Góp ý của đại biểu Quốc hội Ngô Đức Mạnh – Bình Phước

Thứ Tư 10:58 28-10-2009

Kính thưa Quốc hội,

Về dự án Luật tần số vô tuyến điện thì chúng tôi nhận thấy đây là một dự án luật chuyên ngành và chúng ta Quốc hội đã có lần thảo luận lần thứ nhất tại Kỳ họp thứ 5 và lần này lại tiếp tục thảo luận để thông qua. Trước hết chúng tôi nhận thấy Ban Soạn thảo cũng đã trình, Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường đã tập hợp rất đầy đủ ý kiến của các đại biểu và đã có bản giải trình về rất nhiều nội dung của dự án luật này. Để góp phần hoàn thiện dự án luật để sắp tới thông qua, chúng tôi xin được phát biểu mấy vấn đề như sau:

Thứ nhất, về vị trí vai trò của cơ quan quản lý chuyên ngành về tần số vô tuyến điện thì chúng tôi hiểu rằng đây là một điều khẳng định vị trí pháp lý của cơ quan quản lý chuyên ngành, nhằm thực hiện cam kết của chúng ta trong Tổ chức thương mại thế giới. Cách quy định như thế này chúng tôi thấy băn khoăn ở Điều 6 và Điều 5 về bưu chính viễn thông thì đều nói là hai cơ quan này có trách nhiệm quản lý Nhà nước, tuy rằng có sự phân cấp. Nhưng rõ ràng là cơ quan thuộc một bộ mà đều quản lý Nhà nước như vậy thì rõ ràng chúng tôi nghĩ là nó sẽ không rõ trách nhiệm.

Thứ hai, với giải trình như hiện nay và thiết kế điều này thì chúng tôi cũng rõ nhiệm vụ quyền hạn của cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông. Chúng tôi nghĩ rằng như là nhiều đại biểu Quốc hội đã phát biểu ý kiến và qua thỏa thuận ý kiến thì đa số đại biểu đề nghị là cần phải có quy định cụ thể nhiệm vụ quyền hạn của cơ quan này, đây là những điều hết sức cần thiết để bảo đảm cơ quan này có vị trí chuyên môn độc lập. Chúng tôi đề nghị là cần phải có những cái quy định, ví dụ như là đây là cơ quan chuyên ngành, chuyên môn chịu trách nhiệm về việc cấp phép, còn quy trình thủ tục cấp phép như thế nào thì theo luật định hoặc đối tượng chủ thể nào được cấp phép do luật định, còn đây là cơ quan chịu trách nhiệm về chuyên môn, liên quan đến vị trí vai trò của các cơ quan quản lý chuyên ngành về Nhà nước. Chúng ta nhớ lại trong thời gian gần đây rất nhiều dự án luật do Quốc hội thông qua, ví dụ Luật năng lượng nguyên tử, Luật chứng khoán, Luật cạnh tranh và cách đây hai ngày chúng ta thảo luận Luật viễn thông, bàn về cơ quan quản lý chuyên ngành về Nhà nước về lĩnh vực đặc thù như vậy. Chúng tôi hiểu đây là vấn đề đã phát sinh trong quá trình chúng ta hội nhập kinh tế quốc tế. Cho nên nhân dịp này chúng tôi cũng kính đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan hữu quan nghiên cứu xem mô hình cơ quan ấy như thế nào và tương thích mối quan hệ với các cơ quan khác như thế nào? Vấn đề khác chúng tôi cũng thấy trong thời gian qua Quốc hội đã dành rất nhiều thời gian để thảo luận về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, chúng ta biết có rất nhiều bộ ngành quản lý, nhưng cơ quan nào chịu trách nhiệm chính, phải chăng có một cơ quan chuyên ngành, chuyên môn độc lập như vậy để quản lý và bảo vệ những vấn đề có tính liên ngành. Như vậy chúng ta mới xử lý được vấn đề một cách triệt để hơn. Liên quan đến dự án luật này chúng tôi thấy, vì là bản cuối cùng để thông qua cho nên chúng tôi muốn có những điều khoản cần quy định chặt chẽ hơn. Ví dụ như vấn đề thu hồi giấy phép, ở điểm e, Khoản 1 nói sau thời hạn 2 năm, nếu không sử dụng giấy phép thì mới thu hồi, chúng tôi đối chiếu lại với những điều khoản khác như Điều 19, điều kiện cấp giấy phép, Điều 21 về cấp giấy phép sử dụng tần số và quỹ đạo vệ tinh. Trong các điều khoản này đã quy định điều kiện cụ thể để được cấp giấy phép, không hiểu vì lý do gì sau hai năm mới thu hồi giấy phép. Cho nên chúng tôi đề nghị cần phải tính toán lại xem thử nếu khi nào đủ điều kiện mà không sử dụng thì phải có một thời hạn nó khả dĩ hơn. Ví dụ như 6 tháng hoặc 1 năm chứ để tình trạng 2 năm sau mới thu hồi giấy phép thì rất lãng phí tài nguyên vô tuyến điện.

Vấn đề thứ ba là vấn đề về chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện. Ở đây Điều 24, là một điều khoản mới và cho phép chỉ có một hình thức đấu giá mới được phép chuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện. Chúng tôi nghĩ rằng đối với những tần số vô tuyến điện có giá trị thương mại cao thì việc đấu giá là hết sức cần thiết, nhưng trong Dự án luật này và chúng ta đều biết có những tần số vô tuyến có giá trị thương mại thấp thì Nhà nước cấp và không phải thu tiền. Ví dụ tại Điều 18 quy định cấp giấy phép trực tiếp đối với những tần số vô tuyến điện không có giá trị thương mại cao, hoặc nhu cầu sử dụng thấp, nếu người sử dụng phải thông qua các hình thức đấu giá như thế này thì vô hình chung luật của chúng ta gây ra những tốn kém không cần thiết. Cho nên chúng tôi đề nghị trong Điều 24 này ủng hộ phương án là có việc đấu giá sử dụng các băng tần và tần số vô tuyến điện có giá trị thương mại, còn những tần số có giá trị thương mại thấp hoặc sử dụng vào mục đích công ích thì cần phải tính đến phương án cho phép chuyển nhượng qua những hình thức khác.

Vấn đề nữa là trong dự án luật này có những điều khoản ví dụ như Điều 25 nói rằng "khi tổ chức, cá nhân không sử dụng thiết bị vô tuyến có thể cho người khác, cho tổ chức khác mượn và phải thông báo cho cơ quan quản lý chuyên ngành", quy định như vậy cũng được, nhưng nó không chặt chẽ ở chỗ khi nào thì thông báo, thông báo ngay hay thông báo kịp thời? Chúng tôi nghĩ cần phải có những quy định chặt chẽ rõ về trách nhiệm của các cơ quan cho phép mượn thiết bị vô tuyết điện như vậy.

Một vấn đề nữa chúng tôi cũng thấy trong dự án luật này chúng ta dành nhiều quy định cho Chính phủ và Bộ chuyên ngành ban hành quyết định. Cho nên ở đây tôi đề nghị, ví dụ Điều 18 nói về đấu giá quyền sử dụng tần số, chúng ta đã có hệ thống pháp luật quy định về việc đấu giá, tôi nghĩ chúng ta cần có quy định là việc đấu giá quyền sử dụng tần số theo quy định của pháp luật về đấu giá. Có như vậy thì bảo đảm tính hài hòa và nhất quá trong toàn bộ hệ thống pháp luật của chúng ta. Xin hết, xin cảm ơn Quốc hội.

 

Các văn bản liên quan