Góp ý của Đại biểu Quốc hội Trần Văn Tấn – Tiền Giang

Thứ Ba 09:28 22-06-2010

Kính thưa Quốc hội,

Về dự án Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tôi quan tâm 5 vấn đề như sau:

Một, về vị trí Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Theo tôi Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là đạo luật có tính chất quy định chung về biện pháp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong mối tương quan với các luật điều chỉnh từng loại thị trường, từng lĩnh vực kinh doanh nhất định. Vì để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng không chỉ có Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà còn được quy định bởi nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác như Bộ luật dân sự, Bộ luật hình sự, Luật khiếu nại, tố cáo, Luật thương mại, Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật các tổ chức tín dụng, Luật kinh doanh bảo hiểm, Luật du lịch, Luật điện lực và nhiều luật chuyên ngành khác. Nhưng theo tôi Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng phải trở thành trung tâm, nền tảng cơ bản nhất của việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và luật này phải liên kết được với các văn bản pháp luật có liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Vì vậy, tôi đề nghị cần bổ sung một điều áp dụng pháp luật nhằm quy định rõ trường hợp nào áp dụng luật chuyên ngành còn trường hợp nào thì áp dụng Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để dễ áp dụng khi luật được Quốc hội thông qua.

Hai, về trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, trách nhiệm của nhà nước trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tôi nhận thấy dự án luật tập trung quy định nghĩa vụ, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh mà chưa đề cập cụ thể đến trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước. Vì trong thực tế có rất nhiều vụ việc cần phải có vai trò trách nhiệm của Nhà nước như làm sao người tiêu dùng biết được nước tương có chứa chất gây ung thư, hay phân biệt được hàng thật và hàng giả khi thấy chúng y hệt như nhau, hoặc người mua xăng làm sao biết được xăng có chứa chất Aseton, rồi đánh giá sữa, hay giá thuốc người tiêu dùng khó biết là cao hay thấp để khiếu nại.

Bên cạnh hoạt động quảng cáo ở nước ta, chúng ta thiếu hoạt động kiểm soát các sản phẩm quảng cáo thật phong phú, sản phẩm nào cũng nhận là siêu rẻ, là tốt nhất, vậy ai bảo vệ người tiêu dùng, đó chính là các cơ quan chức năng của Nhà nước, các cơ quan này có cán bộ công chức có trình độ, có phương tiện và có nguồn tài chính để giúp người tiêu dùng toàn xã hội. Cơ quan quản lý Nhà nước phải có trách nhiệm công bố thông tin cho người tiêu dùng, nhất là những thông tin về kết quả kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh để mọi người tiêu dùng tự phòng, tránh hoặc đi đến quyết định tiêu dùng. Theo tôi, cần phải tính cả phương cách phòng bệnh chứ không chỉ đơn thuần là chữa bệnh. Vì vậy, tôi đề nghị dự án Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần quy định cụ thể hơn, trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ công thương của các Bộ, cơ quan ngang Bộ của Ủy ban nhân dân các cấp trong việc bảo vệ lợi ích chung của người tiêu dùng. Cần quy định những chế tài cụ thể với các hành vi, vi phạm có tổ chức gây hại cho nhiều người, thậm chí cần thiết phải truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng.

Theo tôi khi nào xác định những hành vi xâm phạm nghiêm trọng đến quyền lợi người tiêu dùng là tội ác thì quyền lợi của người tiêu dùng mới được bảo vệ và khi đó mới hy vọng doanh nghiệp hoạt động vì người tiêu dùng.

Ba, về trách nhiệm nghĩa vụ của các cá nhân hoạt động thương mại độc lập thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh được quy định tại Điều 9, tại Khoản 2 quy định: Ủy ban nhân dân cấp xã, Ban quản lý các chợ khu thương mại có trách nhiệm thực hiện các biện pháp cần thiết nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng khi mua sử dụng hàng hóa, dịch vụ của các cá nhân hoạt động thương mại độc lập thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh. Tôi đề nghị dự án luật cần quy định cụ thể biện pháp cần thiết đó là các biện pháp nào để bảo vệ, vì hiện nay các cá nhân hoạt động thương mại độc lập, không phải đăng ký kinh doanh rất nhiều cho nên cần phải có biện pháp cụ thể để bảo vệ người tiêu dùng khi mua, sử dụng dịch vụ hàng hóa của các cá nhân này.

Ý kiến thứ tư, về Tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được quy định tại Điều 26. Tôi đồng ý tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là tổ chức xã hội được thành lập để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng. Nhưng tại Khoản 2 quy định: Tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật là còn quá chung, trong khi chưa có Luật về hội. Tôi đề nghị dự án luật cần bổ sung quy định nguyên tắc hoạt động của Tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là nhằm mục đích hỗ trợ, đại diện cho người tiêu dùng và không vì mục đích lợi nhuận. Thủ tục thành lập, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy đăng ký cho Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để quyền lập hội được thực hiện trên thực tế.

Ý kiến thứ năm, về quyền của Tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được quy định tại Điều 27. Tại Khoản 2 quy định: đại diện cho người tiêu dùng tiến hành khiếu nại khởi kiện theo quy định của pháp luật. Tại Khoản 3 quy định: tố cáo tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền về các hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân kinh doanh. Nhưng tại Chương VI, Mục 4 chỉ quy định giải quyết khiếu nại bằng biện pháp hành chính đối với người tiêu dùng còn việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của Tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và tố cáo của người tiêu dùng chưa được quy định cụ thể trong dự án luật. Vì vậy tôi đề nghị bổ sung quy định việc giải quyết khiếu nại của tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vào các điều từ Điều 43 đến Điều 49 và bổ sung quy định việc giải quyết tố cáo của người tiêu dùng còn tố cáo của Tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì thực hiện theo cơ chế nào cũng phải quy định rõ vì Luật khiếu nại, tố cáo không quy định tố cáo của tổ chức.

Đồng thời tôi đề nghị bổ sung thời hiệu khiếu nại của người tiêu dùng với nội dung như sau, trừ trường hợp pháp luật liên quan có quy định khác, thời hiệu khiếu nại của người tiêu dùng là 6 tháng, kể từ ngày người tiêu dùng thông báo cho tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị tổ chức, cá nhân đó vi phạm. Tôi xin hết ý kiến, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan