Góp ý của Đại biểu Quốc hội Đỗ Hữu Lâm – Long An

Thứ Ba 10:55 22-06-2010

Kính thưa Quốc hội,

Về dự án Luật tố tụng hành chính mà Đoàn Chủ tịch đề nghị các vấn đề cần tập trung thảo luận mặc dù có ý kiến phát biểu trước tôi có trùng, nhưng tôi xin có một số ý kiến như sau để thể hiện quan điểm của mình.

Một, về các khiếu kiện hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án ở Điều 25, tôi nhất trí với quy định theo phương án loại trừ Khoản 1, Điều 25 vì quy định như vậy ngoài việc tạo thuận lợi cho các cá nhân, cơ quan, tổ chức trong việc xác định quyền khởi kiện vụ án hành chính của mình bảo đảm được sự công bằng đáp ứng được yêu cầu của hội nhập kinh tế, quốc tế.

Khoản 3, ngoài công chức giữ chức vụ từ vụ trưởng và tương đương trở xuống tôi đề nghị bổ sung thêm viên chức để phù hợp với Luật viên chức.

Hai, về điều kiện khởi kiện vụ án hành chính ở Điều 67, tôi đồng ý với Khoản 1, Điều 67, đây là mở rộng sự lựa chọn cho các cá nhân, cơ quan, tổ chức trong việc yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền giải quyết khi cho rằng quyết định hành vi hành chính xâm phạm đến quyền lợi hợp pháp của mình. Việc quy định như vậy là phù hợp với yêu cầu đề ra tại Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị, đó là đổi mới mạnh mẽ thủ tục giải quyết các khiếu kiện hành chính tại tòa án, tạo điều kiện cho mọi người dân tham gia tố tụng. Đối với một số lĩnh vực có tính chuyên môn cao, tôi đồng ý với Khoản 2, Điều 67 có quy định như vậy nhằm bảo đảm chất lượng để giải quyết tốt các vụ án hành chính.

Ba, về thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính, tôi thống nhất ý kiến thẩm tra của Ủy ban Tư pháp cho rằng thời hiệu khởi kiện trên quy định của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính là quá ngắn và tôi đồng ý với quy định về thời hiệu khởi kiện khác nhau đối với từng loại khởi kiện như Điều 68 của dự thảo luật. Vì đối với những vụ khiếu kiện ra tòa án mà không qua thủ tục khiếu nại thì nên quy định thời hiệu dài hơn sẽ tạo điều kiện cho người khởi kiện có đủ thời gian để thu thập các chứng cứ nhờ tư vấn trợ giúp pháp lý. Những khiếu kiện đã qua các thủ tục giải quyết khiếu nại lần 1 hoặc lần 2 thì thời hiệu khởi kiện phải ngắn hơn vì đương sự đã có một thời gian nhất định để chuẩn bị các tài liệu, chứng cứ ở giai đoạn khiếu nại rồi.

Bốn, về quyết định của Hội đồng xét xử sơ thẩm, việc quy định cụ thể các quyết định của Hội đồng xét xử sơ thẩm trong bản án hành chính ngay trong luật như Điều 119 là rất cần thiết đã tạo cơ sở pháp lý cho Hội đồng xét xử. Đồng thời bảo đảm cho các quyết định của tòa án được thi hành đúng và thuận lợi cho việc xác định trách nhiệm của người không chấp hành bản án quyết định của tòa án.

Năm, về thủ tục thỏa thuận trong tố tụng hành chính, tôi thống nhất ý kiến thẩm tra của Uỷ ban Tư pháp không nên quy định thủ tục thỏa thuận, nhưng nên quy định việc đối thoại giữa người khởi kiện và bên bị kiện trong tố tụng hành chính. Nếu quy định thủ tục thỏa thuận là bắt buộc trong quá trình giải quyết vụ án hành chính thì dễ dẫn đến bên kiện và bên bị kiện thỏa thuận với nhau nhưng xâm phạm lợi ích của nhà nước hoặc của người khác. Và nếu quy định thủ tục thỏa thuận là bắt buộc thì tòa án phải ra quyết định công nhận việc thỏa thuận đó và xét cho cùng thì tòa án cũng phải xem xét cả quyết định khởi kiện và thỏa thuận đó có trái với đạo đức xã hội hoặc trái với pháp luật hay không? Vì vậy tôi đề nghị nên quy định cho các bên đối thoại với nhau trong quá trình giải quyết vụ án hành chính như Điều 11 của dự thảo Luật.

Sáu, về cơ chế xử lý bản án quyết định của tòa án hành chính đã có hiệu lực pháp luật mà phát hiện có sai lầm nghiêm trọng nhưng đã hết thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc trường hợp đã có quyết định của giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao nhưng phát hiện có những sai lầm nghiêm trọng. Nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân, vì dân, nhà nước tôn trọng và bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của dân vì vậy nếu tòa án chậm trễ trong việc giải quyết các khiếu nại của dân dẫn đến hết thời hiệu hoặc những quyết định của Tòa án kể cả của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có sai lầm nghiêm trọng gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của dân thì phải có biện pháp tích cực để ngăn chặn và khắc phục hậu quả. Tòa án có sai lầm dù là ở cấp xét xử cao nhất, cũng phải thực hiện đúng tinh thần thấy sai thì phải sửa, Tòa án phải tự mình xem xét lại các quy định mà sửa chữa cho phù hợp. Vì vậy, tôi đề nghị phải có quy định về cơ chế giải quyết để khắc phục những hậu quả trong trường hợp phát hiện bản án quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, có sai lầm nghiêm trọng nhưng hết thời hiệu kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc có quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, nhưng phát hiện ra những sai lầm nghiêm trọng ngay trong đề án của luật này. Tuy nhiên, cần phải quy định thật chặt chẽ vì cơ chế này nhằm bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức vì đây là lỗi thuộc cơ quan và người tiến hành tố tụng. Xin hết ý kiến, xin cám ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan