài chính được giao quản lý Nhà nước về mặt này, cho nên thẩm quyền này giao cho Bộ tài chính là đúng.

Tuy nhiên, trên thực tế tôi rất băn khoăn và không ít doanh nghiệp kiểm toán người ta cũng rất kêu làm việc này đôi khi như là một giấy phép con và thực tế họ phải bỏ ra một khoản chi phí rồi mất thời gian rất lớn. Đơn cử như hàng năm các doanh nghiệp kiểm toán đều phải lập một danh sách, rồi các kiểm toán viên đều phải có làm đơn để rồi trên cơ sở đó doanh nghiệp mang ra Hà Nội để xin xác nhận đăng ký hành nghề mà năm nào cũng làm như thế thì đây là một thủ tục rõ ràng rất phiền toái. Cho nên tôi đề nghị chúng ta khắc phục theo hướng chỉ những doanh nghiệp kiểm toán mà năm tiếp theo về đội ngũ kiểm toán viên có sự thay đổi, thí dụ họ có tăng lên hay là giảm theo số lượng, hoặc kiểm toán viên của họ hành nghề từ nơi này sang nơi khác v.v... chỉ những trường hợp như vậy họ mới có đơn và lập danh sách xin đăng ký hành nghề. Còn với những doanh nghiệp mà đội ngũ kiểm toán ổn định, kiểm toán viên hoạt động và chỉ có làm việc cho doanh nghiệp của họ thì việc này là không nên quy định. Để khắc phục cái này phải tăng cường thêm biện pháp chế tài, xem như doanh nghiệp kiểm toán chịu trách nhiệm kê khai thông báo và qua kiểm tra hoặc trên thực tế hành nghề có những vi phạm thì ta có chế tài mạnh, như vậy sẽ hay hơn, vì phần lớn chúng ta quy định rất chặt để quản lý Nhà nước cho tốt nhưng cũng có những điểm doanh nghiệp kiểm toán gặp rất nhiều khó khăn.

Ý kiến thứ hai, về điều kiện đăng ký hành nghề kiểm toán ở Điều 15, tôi xin góp 2 ý kiến:

Ý kiến thứ nhất, tôi đồng ý với phương án 1 là không quy định bắt buộc kiểm toán viên hành nghề phải là hội viên của tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán. Trong giải trình tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nêu rất rõ: "Kiểm toán viên để được hành nghề kiểm toán phải qua quy trình rất chặt chẽ theo quy định luật này". Các hội nghề nghiệp nói chung là hoạt động phải tuân thủ theo nguyên tắc tự nguyện, anh chăm lo lợi ích cho hội viên tốt thì tự nhiên người ta sẽ vào, không dùng mệnh lệch hành chính hay luật hóa để buộc các kiểm toán viên phải tham gia tổ chức nghề nghiệp này, theo tôi là không phải.

Mặt khác tôi đề nghị hội này phải cố gắng đổi mới để nâng cao chất lượng hoạt động, qua đó thu hút các hội viên. Đề nghị cũng nên xem xét lại các khoản vật chất mà tổ chức hội nghề nghiệp này yêu cầu các kiểm toán viên phải thực hiện xem nó có phù hợp hay không? Ví dụ hiện nay tôi được biết là mỗi một hội viên 1 năm là 1.200.000 còn khoản cập nhật kiến thức hình như từ 1.500.000 - 2.000.000 và một số khoản chi khác nữa thì tôi đề nghị phải xem xét lại vấn đề này.

Ý kiến sau cùng là về Điều 13 các hành vi bị nghiêm cấm, ở đây Khoản 1, Điểm a là cấm các thành viên tham gia cuộc kiểm toán và doanh nghiệp kiểm toán, mua, nhận, biếu, tặng, nắm giữ cổ phiếu hoặc phần vốn góp của đơn vị được kiểm toán không phân biệt số lượng. Tôi đề nghị bỏ cụm từ không phân biệt số lượng bởi vì quy định như thế là thừa, với bất kỳ số lượng nào thì cũng cấm. Cho nên chỉ cần quy định là cấm mua, nhận, biếu, tặng, nắm giữ cổ phiếu hoặc phần vốn góp của đơn vị được kiểm toán là đủ. Tôi xin lỗi là Điều 15 tôi còn muốn góp ý thứ hai đó là ở Khoản 4. Khoản 4 quy định: Giấy nhận đăng ký hành nghề kiểm toán chỉ có giá trị khi người được cấp chứng chỉ có hợp đồng lao động làm toàn bộ thời gian cho một doanh nghiệp kiểm toán. Tôi đề nghị xem xét lại cụm từ "chứng chỉ" bởi vì người được cấp chứng chỉ thì chưa hẳn là kiểm toán viên, bởi vì kiểm toán viên có 4 điều kiện để trở thành kiểm toán viên và cấp chứng chỉ chỉ là một điều kiện, phải chăng chỗ này là giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán chỉ có giá trị khi người được cấp giấy chứng nhận hành nghề có hợp đồng lao động làm toàn bộ thời gian cho một doanh nghiệp kiểm toán. Xin hết, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan