Góp ý của Đại biểu Quốc hội Nghiêm Vũ Khải – Điện Biên

Thứ Ba 10:26 26-10-2010

Kính thưa Quốc hội,

Kính thưa các đồng chí,

Cũng như nhiều đại biểu khác, tôi thống nhất rất cao với Báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã làm rõ bản chất khác nhau, làm rõ ai là người nộp thuế, ai là người chịu thuế bảo vệ môi trường, tên của luật tôi cũng nhất trí như giải trình. Vì vậy cũng có những loại sản phẩm hàng hóa vừa phải chịu phí, vừa phải chịu thuế, có những cái chỉ chịu phí mà không chịu thuế.

Tuy nhiên, vấn đề giải trình ở trang 3 về bản chất nguồn thu tôi chưa nhất trí, trong giải trình bản chất nguồn thu có nêu: "Thuế bảo vệ môi trường không mang tính bù đắp" Theo tôi thuế bảo vệ môi trường vẫn phải bù đắp cho chi phí bảo vệ môi trường nhưng không trực tiếp, không bù đắp trực tiếp, còn phí bù đắp trực tiếp. Nếu chúng ta quan niệm không mang tính chất bù đắp, sẽ định hướng cho vấn đề chi nguồn thu thuế vào mục đích gì, bản chất vấn đề là thuế bảo vệ môi trường cơ bản là phải chi cho hoạt động bảo vệ môi trường. Trên thực tế hoạt động bảo vệ môi trường đến thời điểm hiện nay là nguồn thu để có nguồn lực rất ít, chúng ta chi 1% cho sự nghiệp bảo vệ môi trường, nhưng khoản đó chi chưa đúng lúc, hơn nữa phần xã hội hóa cũng hạn chế, đóng góp cho xã hội hóa chỉ đạt được 15% chi phí bảo vệ môi trường hiện nay. Cho nên hình thức nộp thuế bảo vệ môi trường là một hình thức xã hội hóa nhưng được thông qua nguồn thu, nguồn ngân sách và tái phân bổ lại. Chúng ta có rất nhiều nhiệm vụ phải làm đối với công tác bảo vệ môi trường. Ví dụ về vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu, như các đồng chí đã biết nước ta là một nước chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Ứng phó gồm vấn đề giảm thiểu mà hoạt động đầu tiên chúng ta thấy là vấn đề trồng rừng hay vấn đề phát triển sản xuất sạch, phát triển các công nghệ ít rác thải. Vấn đề thích ứng là chúng ta cần tiền để xây dựng đê điều bù đắp cho các chi phí nghiên cứu cho chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó biến đổi khí hậu. Tôi đề nghị trong phần giải thích là nguồn thu thuế bảo vệ môi trường vẫn phải là nguồn bù đắp cho hoạt động bảo vệ môi trường tuy nhiên không bù đắp trực tiếp.

Thứ hai, tôi nhất trí với Khoản 3, Điều 9, tôi đồng ý giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định thêm những đối tượng phải chịu thuế.

Về biểu tính thuế tôi xin có ý kiến với biểu tính thuế than tại trang số 4 của Dự thảo luật là Điều 8, phần II là là than, trong đó có than nâu, than đá, than antraxit, than mỡ mức như nhau là từ 10.000 - 30.000/tấn. Tôi nghĩ nếu quy định như vậy thì sau này để ta phân biệt điều chỉnh cho dễ, nhưng tại thời điểm hiện nay tôi có ý kiến như sau:

Về tên gọi phải là than đá chứ không phải là than, Khoản 2 chữa lại là than đá và trong than đá có than nâu, than đá thông thường, đề nghị Khoản 2, phần II phải thêm chữ "thông thường".

Thứ ba là than antraxit. Thứ tư là than mỡ. Theo tôi việc tính thuế phụ thuộc vào việc trong 4 loại than thuộc về than đá thì than Antraxit là than có hàm lượng các bon rất cao, vì vậy khi dùng nó thải ra khí cacbonic cao và bản thân giá khai thác than Antraxit cũng thu nhập cao, cho nên than Antraxit phải là cao nhất trong các loại than đá, sau đấy chúng ta chia ra cho nên tôi cho rằng riêng đối với Antraxit có thể nâng lên mức từ 30 đến 50.000. Còn các loại than khác có thể tính chi tiết hơn hàm lượng cacbon trong đó để chúng ta tính xem khi dùng thì phát thải ra bao nhiêu khí cacbonic thì thuế là là thuế ở chỗ anh phát thải.

Tiếp theo chúng tôi xin nêu bổ sung một ý là tại Điều 5, nói người nộp thuế, về cách viết thôi, còn nội dung tôi hoàn toàn nhất trí. Theo tôi Điều 5, phần trên bản chất nó là một qui định pháp luật, cho nên phải viết ngay nó là một, Khoản 1 là người nộp thuế bảo vệ môi trường là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất nhập khẩu hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế qui định tại Điều 3 của luật này. Đấy là Khoản 1.

Sang Khoản 2, là người nộp thuế trong một số trường hợp cụ thể được qui định như sau là: a là trường và b, tức là 1 và 2 thì chuyển thành a và b. Như vậy về mặt hình thức pháp luật văn bản tôi thấy nó hợp lý.

Ý cuối cùng Điều 3, đối tượng chịu thuế, tôi thấy phần nói về trường hợp khác nhất trí với đề nghị Khoản 9, tức là trường hợp cần thiết bổ sung đối tượng chịu thuế khác cho phù hợp với từng thời kỳ Chính phủ trình ra Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định. Tôi thấy cũng có thể Chính phủ trình nhưng cũng có thể cơ quan khác hoặc tổ chức, cá nhân vì vấn đề thuế bảo vệ môi trường mang tính chất xã hội rất cao. Nếu như các tổ chức, cơ quan của Quốc hội hay bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào đề xuất, Ủy ban Thường vụ xét thấy cần thiết mà đúng thì vẫn có thể điều chỉnh đối tượng chịu thuế và có cách viết lại như thế nào để chúng ta thể hiện được ý đó đầy đủ hơn. Trên đây là một số ý kiến đóng góp. Xin hết.

Các văn bản liên quan