Góp ý của Đại biểu Quốc hội Ngô Quang Xuân – Đồng Tháp

Thứ Tư 15:46 27-10-2010

Kính thưa Quốc hội,

Tôi xin có một số ý kiến đóng góp vào việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm như sau:

Trước hết, tôi nghĩ trong báo cáo của Chính phủ có nhấn mạnh và tôi rất chia sẻ. Thị trường bảo hiểm cho thấy thị trường này phát triển rất nhanh, chính vì vậy luật của chúng ta đã tồn tại 10 năm, nhưng do sự phát triển nhanh đó nên tôi nghĩ cần thiết phải xem lại để xem có sửa đổi, điều chỉnh văn bản pháp luật cho phù hợp với tình hình mới. Trước hết đây là một cơ sở pháp lý quan trọng và góp phần thúc đẩy thị trưởng phát triển và tăng cường quản lý của Nhà nước. Đồng thời chúng ta đáp ứng yêu cầu của công cuộc hội nhập của chúng ta trong lĩnh vực kinh tế nói chung và trong ngân hàng tài chính tiền tệ bảo hiểm nói riêng.

Về phạm vi sửa đổi, tôi nghĩ là chúng ta nên tập trung vào một số vấn đề mới mà trong đó cần sửa đổi và bổ sung để phù hợp đối chiếu với cam kết của ta tại Tổ chức thương mại thế giới WTO trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm. Điều này tôi nghĩ rằng cũng phù hợp với pháp luật có liên quan mà chúng ta thường xuyên xem xét lại và có sửa đổi điều chỉnh để tăng cường công tác quản lý Nhà nước, tháo gỡ khó khăn và đặc biệt là những vướng mắc trong kinh doanh bảo hiểm, thúc đẩy thị trường của chúng ta vừa phát triển và nó vừa ổn định.

Thứ hai, trong cam kết của WTO chúng tôi có tham gia lúc nghiên cứu và thể hiện trong quá trình vừa rồi thì đúng là theo cam kết của ta thì khi gia nhập WTO thì dịch vụ liên quan đến bảo hiểm cho phép cung cấp dịch vụ và bảo hiểm qua biên giới cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư ở nước ngoài, người nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Nghiên cứu góp ý của các đại biểu của các tổ gửi có một số băn khoăn, tôi nghĩ rằng băn khoăn cũng chính đáng, tức là cũng lo ngại sẽ mất dịch vụ trong nước. Vì thật ra có một số dịch vụ và một số đối tượng trong xã hội ta cũng chưa hiểu rõ biện pháp để chúng ta bảo vệ dịch vụ trong nước như thế nào. Qua quá trình đàm phán cũng như triển khai thực hiện trong thời gian vừa rồi, bản thân tôi thấy chúng ta có những biện pháp rất có hiệu quả để bảo vệ dịch vụ trong nước. Việc này nói ra cũng có vấn đề tế nhị của nó, nhưng tôi nghĩ rằng những biện pháp đó chúng ta cũng đối chiếu vào những việc có thể làm theo quy định của WTO, không nằm ngoài quy định đó. Thành ra tôi nghĩ rằng chúng ta cũng không có lý do gì để lo ngại quá về dịch vụ trong nước mất vị trí do cạnh tranh của các tập đoàn, công ty bảo hiểm nước ngoài.

Một nội dung nữa cũng làm rõ hơn, tức là quy định về bảo hiểm chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm hưu trí. Vấn đề này cũng dễ nhầm lẫn với bảo hiểm y tế, nhưng nếu nghiên cứu kỹ bảo hiểm này và tôi thấy luật này các nước khi họ thực hiện cam kết WTO và họ thực hiện thì hệ thống bảo hiểm mang tính chất an ninh và xã hội do Nhà nước thực hiện và luôn luôn tồn tài song song với hệ thống bảo hiểm tự nguyện. Bảo hiểm tự nguyện tôi xin nhắc lại của các doanh nghiệp thực hiện, cái này nó làm đa dạng hóa sự lựa chọn cho người dân và chất lượng phục vụ tốt hơn nhiều, ở đây tôi nghĩ bảo hiểm này và chúng ta cũng nên hiểu rõ hơn bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm hưu trí với bảo hiểm y tế.

Còn điểm cuối, tôi cũng xin có một chút ý kiến về Khoản 1, Điều 86 thì ở đây có nên cân nhắc và trao thêm, nâng cao vai trò của Hiệp hội bảo hiểm hay không? Bởi vì nếu theo điều khoản này thì tôi nghĩ ở đây có tính chất bao cấp vẫn được nhấn mạnh, tức là can thiệp sâu của Chính phủ mà cụ thể là của Bộ Tài chính. Tôi nghĩ có vấn đề cũng có một số đại biểu cũng cân nhắc và tôi thấy có thể chia sẻ, tức là chúng ta bàn thêm để nâng cao vai trò của Hiệp hội bảo hiểm. Tôi nghĩ với sửa đổi và điều chỉnh kỳ này thì Luật này của chúng ta sẽ tồn tại trong 10 năm sẽ được cải thiện hơn và nó sẽ đáp ứng nhu cầu quản lý Nhà nước, bảo vệ thị trường bảo hiểm cũng như bảo đảm cam kết hội nhập, cam kết vào Tổ chức thương mại thế giới WTO của chúng ta. Tôi xin cám ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan