Góp ý của Đại biểu Quốc hội Lê Minh Hiền – Khánh Hoà

Thứ Năm 15:56 05-11-2009

Kính thưa Quốc hội,

Tôi xin được góp ý về Luật thuế tài nguyên như sau:

Về sự cần thiết phải ban hành luật thì trên cơ sở Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội, các quan điểm, yêu cầu, tôi nhất trí nâng từ Pháp lệnh thuế tài nguyên thành Luật thuế tài nguyên. Tôi xin góp ý về một số nội dung cụ thể như sau:

Thứ nhất, về đối tượng chịu thuế. Tại Khoản 5, Điều 2 quy định "Đối tượng chịu thuế là sản phẩm của rừng tự nhiên gồm các loại động vật, thực vật và các loại sản phẩm khác của rừng tự nhiên". Vậy các loại động vật, thực vật và các loại sản phẩm cùng loại nêu trên sống tự nhiên không phải do người nuôi, trồng nhưng không thuộc rừng tự nhiên, thuộc rừng trồng thì có thuộc đối tượng chịu thuế không. Đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ.

Thứ hai, đối với tài nguyên dưới nước, đất, nước ngầm tại Khoản 2, Điều 7. Hiện nay đa số các nhà hàng, cơ sở sản xuất như chế biến hải sản, dệt may, thuốc lá đều sử dụng nước dưới đất để sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, nếu không được điều tiết bằng một số chính sách như thuế tài nguyên phù hợp, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thì việc sử dụng tài nguyên nước dưới đất vừa tăng khả năng làm ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước, vừa không công bằng đối với những đơn vị sử dụng nước từ hệ thống cấp nước.

Ba, về việc mở rộng đối tượng chịu thuế, tôi cho rằng nên tính thuế tài nguyên đối với di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh thiên nhiên. Bởi vì các tài nguyên thiên nhiên này được các tổ chức, cá nhân khai thác thu lợi nhuận, đồng thời việc khai thác, sử dụng tài nguyên này có ảnh hưởng nhất định đến môi trường. Việc tính thuế tài nguyên là nhằm điều tiết sự công bằng trong khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên.

Vấn đề thứ hai, về giải thích từ ngữ. Tại Khoản 2, Điều 4 giải thích từ ngữ yến sào là một loại sản phẩm từ tổ chim yến. Tôi cho rằng giải thích trên chưa đầy đủ và rõ nghĩa, yến sào chính là tổ chim yến, là tên một loại thực phẩm nổi tiếng được làm bằng tổ chim yến. Do vậy tôi đề nghị Ban soạn thảo quy định cụ thể và giải thích rõ nghĩa hơn, vì với cách giải thích trên thì chỉ có sản phẩm của tổ chim yến mới được coi là yến sào thuộc đối tượng chịu thuế, vậy tổ chim yến được khai thác và bán ra trên thị trường có thuộc đối tượng chịu thuế không. Đề nghị quy định rõ yến sào là tổ chim yến là đối tượng chịu thuế bao gồm yến sào do các gia đình tự nuôi trong nhà, nuôi trong hang hốc đá tự tạo khai thác bán ra thị trường, không phải do chim yến trong tự nhiên làm tổ trong các hang hốc đá thiên nhiên.

Vấn đề thứ ba, về người nộp thuế, tôi đề nghị quy định rõ hoạt động khai thác tài nguyên thiên nhiên phải chịu thuế tài nguyên là hoạt động tác động vào thiên nhiên làm thay đổi hiện trạng của nó và lấy ra một lượng tài nguyên khoáng sản nhất định, không phụ thuộc vào mục đích khai thác tài nguyên để bán ngay, đem trao đổi tiêu dùng nội bộ, dự trữ đưa vào sản xuất tiếp theo hoặc đem cho không thu tiền, không sử dụng và mang đổ đi nơi khác. Lý do phải chịu thuế tài nguyên do hoạt động này đã tác động xâm hại vào môi trường thiên nhiên làm thay đổi tính ổn định và ảnh hưởng đến môi trường thiên nhiên và phải chịu thuế tài nguyên để sử dụng có hiệu quả lượng tài nguyên khoáng sản sinh ra. Từ hoạt động khai thác này không để biến tướng hình thức khai thác rồi cho không lấy tiền để né tránh trách nhiệm và nghĩa vụ thuế tài nguyên nhưng mà môi trường thì vẫn bị xâm hại.

Vấn đề thứ tư, về sản lượng tài nguyên tính thuế. Một là việc tính thuế tài nguyên không phụ thuộc vào mục đích khai thác tài nguyên đó theo Khoản1, Điều 6 của dự thảo luật. Vì vậy các dự án làm đường giao thông, xây dựng các công trình thủy lợi, thủy điện, san lấp mặt bằng để xây dựng các công trình dân dụng, công nghiệp có khai thác sử dụng khoáng sản không kim loại như đất, đá, cát thì cần căn cứ tính thuế tài nguyên chưa được quy định cụ thể. Tôi đề nghị cần bổ sung các quy định đối với các trường hợp nêu trên để cơ quan thu thuế có cơ sở thực hiện.

Hai là, tại Khoản 3, Điều 6 của dự thảo luật có nêu về trường hợp xác định sản lượng tài nguyên khai thác được đưa vào sử dụng cho quá trình sản xuất tiếp theo căn cứ vào sản lượng, sản phẩm, sản xuất ra và định mức sử dụng tài nguyên trên một đơn vị sản phẩm, đề nghị quy định thêm có tính đến tỷ lệ hao hụt nguyên liệu trong quá trình sản xuất.

Ba là, tại Khoản 4, Điều 6, đề nghị quy định các cơ sở khai thác nước thiên nhiên sử dụng trong các hoạt động sản xuất kinh doanh ngoài thuỷ điện phải thực hiện gắn đồng hồ đo để xác định khối lượng nước thiên nhiên khai thác để quản lý thu được thuế tài nguyên.

Vấn đề thứ năm, về giá tính thuế.

Một là, đề nghị luật quy định rõ giá tính thuế là giá bán tại nơi khai thác hay bất kỳ nơi nào.

Hai, xác định giá thị trường của loại tài nguyên tại Điểm a, Khoản 2, Điều 7 quy định trường hợp loại tài nguyên chưa xác định được giá bán thì giá tính thuế đơn vị tài nguyên được xác định căn cứ vào giá bán thực tế trên thị trường của đơn vị tài nguyên cùng loại. Trường hợp có những loại tài nguyên chưa được quy định cụ thể trong luật, đồng thời chỉ có một địa phương duy nhất hoặc hai địa phương không cùng khu vực như miền Bắc và miền Nam thì không thể xác định căn cứ vào thị trường theo khu vực như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban tài chính ngân sách đã nêu. Đề nghị luật quy định giá tính thuế trong trường hợp này do Sở tài chính khảo sát trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.

Ba là, về nguyên tắc giá tính thuế tài nguyên là giá bán tại nơi khai thác, đối với tài nguyên là gỗ, nơi khai thác là cội, sau khi cưa hạ xong gỗ được kéo về bãi một sau đó tập trung vào bãi hai là nơi phương tiện vận tải có thể vào được để vận chuyển đi. Như vậy, tại Điểm d Khoản 3, Điều 7 dự thảo luật quy định "giá tính thuế tài nguyên đối với gỗ là giá bán tại bãi giao", đề nghị quy định "bãi giao "là bãi nào và có nơi giao tại bãi một và bãi hai kiến nghị luật quy định cụ thể là bãi hai để thống nhất trong quản lý.

Vấn đề thứ sáu, về thuế suất tôi đồng ý với đại biểu Nguyễn Minh Thuyết và đại biểu Triệu Sỹ Lầu nên tôi xin không có ý kiến về vấn đề này.

Vấn đề thứ bảy, kê khai nộp thuế, tại Điều 9 dự thảo Luật thuế tài nguyên có quy định tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên thực hiện đăng ký, kê khai, nộp thuế tài nguyên theo quy định của pháp luật về quản lý thuế theo hướng dẫn tại Khoản 1.1 Điểm 1 Mục 5, phần B, Thông tư số 60 năm 2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật quản lý thuế thì người nộp thuế nộp hồ sơ khai thác thuế tài nguyên cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp. Hiện nay trường hợp đơn vị khai thác thuế tài nguyên tại địa bàn khác nơi đăng ký trụ sở chính, phát sinh rất nhiều, do đó việc quản lý thu thuế tài nguyên sẽ không được chặt chẽ do cơ quan trực tiếp quản lý không thuộc địa bàn khai thác. Mặt khác số thu về thuế tài nguyên không thuộc về địa phương nơi có tài nguyên khai thác, nên cơ quan thuế tại nơi khai thác cũng thiếu quan tâm, phối hợp trong quản lý. Do vậy tôi đề nghị luật quy định tổ chức, cá nhân khai thuế tài nguyên hoặc nộp thay người khác khai thác thuế tài nguyên thực hiện đăng ký, kê khai, nộp thuế tài nguyên tại chi cục thuế nơi khai thác tài nguyên.

Còn về quan điểm, tôi thống nhất là thông qua tại một kỳ họp. Xin trân trọng cám ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan