Góp ý của Đại biểu Quốc hội Chu Sơn Hà – Hà Nội

Thứ Ba 09:25 22-06-2010

Kính thưa Quốc hội,

Sự ra đời của dự thảo Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là hết sức cần thiết, sau tuyên ngôn Pháp lệnh bảo vệ người tiêu dùng năm 1999, hiện nay Pháp lệnh này không còn tác dụng đối với diễn biến thực trạng cuộc sống và sau nhiều năm, nhiều luật chuyên ngành đã được Quốc hội thông qua đòi hỏi nâng Pháp lệnh bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng lên thành Luật, tôi hoàn toàn đồng ý với sự cần thiết đó. Sau đây, tôi xin tham gia một số vấn đề cụ thể như sau:

Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa đã được Quốc hội thông qua năm 2007 và có hiệu lực từ đầu năm 2008 tại Khoản 1, Điều 3 về giải thích từ ngữ có nói sản phẩm là kết quả quá trình sản xuất hoặc cung ứng dịch vụ nhằm mục đích kinh doanh hoặc tiêu dùng, Khoản 2 cũng điều này nói hàng hóa là sản phẩm đưa vào thị trường tiêu dùng thông qua trao đổi mua bán và tiếp thị. Tôi muốn dẫn 2 khoản trong Điều 3 về giải thích từ ngữ ở Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa để từ đó đặt vấn đề với Điều 1 phạm vi điều chỉnh trong dự thảo luật, khi phạm vi điều chỉnh luật này quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng, cơ chế giải quyết tranh chấp của người tiêu dùng, tổ chức bảo vệ người tiêu dùng và quản lý Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Chúng tôi thấy nếu quy định như thế này, căn cứ vào Điều 3 cũng là điều giải thích của dự án luật này dùng đến khái niệm dịch vụ. Do đó tất cả những dịch vụ phục vụ cho đời sống sinh hoạt của tổ chức, cá nhân trên thị trường tiêu dùng đều được đưa vào điều chỉnh tại dự án luật này.

Tại Điều 1 tôi nghĩ Ban soạn thảo cần quy định rõ hơn, đầy đủ hơn phạm vi điều chỉnh, trong Điều 1 cũng có đoạn ghi: "Cơ chế giải quyết tranh chấp của người tiêu dùng" có thể hiểu cơ chế giải quyết tranh chấp là phương pháp giải quyết tranh chấp của người tiêu dùng để sử dụng giải quyết tranh chấp của 2 chủ thể khác. Trong này ý đồ của cơ quan soạn thảo muốn soạn thảo cơ chế giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng với tổ chức, cá nhân kinh doanh, nhưng viết như thế này là không đầy đủ, chúng tôi xin đề nghị điều đầu tiên là nghiên cứu để làm sao hoàn chỉnh phạm vi điều chỉnh tốt hơn, từ phạm vi điều chỉnh dẫn đến bố cục cơ cấu các điều luật, các chương luật phù hợp với quy định của Luật ban hành văn bản năm 2008.

Điều thứ hai là luật này liên quan rất nhiều đến các bộ luật và các luật khác như Bộ luật dân sự, Luật hành chính, Luật thương mại, Luật kinh tế, Luật trọng tài thương mại v.v... Chúng tôi đề nghị rà soát lại tất cả các quy phạm đã được quy định trong các dự án luật trên đã có hiệu lực pháp luật để từ đó không nhắc lại mà chỉ cần dẫn chiếu các điều luật đó, ngoài ra những vấn đề cần nêu lên trong dự án luật này khác với các luật trên thì mới quy định trong dự án luật này.

Thứ ba, về những vấn đề cụ thể chúng tôi nghĩ tại Chương V của dự án luật với tên là "tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng", tôi nghĩ trong Chương V phải ghi đầy đủ, trước hết phải xác định vị trí, địa vị pháp lý của tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, sau đó xác định nguyên tắc, tổ chức thành lập, nguyên tắc hoạt động của tổ chức bảo vệ người tiêu dùng. Như vậy mới đủ về quy định đối với hoạt động của một tổ chức.

Thứ hai, trong nội dung cụ thể chúng tôi cho rằng tại Chương VI quy định giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức cá nhân kinh doanh. Điều 31, Khoản 1 là bằng các hình thức thương lượng, hòa giải trọng tài, tòa án và các phương thức khác theo quy định của pháp luật. Như vậy hiện nay chúng ta mới có 4 phương pháp để giải quyết tranh chấp nhưng có một câu quét tức là "các phương thức khác theo quy định của pháp luật", nếu có các phương thức khác tôi xin đề nghị liệt kê vào trong văn bản luật này nếu không thì chúng ta không dừng ở đó mà thôi.

Khoản 2, Điều 31 nói về người tiêu dùng có quyền tự lựa chọn, xin báo cáo các vị đại biểu, chúng tôi xin đề nghị chỉ dẫn chiếu tất cả các phương thức giải quyết và nêu lên vai trò tác dụng của tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong mỗi phương thức đó mà thôi, không dẫn đầy đủ các điều luật đã ghi trong các văn bản luật về thủ tục giải quyết các tranh chấp trong Luật dân sự, trong Luật trọng tài thương mại mà chúng ta mới thông qua và trong các văn bản khác có nêu về cơ chế giải quyết tranh chấp.

Chương III quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch với tổ chức và cá nhân kinh doanh. Ở Điều 17 quy định về hợp đồng theo mẫu, chúng tôi nghĩ một loạt các hợp đồng mẫu đã được quy định trong Bộ luật dân sự, trong quy định tiến hành các bước tố tụng của các dự án luật khác cho nên theo chúng tôi hợp đồng mẫu là không cần thiết. Và trong quá trình thực hiện hợp đồng chỉ cần ghi những nội dung để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng một cách chính đáng. Tôi lấy ví dụ trong hợp đồng mua bán thuốc chữa bệnh, trong Bộ luật dân sự đã có mẫu về hợp đồng mua bán, chúng ta chỉ thêm điều kiện là khi mua thuốc tân dược thì phải có đơn chỉ định của bác sỹ, ví dụ như vậy để nói rằng trong tất cả các hợp đồng vấn đề gì cần đặt yêu cầu thêm thì chúng ta đưa vào, còn lại là như các mẫu hợp đồng được ghi trong Bộ luật dân sự.

Đó là một số ý kiến của tôi, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan