Góp ý của Đại biểu Quốc hội Ly Kiều Vân – Quảng Trị

Thứ Sáu 15:23 18-06-2010

Kính thưa Quốc hội.

Tham gia thảo luận Luật khoáng sản (sửa đổi) tôi xin có một số ý kiến như sau:

Thứ nhất tại Điều 7 quy định quyền lợi của nhân dân địa phương nơi có tài nguyên khoáng sản được khai thác thì tôi cho rằng quy định như dự thảo còn mang tính chung chung chưa nêu bật được trách nhiệm của cá nhân, tổ chức tham gia khai thác khoáng sản. Ví dụ như Khoản 1 quy định ưu tiên sử dụng lao động địa phương vào hoạt động khai thác khoáng sản, khoản 3 quy định khuyến khích tổ chức cá nhân khai thác khoáng sản, hỗ trợ đầu tư nâng cấp, duy tu cơ sở hạ tầng, hỗ trợ xây dựng các công trình ích lợi cho nhân dân địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản. Với việc quy định như vậy thì lợi ích của người dân nơi có khoáng sản được khai thác chưa thật sự được bảo đảm. Bởi vì tổ chức, cá nhân có thể thực hiện, họ không thể thực hiện trách nhiệm của mình, do vậy tôi đề nghị Ban soạn thảo cũng nên nghiên cứu để quy định theo hướng tổ chức cá nhân phải có trách nhiệm trong hoạt động khai thác khoáng sản.

Thứ hai, tại Điều 42 quy định về giấy phép thăm dò khoáng sản, theo tôi quy định thời hạn giấy phép thăm dò khoáng sản như dự thảo là quá dài và không hợp lý, hơn nữa việc quy định cho tổ chức, cá nhân được cấp không quá 5 giấy phép thăm dò là quá nhiều. Tôi cho rằng nếu quy định như dự thảo thì khi hết thời hạn thăm dò có lẽ khoáng sản không còn. Tôi đề nghị Ban soạn thảo nên nghiên cứu phân chia theo loại khoáng sản và về quy mô khoáng sản để có quy định thời hạn thăm dò cho phù hợp đối với từng loại khoáng sản.

Thứ ba, tôi thấy tại Điều 13 và Điều 82 của dự thảo luật quy định có trùng lắp, do vậy tôi đề nghị Ban soạn thảo nên nghiên cứu và thiết kế làm sao cho phù hợp và cũng tại điều này tôi thấy giao trách nhiệm khá lớn cho Ủy ban nhân dân các cấp, nhưng tôi thấy quyền lợi của Ủy ban nhân dân các cấp cũng không được quy định. Do vậy tôi thiết nghĩ Ban soạn thảo nên nghiên cứu bổ sung vào trong điều này cho phù hợp hơn.

Thứ tư, tại Điều 44, Khoản 1, Điểm c, Ban soạn thảo nên nghiên cứu quy định rõ khối lượng khoáng sản chuyển ra ngoài khu vực thăm dò để phân tích thử nghiệm là bao nhiêu, tôi thấy nếu quy định như dự thảo thì rất khó cho công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng và nếu quy định như dự thảo tôi thấy không hạn chế được tình trạng lợi dụng thăm dò để khai thác, vì qua thực tế địa phương chúng tôi cũng có một mỏ vàng khai thác nhưng vừa qua Bộ Tài nguyên và môi trường đã cấp phép cho thăm dò, nhưng qua công tác kiểm tra, giám sát lĩnh vực này chúng tôi thấy rất khó do vậy trong dự thảo lần này tôi đề nghị Ban soạn thảo cũng cũng cần quy định cụ thể hơn.

Vấn đề thứ năm, quy định tại Điều 47 về thu hồi, chấm dứt hiệu lực giấy phép thăm dò khoáng sản. Tại Điểm b, Khoản 3 quy định: "trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày cấp giấy phép thăm dò chấm dứt hiệu lực tổ chức, cá nhân được phép thăm dò khoáng sản phải di chuyển toàn bộ tài sản của mình và của các bên liên quan ra khỏi khu vực thăm dò". Theo tôi, quy định như trong dự thảo là quá dài và sẽ dẫn đến tình trạng lợi dụng thời gian này để tiếp tục khai thác. Do vậy, Ban soạn thảo cũng nên nghiên cứu để bổ sung cho phù hợp.

Vấn đề thứ sáu, tại Mục c, Khoản 1, Điều 60 quy định: "tổ chức, cá nhân được phép khai thác khoáng sản vi phạm một trong các nghĩa vụ quy định tại Khoản 2, Điều 51", theo tôi Điều 51 chỉ quy định về hồ sơ phê duyệt trữ lượng khoáng sản chứ không phải quy định về nghĩa vụ của các bên, do vậy, Ban soạn thảo cũng nên sửa lại thành:"theo quy định tại Khoản 2, Điều 57". Trên đây là một số ý kiến tôi xin tham gia đóng góp vào dự án luật. Xin hết ý kiến. Xin cám ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan