Góp ý của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Nương – Cao Bằng

Thứ Sáu 15:25 18-06-2010

Kính thưa Đoàn Chủ tịch.

Kính thưa Quốc hội.

Tôi nhất trí cơ bản với dự thảo luật và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về dự án Luật khoáng sản (sửa đổi). Song nghiên cứu tôi thấy còn một số điều băn khoăn, tôi xin được mạnh dạn phát biểu góp ý như sau.

Thứ nhất, tại Điều 6, về nguyên tắc hoạt động khoáng sản. Điều này gồm 4 khoản, tôi cơ bản nhất trí với khoản 2, 3, 4 chỉ có Khoản 1 nêu lên rằng: hoạt động khoáng sản phải phù hợp với chiến lược qui hoạch, được Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm gắn với bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, tài nguyên khác và di tích lịch sử văn hóa, bảo đảm quốc phòng an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Việc quy định, khai thác khoáng sản bảo đảm gắn với bảo vệ môi trường cảnh quan thiên nhiên, tài nguyên khác, tôi thấy việc này là chưa đủ rõ.

Thưa Quốc hội, như chúng ta đã biết, thứ nhất, tài nguyên khoáng sản, tài nguyên rừng và nước là ba loại tài nguyên cùng tồn tại và chúng gắn bó chặt chẽ với nhau. Trong tự nhiên khoáng sản thường phân bố ở vùng rừng núi và các khu vực không có nước, cây rừng không thể lớn được. Trong khi đó rừng giúp điều hòa dòng chảy và ngăn lũ cho các dòng sông, dòng suối, rừng góp phần điều hòa khí hậu nhờ chu trình hấp thụ khí các bon và từ đó giúp ổn định nguồn nước cho lưu vực. Chính vì có sự gắn bó chặt chẽ như vậy, nên việc khai thác một trong các nguồn tài nguyên kể trên đều có thể dẫn đến hủy hoại các loại tài nguyên khác.

Do vậy nguyên tắc hoạt động khoáng sản phải đạt được yêu cầu là khai thác khoáng sản phải bảo đảm không làm ô nhiễm nguồn nước và hủy hoại tài nguyên rừng.

Thứ hai, hiện nay những quy định pháp luật không đủ rõ cộng thêm với năng lực điều hành còn nhiều bất cập, điều này đã tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân, khai thác mỏ và người quản lý diễn giải theo các góc độ riêng của mình, gây ra những khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện. Cho nên, tôi muốn được nói rõ hơn ở đây là hoạt động khai thác khoáng sản không hiệu quả, ô nhiễm nguồn nước và hủy hoại tài nguyên rừng thay cho cụm từ "bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên tài nguyên khác" Như vậy ở Khoản 1 sẽ được sửa lại là: "Hoạt động khoáng sản phải phù hợp với chiến lược quy hoạch đươc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, không gây hậu quả ô nhiễm về nguồn nước và hủy hoại tài nguyên rừng, không ảnh hưởng đến di tích lịch sử văn hóa, bảo đảm quốc phòng an ninh trật tự an toàn xã hội"

Thứ hai, tại Điều 7 về quyền lợi của nhân dân địa phương nơi có tài nguyên khoáng sản được khai thác, thực tế hiện nay trong khai thác khoáng sản có 2 dạng:

Một dạng khai thác được các cấp có thẩm quyền, Nhà nước cấp phép gọi là được cấp phép.

Một dạng được khai thác tự do ở bất cứ mọi nơi, mọi lúc không đươc ai cho phép, loại này do một số người khai thác trộm, có tính chất chuyên nghiệp và có sự tham gia của một bộ phận nhân dân ở địa phương nơi có khoáng sản. Đa số những người dân tham gia này là dân nghèo, vì cuộc sống khó khăn mà họ tham gia vào các lĩnh vực như trên, tập trung nhiều ở những vùng có mỏ cũng như mỏ đã có những tổ chức, cá nhân khác đã khai thác vào những vụ nông nhàn việc đồng áng. Việc này đã gây ra khai thác lộn xộn gây hậu quả nghiêm trọng về ô nhiễm môi trường, tai nạn lao động, chặt phá rừng bừa bãi, gây khó khăn, bất cập trong công tác quản lý, gây bức xúc trong dư luận xã hội và trong nhân dân. Tôi đề nghị luật sửa đổi lần này một mặt quy định chặt chẽ, nâng tầm một bước cao hơn, chấn chỉnh hoạt động khoáng sản đạt hiệu quả, đồng thời ngăn chặn tiến tới chấm dứt các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. Do vậy điều nào quy định chưa đủ rõ về vấn đề nêu trên thì cần phải làm rõ. Ví dụ như tại Khoản 3 điều này cần thêm hai từ "được phép" vào sau cụm từ "tổ chức, cá nhân" để có quy định. Tôi cũng đồng ý với nhiều ý kiến đã phát biểu trước, như ý kiến của đại biểu Hà Xuân Nhin, của đại biểu Triệu Sỹ Lầu, khoản này được sửa là: "các tổ chức, cá nhân được phép khai thác khoáng sản có trách nhiệm hỗ trợ đầu tư nâng cấp, duy tu xây dựng cơ sơ hạ tầng, xây dựng các công trình phúc lợi cho nhân dân địa phương nơi có hoạt động khoáng sản".

Khoản 4 quy định: "Nhà nước có chính sách điều tiết khoản thu từ hoạt động khoáng sản" v.v..., đề nghị Ban soạn thảo thảo luận kỹ với các bộ, các ngành chuyên môn quy định rõ việc điều tiết như thế nào, tỷ lệ bao nhiêu % vào trong luật để tăng tính khả thi và dễ thực hiện.

Khoản 5, Ủy ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm lập dự toán kinh phí thực hiện phương án về đầu tư phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương nơi có tài nguyên khoáng sản được khai thác. Phương án ổn định đời sống và sản xuất cho tổ chức, gia đình, cá nhân nơi có tài nguyên khoáng sản được khai thác phải thay đổi nơi cư trú, sản xuất, kinh phí để thực hiện, được bố trí trong dự toán của ngân sách cấp tỉnh hằng năm. Tôi thấy khoản này không khả thi, bởi vì kinh phí để thực hiện được bố trí trong dự toán ngân sách cấp tỉnh hằng năm sẽ không thực hiện được. Thực tế các địa phương có khoáng sản được khai thác hiện nay đều tập trung nhiều ở các tỉnh miền núi, dân nghèo, đa số là đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống. Nơi đó cở sở hạ tầng kỹ thuật kinh tế yếu kém và còn thiếu thốn đủ thứ. Nếu như hoạt động khai thác khoáng sản đem lại nhiều lợi ích cho họ thì quá tốt. Nhưng thực tiễn diễn ra thì ngược lại. Nơi nào có nhiều khoáng sản đang được khai thác thì nhân dân càng chịu nhiều khó khăn, như đường xá hỏng, đi lại khó khăn, môi trường nước, môi trường sống bị ô nhiễm nghiêm trọng. Đất đai sản xuất bị xâm phạm và ngày càng bị giảm dần. Nguồn thu của các địa phương rất thấp. Do vậy việc đưa kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ trên vào dự toán ngân sách cấp tỉnh là hết sức khó khăn và không khả thi. Cho nên tôi đề nghị Ban soạn thảo cần cân nhắc kỹ theo hướng nguồn kinh phí này cần được đảm bảo và đáp ứng kịp thời để nhân dân địa phương và các tổ chức, cá nhân phối hợp thực hiện, khắc phục các khó khăn, bất cập do hoạt động khai thác khoáng sản gây ra. Tôi đề xuất như sau: Về Điểm 5 "tổ chức, cá nhân được phép khai thác khoáng sản bảo đảm kinh phí cho địa phương đủ để hỗ trợ đầu tư cơ sơ hạ tầng bị xuống cấp, xử lý ô nhiễm môi trường và những rủi ro, khó khăn phát sinh do hoạt động khai thác khoáng sản gây ra".

Ba là Điều 41 về Điều kiện được xem xét cấp giấy phép thăm dò khoáng sản và Điều 54 về Điều kiện được cấp phép khai thác khoáng sản. Tôi đề nghị Ban soạn thảo cần cân nhắc quy định này. Đồng ý rằng việc quy định chặt chẽ về năng lực, công nghệ, vốn, trình độ, nhân lực là nhằm khắc phục hiện tượng cấp phép tràn lan trong thời gian vừa qua và hoạt động của một số doanh nghiệp thiếu năng lực đã gây ra nhiều hậu quả tai hại về môi trường, đất đai và đời sống của người dân. Nhưng với thực trạng của doanh nghiệp của nước ta hoạt động trong lĩnh vực này có quy mô nhỏ và trung bình nên thiếu vốn nhiều. Nếu thực hiện đúng quy định nêu trên thì chỉ có những doanh nghiệp lớn của Nhà nước cũng như các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đáp ứng được yêu cầu trên, do vậy sự thiệt thòi và những khó khăn sẽ rơi vào các doanh nghiệp nhỏ và vừa của địa phương. Tôi xin hết, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan