Góp ý của Đại biểu Quốc hội Nghiêm Vũ Khải – Điện Biên

Thứ Năm 15:54 05-11-2009

Kính thưa Quốc hội,

Tôi xin có một số ý kiến về dự thảo Luật thuế tài nguyên như sau:

Như chúng ta đều biết, thuế là một trong những công cụ hữu hiệu và sắc bén nhất để quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên tiết kiệm và hiệu quả. Để bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, của nhà đầu tư, của địa phương và đồng bào sở tại, đảm bảo phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, an ninh tài nguyên quốc gia, đặc biệt là an ninh về nước, an ninh năng lượng, an ninh khoáng sản. Điều này thì các quốc gia phát triển và có tầm nhìn luôn đưa vấn đề an ninh tài nguyên, an ninh khoáng sản, an ninh nguồn nước là một trong những nhiệm vụ hàng đầu trong vấn đề lập chiến lược quy hoạch phát triển đất nước.

Trong những năm qua Ủy ban Khoa học, công nghệ và Môi trường và cá nhân tôi cũng tham gia nhiều đoàn khảo sát về quản lý tài nguyên, kết hợp với bảo vệ môi trường tại những vùng có khoáng sản lớn của đất nước cũng như những vùng khai thác nhỏ lẻ. Chúng tôi đã đi đến Tây Nguyên, đi Quảng Ninh, Lào Cai, rồi Bà Rịa - Vũng Tàu và những vùng khai thác cát đen ở miền Trung thấy rằng, ngoài lý do công tác quản lý còn nhiều bất cập thì nguyên nhân chủ yếu do thuế chúng ta quy định thấp và quản lý thuế tài nguyên không chặt chẽ, cho nên đã gây ra lãng phí thất thoát tài nguyên, thất thoát thuế, hủy hoại môi trường một cách nghiêm trọng, gây ra những tiêu cực, tệ nạn xã hội, bức xúc trong nhân dân.

Vì thuế thấp cho nên người ta khai thác kiểu gì cũng có lãi, moi lên để bán cũng có lãi và có nhiều trường hợp người ta xin được mỏ rồi bán trao tay, kiếm vài tỷ quá đơn giản, vài chục tỷ tương đối phổ biến, có khi còn hơn thế nữa. Trong tình trạng như vậy việc ban hành Luật thuế tài nguyên là vô cùng cần thiết, tuy nhiên luật đó phải phát huy được mặt tích cực trong công tác quản lý thuế và quản lý tài nguyên đồng thời kiên quyết phải hạn chế được những tiêu cực và những bất cập. Tôi cho rằng Luật thuế tài nguyên cần phải xây dựng đồng bộ với một số luật thuế khác, trong đó có vấn đề thuế môi trường và đồng thời với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về khoáng sản và các loại tài nguyên khác. Tôi cũng đã đọc rất kỹ dự án luật, đọc Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, ngân sách, nghiên cứu kỹ tóm tắt, kết quả thảo luận tổ, kết hợp với một số ý kiến khác, có thể nói với 12 điều trên thực tế về nội dung cũng chỉ có 10 điều thì dự thảo luật chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra và còn rất nhiều nội dung cần phải sửa đổi bổ sung và sắp xếp lại. Tôi lấy ví dụ một nội dung quan trọng đó là căn cứ và tính thuế thì đó là sản lượng, tài nguyên, giá và thuế suất tức là có ba yếu tố, nhưng ba yếu tố này được quy định trong luật còn khá chung chung ở dạng khung và có nhiều cái thiếu chính xác, cho nên có thể dẫn đến chuyện áp dụng một cách tùy tiện, có thể gây nhiều sơ hở rồi gây ra hiện tượng trốn thuế và không bảo đảm được sự hài hòa giữa lợi ích ở các bên hữu quan, ở đây tôi muốn nói là Nhà nước rồi người chủ đầu tư và địa phương cũng như nhân dân vùng sở tại. Nhiều nơi có tài nguyên thì cảm thấy cái được thì ít mà cái mất thì nhiều, cho nên mức thuế là một trong những công cụ cần phải điều chỉnh.

Về thuế suất chẳng hạn, tôi thấy khung thuế suất quá rộng, khí thiên nhiên và khí than là từ 1 - 30, có nghĩa là gấp 30 lần các loại thuế khác 5 lần, 7 lần, khung này không quy định cụ thể. Tôi biết là có hướng dẫn của Chính phủ, nhưng vấn đề Chính phủ quy định thuế cũng nhiều ý kiến cho rằng không phù hợp với Hiến pháp và pháp luật, đồng thời đấy là thẩm quyền của Quốc hội. Hay là một số nhóm khoảng sản, ví dụ chúng ta xếp thạch anh kỹ thuật với đá nung vôi, rải đường, thạch anh kỹ thuật rất giá trị, đá nung vôi, rải đường là một khoáng sản rất phổ biến hay là coban, bạc, bạch kim là những thứ rất quý thì lại xếp cùng với chì, kẽm, cái đó không hợp lý chút nào. Cho nên tôi đề nghị mỗi một khoáng sản là một cột thuế, trong đó có nhiều dòng. Ví dụ để khai thác tính thuế còn phụ thuộc vào quy mô của khoáng sản đó, mức độ khó khai thác, xa vùng giao thông thuận tiện, quy trình kiểm lượng nó đòi hỏi công nghệ cao. Cho nên quy định thuế suất ở đây phải hướng đến việc tiết kiệm và sử dụng hiệu quả, hướng đến vấn đề ứng dụng công nghệ và chế biến sâu, tạo giá trị gia tăng. Cho nên tôi đề nghị lại một lần nữa là mỗi khoáng sản là một cột thuế mà trong đó có nhiều dòng quy định rất cụ thể, như vậy mới đảm bảo được sự công bằng, còn nếu không người ta hay chạy đến những chỗ dễ khai thác còn những chỗ khó thì bỏ. Tôi thấy một số trường hợp miễn thuế như các vị đại biểu đã nêu tôi thấy chưa thực sự hợp lý.

Tôi đề nghị, với pháp lệnh trước đây 22 điều, bây giờ dự thảo luật chỉ còn 12 điều. Quá nhiều ý kiến của các vị đại biểu cho rằng còn nhiều nội dung phải chỉnh sửa, tôi đề nghị đại biểu Quốc hội cân nhắc có nên thông qua tại kỳ họp này hay không vì những nội dung này nếu đáp ứng được yêu cầu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội đòi hỏi phải có thời gian, công phu làm rất kỹ. Việc chúng ta dự kiến thông qua một kỳ chuyển thành 2 kỳ cũng là chuyện mình thường, dự kiến 2 kỳ nhưng thấy hợp lý cũng có thể thông qua tại một kỳ. Tôi tha thiết đề nghị nên cân nhắc kỹ. Xin hết.

 

Các văn bản liên quan