Góp ý của Đại biểu Quốc hội Võ Thị Thuý Loan – Tiền Giang

Thứ Ba 10:53 22-06-2010

Kính thưa Quốc hội.

Qua nghiên cứu dự thảo Luật tố tụng hành chính, tôi xin phép có một vài ý kiến như sau.

Có thể nói một trong những căn cứ để thành lập tòa án hành chính là để xét xử những khiếu kiện xảy ra trong hoạt động quản lý nhà nước. Do chức năng quản lý nhà nước về công tác thanh tra và công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, đồng thời với chức năng trực tiếp giải quyết khiếu nại, tố cáo thực chất là chức năng xét xử cho một cơ quan thuộc hệ thống Chính phủ là chưa phù hợp và kém hiệu quả. Chính vì thế mà luật này đi theo hướng. Đây là sự can thiệp của cơ quan tư pháp vào việc giải quyết của cơ quan hành chính. Tuy nhiên, khi đặt ra các quy định mới nhằm mục đích tăng thẩm quyền cho tòa án giải quyết các khiếu kiện hành chính thì cũng cần phải cân nhắc đến đặc thù của bộ máy nhà nước, đặc biệt là năng lực xét xử của tòa án hành chính hiện nay. Liệu rằng, với tổ chức bộ máy như hiện nay của tòa án cũng như năng lực xét xử của thẩm phán có đảm đương được không? Có tương xứng với vai trò mà trong luật trao rất nhiều thẩm quyền cho tòa án hay không? Tôi thiết nghĩ vấn đề bất cập hiện nay thực sự không phải ở chỗ thẩm quyền của tòa hành chính hạn hẹp. Bởi vì từ khi thành lập tòa hành chính cho đến nay được hơn 10 năm thì Pháp lệnh giải quyết các vụ án hành chính hiện hành đã bổ sung 3 lần thẩm quyền cho tòa hành chính. Đặc biệt là Điều 11 của Pháp lệnh năm 2006 đã có bổ sung rất nhiều nhóm việc, mở rộng thẩm quyền xét xử của tòa hành chính. Thế nhưng tình hình đơn khiếu kiện vụ án hành chính lại có chiều hướng giảm. Theo tôi có một lý do đó là người dân chưa mấy tin tưởng vào tính độc lập khách quan của tòa án trong giải quyết các vụ án hành chính. Người bị kiện thường là cán bộ có chức quyền, thường tỏ thái độ coi thường tòa án, trong khi đó thẩm phán thì bị sức ép nhiều mặt. Đặc biệt là họ sợ bị trù dập nên kéo dài ngày thụ lý vụ án, cũng đúng là rất khó khi phải ra phán quyết về quyết định của một người to hơn mình rất nhiều. Do đó muốn giải quyết được bất cập hiện nay thì dự luật này cần có cơ chế để đảm bảo sự độc lập của tòa án và thẩm phán, đặc biệt là giải quyết mối quan hệ giữa tòa án và chính quyền sở tại cũng như cơ chế bổ nhiệm thẩm phán, có như thế mới thực sự mở rộng thẩm quyền của tòa hành chính để bảo vệ tốt hơn quyền của người dân trước những hành vi, vi phạm của bộ máy hành chính.

Đi vào cụ thể về các khiếu kiện thuộc thẩm quyền của tòa hành chính, trước hết tôi đồng ý với quan điểm cho rằng luật này nên sử dụng phương pháp liệt kê một cách rõ ràng minh bạch mặc dù tôi vẫn biết rằng phương án liệt kê thì không thể liệt kê đủ nhiều việc quan trọng khác liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân mà các quyết định hành chính, hành vi hành chính thường xâm phạm nhưng điều này sẽ phù hợp với thực tiễn của Việt Nam hơn. Bởi vì do tòa hành chính mới được thành lập, tổ chức còn yếu, biên chế còn thiếu kinh nghiệm xét xử chưa có. Nếu quy định theo kiểu loại trừ thì e rằng sẽ gặp phức tạp khi xuất hiện các vụ kiện không lường trước được, đồng thời sau khi luật ban hành thì vẫn phải chờ hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao liệt kê các khiếu kiện nào là thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa hành chính. Hơn nữa khái niệm quyết định hành chính trong Luật khiếu nại, tố cáo có nội hàm rộng hơn trong luật này, nên việc nhắc lại Điều 2 về khái niệm quyết định hành chính của Luật khiếu nại, tố cáo thực ra chưa phải là một phương án tối ưu, bởi lẽ nó không hoàn toàn phù hợp với các nội dung, các điều khác trong luật này.

Một điểm khác cũng cần lưu ý, các văn bản qui phạm pháp luật vốn không thuộc đối tượng của khiếu kiện hành chính, nhưng khi quyết định hành chính, hành vi hành chính bị kiện là phù hợp với văn bản qui phạm pháp luật, nhưng văn bản qui phạm pháp luật đó lại trái với pháp luật thì tòa án sẽ xử lý ra sao, đặc biệt là đối với những văn bản của hệ thống cơ quan hành pháp, đáng tiếc rằng vấn đề quan trọng này và rất thực tiễn đã bị pháp luật hiện hành bỏ trống, trong khi các văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật, thậm chí vi hiến, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân không phải là hiếm như hiện nay. Do đó luật này cũng cần bổ sung trong phần quyết định của hội đồng xét xử quy định rằng, đồng thời với việc ra quyết định hủy bỏ quyết định hành chính hay kết luận hành vi hành chính là trái pháp luật, tòa án cần kiến nghị với cơ quan đã ra văn bản quy phạm pháp luật trái với văn bản quy phạm pháp luật của cấp trên để cơ quan đó tự hủy bỏ.

Thứ hai là, tôi tán thành phương án quy định cụ thể hơn các quyết định của Hội đồng xét xử sơ thẩm, bởi vì khi đã trao quyền cho tòa án quyền xét xử các kiếu kiện đối với các quyết định hành chính, hành vi hành chính thì cũng nên trao cho tòa án những quyền hạn nhất định tùy tình hình cụ thể. Đồng thời quyền hạn đó phải được quy định bằng một phương thức rất rõ ràng trong Luật tố tụng hành chính này thì mới tương xứng, bởi vì đây là hành động trung tâm của cả quá trình giải quyết các vụ án hành chính.

Thứ ba, về điều kiện khởi kiện vụ án hành chính, tôi tán thành với quan điểm trước khi khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án phải qua thủ tục khiếu nại, vì đây là sự can thiệp của cơ quan tư pháp vào hoạt động xử lý khiếu nại của cơ quan hành chính, nhưng tôi nghĩ phải sửa đổi Luật khiếu nại, tố cáo và Luật đất đai theo hướng bảo vệ cho người dân, ví dụ như là không nên có giải quyết khiếu nại cuối cùng, vì quy định như thế sẽ làm hạn chế quyền khởi kiện của người dân ra tòa hành chính. Rất tiếc rằng Luật khiếu nại, tố cáo cũng như Luật đất đai không được trình cùng luật này để chúng ta xem xét tính đồng bộ và thống nhất cho cả hệ thống pháp luật. Thật ra quy định giai đoạn tiền tố tụng có ý nghĩa rất quan trọng cho cả 2 phía Nhà nước và người dân. Điều này cũng không làm hạn chế quyền khởi kiện của người dân, bởi nếu như người dân không đồng ý hoặc đã hết thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết do người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại hành chính trì hoãn, ỳ không giải quyết thì người dân có quyền khởi kiện vụ án hành chính, đó cũng là đặc trưng của thủ tục giải quyết các vụ án hành chính. Hơn nữa, như đã nói vì đây là sự can thiệp của cơ quan tư pháp vào hoạt động xử lý khiếu nại của cơ quan hành chính nên giai đoạn tiền tố tụng hành chính là cần thiết. Để tạo điều kiện cho các cơ quan nhà nước chủ động, tự sửa chữa những sai sót trong hoạt động quản lý cũng rất phức tạp và đa dạng bằng cách tự sửa đổi, bãi bỏ những quyết định của mình hoặc của cấp dưới; tự có những biện pháp khắc phục hậu quả do quyết định hành chính hay hành vi hành chính trái pháp luật của mình gây ra. Tôi nghĩ đó cũng là trách nhiệm công vụ của nhà nước.

Đồng thời giai đoạn tiền tố tụng này tạo điều kiện cho công dân do chưa nắm chắc thông tin nên đã khiếu nại đối với những quyết định, hành vi hành chính có được cơ hội được cơ quan nhà nước giải thích về những căn cứ pháp luật của những quyết định hành vi đó, công dân khi hiểu ra rồi thì có thể tự rút đơn kiện, đỡ tốn kém thời gian công sức. Xin hết.

Các văn bản liên quan