Góp ý của Đại biểu Quốc hội Ly Kiều Vân – Quảng Trị

Thứ Ba 09:26 22-06-2010

Kính thưa Quốc hội,

Liên quan đến việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Quốc hội đã ban hành nhiều dự án luật như Luật an toàn thực phẩm vừa mới được thông qua; Luật cạnh tranh; Luật thương mại, Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa. Tại Bộ luật hình sự, Điều 162 quy định về tội lừa dối khách hàng nhưng thực chất chưa hẳn giúp được người tiêu dùng yên tâm và tin cậy hơn khi mua hàng hóa. Thực trạng hàng nhái, hàng kém chất lượng, các hành vi gian lận trong cân đo, đong, đếm, thông tin về hàng hóa thiếu trung thực, quảng cáo sai sự thật vẫn diễn ra phổ biến. Đặc biệt thời gian qua người dân phải chịu cảnh cắt điện trên diện rộng, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt và hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng quyền lợi của người tiêu dùng vẫn chưa được bảo vệ.

Lần này Quốc hội ban hành Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nhưng tôi rất lo lắng không biết khi luật này có hiệu lực thi hành thì quyền lợi người tiêu dùng có thực sự được bảo vệ hay không. Do vậy, việc ban hành dự án luật này Ban soạn thảo cần nghiên cứu quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, trách nhiệm của nhà nước bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong một số lĩnh vực đặc thù. Đồng thời cần quy định các chế tài xử lý mạnh hơn để người tiêu dùng thực sự yên tâm hơn khi mua hàng hóa và tham gia các giao dịch trong lĩnh vực hàng hóa.

Về những vấn đề cụ thể:

Tại Điều 5, dự thảo luật quy định quyền của người tiêu dùng. Khoản 6 quy định "người tiêu dùng có quyền được giáo dục các vấn đề, các kiến thức về tiêu dùng hàng hóa". Khoản 8 quy định "người tiêu dùng có quyền được sống trong môi trường sống lành mạnh". Theo tôi quy định như dự thảo không mang tính khả thi bởi vì cơ quan nào có trách nhiệm cung cấp thông tin và giáo dục các kiến thức về tiêu dùng, cho người tiêu dùng, điều này chưa được Ban soạn thảo quy định trong luật. Về môi trường sống lành mạnh, trong sạch là như thế nào cũng chưa được thể hiện rõ nên người tiêu dùng không thể biết được khi có hành vi gây ảnh hưởng xấu đến môi trường của mình để yêu cầu cơ quan có thẩm quyền bảo vệ quyền lợi cho mình.

Tại các Điều 11, 12, 13 thực chất 3 nội dung này đều là hành vi cấm, do vậy theo tôi Ban soạn thảo nên nghiên cứu để thiết kế thành một điều cấm.

Vấn đề thứ ba, tại Điều 52 dự thảo luật quy định miễn tạm ứng án phí, lệ phí đối với vụ án dân sự để bảo về quyền lợi người tiêu dùng. Theo tôi, quy định như dự thảo là chưa hợp lý, dễ dẫn đến khởi kiện tràn lan, khiếu kiện không đúng, khách hàng lợi dụng để gây hại cho người kinh doanh, vì người tiêu dùng có thêm lợi thế đi kiện mà không phải mất gì. Mục đích của việc tạm ứng án phí, lệ phí là nhằm đề cao trách nhiệm của người đi kiện. Nếu kiện đúng thì được Nhà nước bảo vệ, nếu không thì phải chịu án phí. Hơn nữa, nếu quy định như dự thảo luật sẽ trái với quy định của Bộ luật dân sự do vậy Ban soạn thảo nên xem xét quy định cho phù hợp.

Thứ tư, tại Chương VII dự thảo luật quy định quản lý Nhà nước về quyền lợi người tiêu dùng. Theo tôi quy định như dự thảo luật còn mang tính chung chung, chưa thể hiện hết vai trò, trách nhiệm của từng cơ quan Nhà nước trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Do vậy chương này cần quy định rõ hơn và cụ thể hơn trách nhiệm của từng cơ quan trong hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, việc phân công, phân cấp cho Ủy ban nhân dân các cấp cần được quy định cụ thể hơn.

Thứ năm, về tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được quy định tại Chương V của dự thảo luật. Tôi đồng tình phải thành lập tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tuy nhiên Ban soạn thảo cũng cần phải quy định rõ hơn về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của tổ chức này. Đồng thời cần xác định rõ địa vị pháp lý của tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như cơ cấu tổ chức, cơ chế tham gia, điều lệ hoạt động và mô hình, cách thức thành lập của tổ chức này để không làm phát sinh bộ máy ngân sách, nhưng vẫn nâng cao được vai trò của tổ chức này, đảm bảo tương xứng với mục đích thực hiện vai trò, quyền của người đại diện.

Thứ sáu, về phạm vi giải quyết khiếu nại tại cơ quan hành chính được quy định tại Điều 43. Dự thảo luật quy định người tiêu dùng có quyền yêu cầu cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền tại địa phương giải quyết khiếu nại. Theo tôi quy định như dự thảo còn mang tính chung chung, cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền tại địa phương có phạm vi rất rộng, có nhiều cấp khác nhau. dự thảo luật quy định giao dịch có giá trị đến 10 triệu đồng, nếu vấn đề này được giao cho cơ quan quản lý tại địa phương, thực chất ở cấp xã thì rất khó thực hiện. Các giao dịch xảy ra trong xã hội rất đa dạng, phát sinh trên nhiều lĩnh vực, do vậy để đảm bảo tính khả thi cao của luật, theo tôi cần có văn bản hướng dẫn dưới luật nên quy định chi tiết vấn đề này để điều luật khả thi hơn. Trên đây là ý kiến của tôi xin đóng góp vào dự án luật. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan