Góp ý của đại biểu Quốc hội Nguyễn Thành Tâm – Tây Ninh

Thứ Tư 10:57 28-10-2009

Kính thưa Chủ tọa.

Kính thưa Quốc hội.

Về cơ bản tôi đồng ý với Báo cáo giải trình của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đối với dự thảo Luật tần số vô tuyến điện. Tuy nhiên tôi xin phép được có một số ý kiến đối với các vấn đề cụ thể như sau:

Thứ nhất, đối với giấy phép tần số vô tuyến điện tôi đồng ý với ý kiến của đại biểu phát biểu trước chúng tôi về việc thời hạn của các loại giấy phép tần số vô tuyến điện. Tôi không phân tích thêm. Tôi chỉ đề nghị là trong Luật cần quy định cụ thể thời hạn tối thiểu của các loại giấy phép hoặc là ấn định về nguyên tắc đối với các thời hạn tối thiểu để các cơ quan chức năng khi mà cấp phép về tần số vô tuyến điện, thì có cơ sở rõ ràng để quản lý chặt chẽ, tránh tình trạng xin, cho. Bởi vì chúng ta biết là một giấy phép thời hạn ngắn có giá trị khác với giấy phép có thời hạn dài.

Thứ hai, tôi đề nghị trình tự thủ tục, các gia hạn bổ sung thu hồi giấy phép tần số vô tuyến điện thì trong Luật quy định giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông quy định cụ thể. Nhưng tôi đề nghị là cơ quan soạn thảo, tổng kết thực tế thực hiện cấp phép tần số vô tuyến điện trong thời gian qua để có quy định cụ thể trong Luật. Đồng thời quy định luôn nội dung cơ bản các loại giấy phép ở trong Luật để đảm bảo tính công khai minh bạch của Luật này. Tôi xin nêu ra một tình trạng là trong thời gian trước đây khoảng vài tháng, hàng loạt các đài phát thanh truyền hình vi phạm về việc sử dụng tần số vô tuyến điện và Sở thông tin và truyền thông thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị đã đấu tranh rất mạnh trong lĩnh vực này. Qua quá trình các vấn đề này được đưa ra phân tích. Thứ nhất là về vấn đề cấp phép, các thủ tục cấp phép không được công khia minh bạch, do đó chúng tôi đề nghị cần chấn chỉnh việc này bằng cách đưa vào trong dự thảo Luật quy định rất là cụ thể.

Về điều chỉnh cấp phép thì Điểm d, Khoản 2, Điều 19 quy định về xin cấp phép phải cam kết thực hiện các quy định của pháp luật về sử dụng tần số vô tuyến điện. Tuy nhiên những quy định trong cam kết này là nghĩa vụ của người sử dụng phải được quy định trong các điều khác của Luật và đương nhiên họ phải thực hiện khi sử dụng tần số vô tuyến điện. Do vậy thêm một điều kiện như vậy, thủ tục như vậy là không cần thiết, tôi đề nghị bỏ khoản này để giảm bớt thủ tục.

Về Điều 23, thu hồi giấy phép tần số vô tuyến điện Điểm c, Khoản 1 quy định: Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm là sử dụng tần số vô tuyến điện dành riêng cho cấp cứu an toàn, cứu nạn quốc gia, quốc tế và mục đích khác và gây hậu quả nghiêm trọng thì bị thu hồi giấy phép. Tôi đề nghị cân nhắc lại quy định này, bởi vì các hoạt động cấp cứu an toàn, cứu nạn quốc gia, quốc tế là các hoạt động đặc thù không phải là dịch vụ kinh doanh bình thường, sai phạm ở đây là do người sử dụng sai mục đích, nếu thu hồi giấy phép tần số vô tuyến điện của các hoạt động này cũng đồng nghĩa với việc thông tin phục vụ cho cấp cứu an toàn và cứu nạn quốc gia, quốc tế có sử dụng đến tần số vô tuyến điện là không hoạt động được. Đề nghị cân nhắc tách việc xử lý trách nhiệm của người sử dụng tần số vô tuyến điện sai mục đích để xử lý riêng, không vì sai phạm của người sử dụng mà không cho phép sử dụng tần số vô tuyến điện để phục vụ cho lợi ích an toàn an ninh chung của xã hội.

Một vấn đề nữa tôi đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc đưa vào trong luật các quy định về chế tài xử lý vi phạm làm cơ sở cho việc đảm bảo thực thi trong thực tế của các quy định luật này. Bởi vì trong thực tế việc vi phạm của các đài truyền hình sử dụng tần số trong thời gian vừa qua chúng ta thấy rằng sau khi mà phát hiện ra sai phạm thì vấn đề xử lý cũng rất phức tạp. Do đó tôi đề nghị để tăng tính pháp lý của các biện pháp xử lý trong vi phạm về tần số vô tuyến điện, tạo điều kiện cho các cơ quan quản lý có cơ sở pháp luật đủ mạnh để thực thi pháp luật, tránh tình trạng bất cập trong xử lý. Tôi đề nghị phải đưa điều này vào trong luật để quy định cho nó chặt chẽ hơn.

Trên đây là một số ý kiến đóng góp cho dự thảo luật, tôi xin hết ý kiến, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan