Góp ý của đại biểu Quốc hội Nguyễn Viết Lểnh – Bình Định

Thứ Sáu 10:27 06-11-2009


Kính thưa Quốc hội.

Chúng tôi cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, ngân sách chúng tôi cũng xin đề nghị cố gắng chúng ta ban hành luật này trong một kỳ họp bởi vậy chúng tôi xin góp ý một số nội dung cụ thể.

Thứ nhất, về tên luật chúng tôi thấy rằng nếu như vẫn giữ đối tượng điều chỉnh như hiện nay thì nên lấy tên luật là dự án Luật về thuế tài nguyên thiên nhiên còn nếu như giữ nguyên tên luật như hiện nay chúng tôi xin phép được bổ sung thêm về đối tượng chịu thuế. Về đối tượng chịu thuế như một số đồng chí đã phát biểu thì chúng tôi đề nghị bổ sung thêm đối tượng văn hóa phi vật thể và cảnh quan thiên nhiên vào đối tượng. Tại sao chúng tôi đề nghị như vậy: Vì trước đây khi làm Luật di sản văn hóa chúng tôi đã được nhiều ý kiến cho rằng chúng ta đã lãng phí một nguồn tài nguyên rất lớn đó là di sản văn hóa phi vật thể, nhiều đoàn nước ngoài người ta đến quay cuốn phim về phong tục tập quán, về nếp sống sinh hoạt, về cảnh quan thiên nhiên của chúng ta.

Thứ nhất, người ta chỉ cần xin phép và người ta không phải nộp bất cứ một khoản gì, nếu chúng ta đưa vào trong luật này thì chúng ta khẳng định đây là tài sản quốc gia, tài nguyên cần phải được coi trọng và cần phải có nguồn thu cho quốc gia. Đặc biệt là văn hóa dân gian, chúng tôi khi làm về văn hóa thì nhiều ý kiến cho rằng quyền về sở hữu trí tuệ cũng như quyền tác giả thì có những tài sản văn hóa dân gian mà người ta phải khẳng định rõ ràng đấy là di sản văn hóa mà phải là chủ sở hữu, phải là Nhà nước, Nhà nước là chủ sở hữu thì phải có quyền cho phép và có quyền thu thuế khi mà khai thác tài sản đó. Bởi vậy cho nên Điều 2 chúng tôi đề nghị bổ sung thêm sản phẩm văn hóa được làm ra bằng khai thác không gian văn hóa, văn học dân gian, cảnh quan thiên nhiên. Với đối tượng chịu thuế chúng tôi xin đề nghị bổ sung thêm như vậy và khung thuế suất chỉ cần 1-2% nhưng mà chúng ta đưa vào luật để chúng ta khẳng định coi đây là tài sản.

Thứ hai, về giải thích từ ngữ ở Điều 4 nhiều ý kiến đã phát biểu rồi, chúng tôi không phát biểu, nhưng chúng tôi biểu hiện quan điểm là nếu như chỉ có giải thích hai cụm từ như vậy thì nên bỏ điều này, nếu như chúng ta vẫn cần phải giải thích từ ngữ thì chúng tôi thấy:

Thứ nhất, về bổ sung thêm một câu mở đầu: "trong luật này những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau", thì các luật khác đều quy định như vậy.

Thứ hai, đề nghị cân nhắc 16 cụm từ hay nội dung các thuật ngữ mà qua bảng tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ thì đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc 16 nội dung này, các cụm từ này nếu mà những từ nào cần giải thích thì chúng ta bổ sung vào Điều 4 này để giải thích cho nó đầy đủ.

Thứ ba, về miễn, giảm thuế ở Điều 10, chúng tôi nhất trí với nhiều ý kiến theo quan điểm chúng tôi nên bỏ Khoản 2 điều này, tức là chúng ta không đưa hải sản vào đối tượng chịu thuế. Bởi vì hiện nay thứ nhất là trong Khoản 2 này quy định nó không rõ về vùng xa bờ là như thế nào, trong khi chúng ta lại đang khuyến khích ngư dân khai thác hải sản ở những vùng lãnh hải, vùng quyền kinh tế mà đây cũng là góp phần bảo đảm an ninh quốc gia nữa. Vả lại trong điều kiện hội nhập hiện nay thì chúng ta quy định trong điều luật là khuyến khích khai thác hải sản xa bờ thì cũng dễ bị các nước láng giềng cho rằng chúng ta khuyến khích ngư dân đi khai thác tài nguyên của đất nước họ. Khoản 6, Điều 10 chúng tôi cũng nhất trí là nên giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc miễn thuế theo đề nghị của Chính phủ, tức là khi Chính phủ đề nghị thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cơ quan quyết định việc miễn thuế. Trên đây là một số ý kiến chúng tôi xin góp ý cụ thể vào luật. Xin hết, xin cám ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan