Góp ý của Đại biểu Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng – Thái Nguyên

Thứ Sáu 15:22 18-06-2010

Kính thưa Quốc hội.

Tôi cơ bản tán thành với dự thảo luật, nhưng xin đề nghị thêm một số điểm như sau:

Một là về khoản điểm chung thì theo chúng tôi thì Luật sửa đổi, bổ sung lần này phải đảm bảo được 4 yêu cầu.

Yêu cầu thứ nhất là phải nâng cao được hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản;

Yêu cầu thứ hai là phải khai thác và sử dụng tài nguyên, khoáng sản tiết kiệm và hiệu quả hơn;

Yêu cầu thứ ba là phải bảo vệ được môi trường tốt hơn;

Yêu cầu thứ tư là trong khi bảo vệ được lợi ích của Nhà nước, của doanh nghiệp, nhưng đồng thời cũng phải bảo vệ được lợi ích của địa phương, nhất là người dân nơi có khoáng sản được khai thác và chế biến.

Thứ hai, từ quan điểm chung như vậy trong xây dựng nội dung của luật lần này cần chú ý quy định rõ ràng trách nhiệm thẩm quyền quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản. Trong dự thảo luật chúng tôi thấy còn quy định quá nhiều Bộ, như Bộ Tài nguyên và môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Công thương và các Bộ, ngành khác trong quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản. Chúng tôi đề nghị chỉ nên giao cho một Bộ, nên chăng là Bộ Tài nguyên và môi trường quản lý từ quy hoạch, thăm dò, khai thác, chế biến. Còn các Bộ khác tham gia thẩm định, phối hợp và chỉ thực hiện quản lý chuyên ngành hẹp như xây dựng hoặc hoạt động doanh nghiệp theo đúng chức năng của ngành.

Đồng thời trong dự thảo luật chúng tôi cũng đề nghị nghiên cứu quy định lại phân cấp giữa các Bộ, ngành Trung ương với địa phương theo hướng tăng một số thẩm quyền trong thẩm định cấp phép, quản lý, thanh tra, xử lý vi phạm cho chính quyền địa phương. Thực hiện nghiêm việc chỉ cấp phép trên cơ sở đấu thầu, thăm dò và đấu giá khai thác. Cũng có ý kiến đề nghị nên bỏ cấp phép, chỉ thực hiện đấu thầu hoặc đấu giá. Nhưng chúng tôi cho rằng sau khi đấu thầu, đấu giá thì vẫn phải có một quyết định hành chính để công nhận hay quyết định trúng thầu hay quyết định cấp phép, nhưng những việc này chỉ thực hiện sau khi và trên cơ sở kết quả đấu thầu và đấu giá.

Thứ ba, việc đảm bảo lợi ích cho người dân ở vùng có khoáng sản. Chúng tôi thấy các đại biểu trước, đặc biệt là đại biểu Triệu Sỹ Lầu cũng đã có đề cập vấn đề này. Qua thực tế chúng tôi thấy đây là vấn đề còn đang chứa đựng những khác biệt, ở một số nơi có thể gọi là xung đột lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp, bởi vì đối với nhiều người dân đã gắn bó bao đời với mảnh rừng, đồi cây, vườn ruộng, đến ngày nào đó người ta phát hiện dưới đó có than, quặng sắt, quặng titan v.v... thì bị thu hồi đất, có thể mất nghề, môi trường sống bị đảo lộn với tiếng ồn, bụi, nặng hơn là lún, sụt nhà cửa, ruộng, vườn, làm mất nguồn nước sinh hoạt và sản xuất. Trong khi đó những người quản lý mỏ có thu nhập khá cao. Điều đó là một trong những nguyên nhân khiến nhiều nơi người dân phản ứng mạnh đối với việc thu hồi đất để mở rộng nguồn mỏ cũ hay khai thác nguồn mỏ mới.

Vì vậy, chúng tôi đề nghị ở Điều 7 không thể quy định theo kiểu kết hợp như vậy, tôi thấy Điều 7 dự thảo có ghi từ "kết hợp", chúng tôi không tán thành. Cần quy định rõ hơn trách nhiệm của tổ chức, cá nhân doanh nghiệp trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, bảo vệ, phục hồi môi trường, trách nhiệm giải quyết việc làm bao gồm cả tuyển dụng lao động và đảm bảo kinh phí chuyển nghề theo hướng việc làm mới cho người dân, phải có thu nhập bằng hoặc cao hơn nghề cũ, cũng giống như quy định về tái định cư tức là nơi ở mới phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở trước.

Thứ tư, việc khắc phục tình trạng lãng phí tài nguyên khoáng sản, tôi tán thành với ý kiến đại biểu Trần Văn Tấn ở Tiền Giang nói về vấn đề này. Những năm qua các cơ quan quản lý nhà nước của chúng ta, nhất là Bộ Tài nguyên và môi trường và nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực theo hướng này, nhưng trên thực tế vẫn còn nhiều nơi để xảy ra tình trạng quản lý kém hiệu quả, khai thác bừa bãi, lãng phí. Vì vậy phải quy định rõ hơn, mạnh hơn về khai thác sử dụng tiết kiệm hiệu quả tài nguyên khoáng sản. Tôi đề nghị phải đưa vấn đề này trở thành một nguyên tắc, chứ không chỉ nói qua qua trong quy định tại Điều 4 về sở hữu. Theo hướng này tôi đề nghị trong Điều 6 quy định về nguyên tắc hoạt động khoáng sản nên ghi rõ: khai thác khoáng sản phải lấy việc sử dụng tiết kiệm hợp lý tài nguyên khoáng sản, lấy hiệu quả kinh tế xã hội và bảo vệ môi trường làm tiêu chuẩn cơ bản để quyết định đầu tư. Xin cảm ơn.

Các văn bản liên quan