Góp ý của Đại biểu Quốc hội Ngô Đức Mạnh – Bình Phước

Thứ Ba 10:54 22-06-2010

Kính thưa Quốc hội,

Chúng tôi nghĩ Ban soạn thảo, các cơ quan hữu quan đã có sự chuẩn bị công phu về dự án Luật tố tụng hành chính. Bộ luật rất đồ sộ có tới 163 điều, với các báo cáo giải trình, báo cáo đánh giá tác động, so sánh kinh nghiệm trong nước và quốc tế v.v... nhất là ý kiến của các cơ quan hữu quan bình luận và đánh giá về dự án luật này. Chúng tôi nghĩ, cùng với tiến trình cải cách hành chính nhà nước, cần nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước chúng ta thì việc nâng cấp Pháp lệnh hành chính thành bộ luật hoặc luật về tố tụng hành chính là hết sức cần thiết và tạo điều kiện để chúng ta triển khai thực hiện đồng bộ cải cách pháp luật và cải cách tư pháp.

Vấn đề thứ nhất chúng tôi muốn tham gia ý kiến là bàn về khái niệm gọi là vụ án hành chính. Ở đây, Điều 1 nói cá nhân, tổ chức có thể khởi kiện vụ án hành chính và Điều 2 giải thích quyết định hành chính là quyết định của cơ quan hành chính Nhà nước và hành vi hành chính cũng là hành vi của cơ quan hành chính Nhà nước có thể làm hoặc không làm. Điều 25, khởi kiện về quyết định hành chính và hành vi hành chính. Tôi cho, đến đây sau 12 năm thực hiện Pháp lệnh về thủ tục hành chính, chúng ta cũng cần phải xem lại khả năng và tình hình thực tế của chúng ta xem xét, xử lý các vụ kiện đối với các hành vi hành chính.

Trong Báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao, chúng tôi thấy được từ con số 282 vụ kiện năm 1998 đến năm 2008 là 1.399 vụ kiện, chúng tôi không rõ là có bao nhiêu vụ kiện khởi kiện về các hành vi hành chính, thành ra chúng tôi thấy hành vi hành chính có thể làm hoặc không làm. Làm thì có thể dẫn đến quyết định hành chính còn không làm thì dẫn đến cái gì thì vấn đề này không rõ. Trong 12 năm vừa rồi, chúng tôi cũng không biết có bao nhiêu vụ kiện về hành vi hành chính.

Cho nên, cùng với tiến trình cải cách hành chính thì hành vi hành chính chính là đạo đức công vụ, là trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước, nhất là đội ngũ công chức. Cho nên, hành vi hành chính trước hết là thái độ của công vụ, cho nên vấn đề đó phần nhiều là trách nhiệm của cơ quan hành chính Nhà nước và của người thi hành công vụ. Cho nên nếu để giảm tải và nhiều đại biểu đã băn khoăn về khả năng của tòa án hành chính giải quyết các vụ kiện hành chính thì tôi nghĩ rằng trong dự án luật này cần tập trung xử lý dứt điểm và có hiệu quả về các quyết định hành chính. Còn hành vi hành chính thì phải đề cao trách nhiệm công vụ. Đó là vấn đề thứ nhất.

Vấn đề thứ hai, như tôi đã trình bày là chúng ta bàn về quyết định hành chính của cơ quan hành chính Nhà nước thì cũng tại kỳ họp này chúng ta bàn luôn về Luật viên chức, vậy thì trường hợp viên chức mà lại có khiếu nại về quyết định của cơ quan sự nghiệp mà không phải cơ quan hành chính Nhà nước thì có quyền khởi kiện không, khởi kiện vào đâu. Cho nên ở đây trong Khoản 8 Điều 1 nói rằng cơ quan, được hiểu là cơ quan hành chính Nhà nước, tổ chức sự nghiệp Nhà nước, các tổ chức đoàn thể, nhưng điều ấy không có nghĩa là trong luật này chúng ta khẳng định là một viên chức có thể có quyền khởi kiện đến vụ án hành chính. Vì các quyết định mà có thể nói là không phải là quyết định của cơ quan hành chính Nhà nước mà quyết định của cơ quan sự nghiệp. Cho nên chỗ này chúng tôi nghĩ là để tạo tính đồng bộ và tương thích thì cần mở rộng khả năng viên chức có thể khởi kiện với các quyết định không phải là quyết định của cơ quan hành chính Nhà nước mà quyết định của chính cơ quan sự nghiệp mà tôi đang làm việc.

Vấn đề thứ ba, về các điều kiện khởi kiện vụ án hành chính tại Điều 67. Chúng tôi nghĩ rằng việc theo phương án loại trừ thì rất cần thiết. Về loại trừ ở đây thì chúng ta không rõ cơ chế là đối với các cán bộ, viên chức làm việc tại các cơ quan thuộc Bộ Ngoại giao, trong lĩnh vực an ninh quốc phòng mà các khiếu kiện hành chính đơn giản như quyết định thôi việc, chấm dứt hợp đồng thì người ta sẽ khởi kiện vào đâu? Chúng tôi rất ý thức được rằng trong lĩnh vực này có rất nhiều vấn đề nhạy cảm, nhiều vấn đề phức tạp nhưng những vấn đề ấy cần phải quy định đặc thù theo quy định của Chính phủ. Nhưng còn những quy định khác thì rõ ràng chúng ta không tạo cơ sở pháp lý cho các cán bộ làm việc trong lĩnh vực ấy có quyền khởi kiện vụ án hành chính thì rõ ràng chúng ta cũng không bảo đảm quyền công dân của những người này. Chính vì vậy cũng tiếp thu kinh nghiệm có chọn lọc của các nước, chúng tôi nghĩ cũng không nên mở rộng tất cả các tòa án cấp huyện hoặc cấp tỉnh đều có quyền xem xét, giải quyết các quyết định hành chính trong lĩnh vực này. Mà có thể chúng ta tính đến phương án là giao cho một tòa án, ví dụ tòa án Hà Nội có thẩm quyền giải quyết những vụ án thuộc lĩnh vực này mà đối với những vụ việc không phải là vụ việc đặc biệt nghiêm trọng thuộc lĩnh vực này. Như vậy cũng là mở đường để chúng ta có cơ sở pháp lý, có tòa án để xét xử những loại vấn đề như thế này.

Một vấn đề nữa mà các đại biểu cũng phát biểu là có nên phải qua thủ tục khiếu nại đối với những vụ việc trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, đất đai, nhà ở v.v... thì phải qua thủ tục ấy mới có quyền khởi kiện ra tòa án hành chính. Chúng tôi nghĩ những lĩnh vực này chúng ta đã có cán bộ chuyên môn am tường để xem xét và giải quyết vụ việc, cho nên nếu chúng ta đặt ra khả năng như vậy thì vô hình chung chúng ta lại không đảm bảo cho công dân có quyền lựa chọn khả năng nào thích hợp nhất và tốt nhất cho họ. Nếu chúng ta mở ra hai khả năng hoặc công dân có quyền khởi kiện ra tòa án hành chính hoặc có thể khiếu nại tiếp thì và trên thực tế chúng ta sẽ tạo ra những cơ chế cạnh tranh lành mạnh. Như vậy cơ quan hành chính Nhà nước trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, đất đai v.v... người ta cũng phải nâng cao tinh thần trách nhiệm và công vụ, còn tòa án hành chính về phần mình cũng sẽ cố gắng nâng cao chất lượng hoạt động của tòa án hành chính, đó là những vấn đề chúng tôi xin được tham gia có ý kiến. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan