Góp ý của Đại biểu Quốc hội Lê Văn Hưng – Hưng Yên

Thứ Năm 15:50 05-11-2009

Kính thưa Quốc hội.

Tôi nhất trí cao với sự cần thiết để ban hành Luật thuế tài nguyên và những nội dung cơ bản của dự thảo luật. Theo gợi ý của đồng chí Chủ trì phiên họp, tôi xin tham gia ba vấn đề cụ thể như sau:

Một là, về đối tượng chịu thuế Điều 2, tôi nhất trí với dự thảo phân thành 8 nhóm đối tượng chịu thuế, tuy nhiên có điểm chưa hợp lý ở nhóm 8. Dự thảo quy định các loại tài nguyên thiên nhiên không thuộc quy định từ Khoản 1 đến Khoản 7 điều này, quy định này mang tính khái quát và bao hàm ý nghĩa là mọi tài nguyên thiên nhiên, tức là không loại trừ bất cứ loại nào đều là đối tượng chịu thuế của luật. Như vậy rõ ràng là không phù hợp với thực tế và quan điểm thể hiện về việc còn nhiều loại tài nguyên quốc gia khác chưa đưa vào đối tượng diện chịu thuế như không khí, gió, ánh sáng hay năng lượng mặt trời. Mặt khác quy định như Khoản 8, Điều 2 còn được hiểu rằng mọi tài nguyên có trong tự nhiên đương nhiên là đối tượng chịu thuế mà không cần bất cứ sự xác nhận hay luật hóa của cơ quan có thẩm quyền nào, dẫn tới nhận thức không đúng. Vì vậy tôi đề nghị sửa Khoản 8, Điều 2 theo hướng là "các loại tài nguyên thiên nhiên khác" do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định theo đề nghị của Chính phủ.

Vấn đề thứ hai, về thuế suất ở Điều 8 tôi đồng tình với cách quy định tại dự thảo theo hướng Quốc hội ban hành luật. Quy định khung thuế suất theo tỷ lệ phần trăm trong hành lang giữa mức sàn và mức trần quy định trong luật thì Chính phủ sẽ quy định mức thuế suất phần trăm cụ thể đối với từng loại tài nguyên. Quy định như vậy sẽ đảm bảo tính linh hoạt kịp thời cho Chính phủ điều tiết và điều hành. Tuy nhiên, về biên độ khung thuế suất trong dự thảo này chưa hợp lý, mức thuế suất sàn nói chung còn quá thấp, ví dụ sắt mangan, titan và nhiều loại khoáng sản kim loại khác ở mức 5% cũng chỉ bằng đá, cát, sỏi, đất làm gạch, tre, nứa v.v...Một số quặng khoáng sản không kim loại khác nhưng trữ lượng có hạn đã và đang bị khai thác trái phép và cảnh báo sự cạn kiệt trong tương lai gần, mức thuế suất sàn cũng chỉ 3 - 4 đến 6%. Như các loại apatit và các loại than biên độ khung thuế suất còn quá rộng, khó thực hiện như dầu thô từ 6 - 40%, khí thiên nhiên từ 1 - 30%, tài nguyên thiên nhiên khác từ 1 đến 20%, và một số loại khác. Cần tăng mức sàn để rút ngắn biên độ này.

Vấn đề thứ ba, về miễn giảm thuế quy định tại Điều 10, để quản lý và bảo vệ nguồn tài nguyên, quản lý các tổ chức và cá nhân khai thác sử dụng tiết kiệm hiệu quả tài sản quốc gia. Việc quy định về miễn giảm thuế tài nguyên theo tôi cũng cần hết sức rõ ràng, chặt chẽ và minh bạch, dễ thực hiện và tránh việc lạm dụng. Khoản 6, Điều 10 của dự thảo Luật chưa đáp ứng được yêu cầu này. Cần cân nhắc lại 2 điểm:

Điểm thứ nhất, tôi thấy đưa đường giao thông vào loại công trình miễn thuế khi khai thác đất để san lấp là không phù hợp thì hầu hết các công trình đường giao thông thì các doanh nghiệp hiện đã tính đúng, tính đủ trong hoạch toán và nhằm thu lợi nhuận dưới nhiều hình thức khác nhau. Việc miễn thuế đối với đất khai thác để san lấp là không thỏa đáng.

Hai là, Khoản 6, Điều 10 còn đưa vào một quy định mở theo hướng Chính phủ quy định cho một số tài nguyên khác cũng sẽ được miễn thuế. Quy định này sẽ tạo ra nhiều kẽ hở trong quản lý. Tôi ví dụ về cát xây dựng theo Pháp lệnh thuế tài nguyên cũ thì không thuộc diện chịu thuế, trong dự thảo Luật đã đưa vào, nhưng hiện nay theo quy định tại Khoản 6, Điều 10 thì có vấn đề thực tế hiện nay tình trạng khai thác cát ở lưu vực các sông ở nhiều nơi đã và đang tác động đến hướng của dòng chảy, ảnh hưởng đến việc canh tác cũng như đời sống của nhân dân hai bên bờ. Đặc biệt việc vận chuyển cát để phục vụ các công trình đường giao thông gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và hư hại rất nhiều tuyến đường giao thông nông thôn. Tình trạng khai thác cát ồ ạt kể cả xuất khẩu ra nước ngoài cũng đã được Bộ Tài nguyên và môi trường cảnh báo và Chính phủ cũng đã có chủ trương cấm. Trong bối cảnh đó nếu quy định như Khoản 6, Điều 10 thì có thể cát được đưa vào mục các tài nguyên khác để mà được miễn thuế, thì không đáp ứng được yêu cầu của đời sống và sẽ gây bức xác cho cử tri. Do đó tôi đề nghị bỏ quy định này mà sửa quy định Khoản 6, Điều 10 theo hướng chỉ miễn thuế đối với việc khai thác đất để san lấp và không có quy định mở và việc đất được miễn thuế chỉ đối với các công trình mang tính từ thiện như ý kiến đại biểu trước tôi đã trình bày. Tôi xin hết. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan