Góp ý của Đại biểu Quốc hội Triệu Sỹ Lầu – Cao Bằng

Thứ Năm 15:49 05-11-2009

Kính thưa Quốc hội,

Tôi thấy nhân dân và nhiều đại biểu rất xót xa về vấn đề tài nguyên khoáng sản, đặc biệt là khoáng sản quý hiếm khai thác một cách ồ ạt xuất ra nước ngoài. Trong khi đó ngân sách nhà nước thu được ít. Đợt này có Luật thuế tài nguyên khoáng sản chúng tôi rất đồng tình ủng hộ và sẽ phần nào hạn chế được thất thoát tài nguyên. Tôi xin có một số ý kiến tham gia như sau:

Một, về đối tượng chịu thuế, theo tôi không cần giao cho Chính phủ hướng dẫn Điều 2 với lý do như sau:

Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật tại Khoản 2 Điều 8 ghi rõ: "Văn bản quy định chi tiết phải quy định cụ thể không lặp lại quy định của văn bản được quy định chi tiết vả phải được ban hành để có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của văn bản hoặc điều, khoản, điểm được quy định chi tiết".

Thứ hai, Điều 2 dự thảo luật có 8 khoản, Điều 2 nghị định hướng dẫn có 9 khoản ở đây hầu như lặp lại toàn bộ Điều 2 trong dự luật, có thể một số phần ví dụ dầu thô, khí thiên nhiên, khí than v.v... nhưng cũng không đáng kể. Vì vậy, theo tôi xây dựng Điều 2 trong dự luật theo hướng gộp chung các hướng dẫn tại Điều 2 dự thảo nghị định để sau khi luật có hiệu lực sẽ áp dụng được ngay mà không vi phạm Khoản 2, Điều 8 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Tương tự như vậy không cần có Điều 4 tại nghị định hướng dẫn, Điều 5 của dự án luật nếu chỉ nêu y như Điều 5. Về Điều 5 dự án luật tôi có mấy ý kiến như sau.

Căn cứ tính thuế tài nguyên là sản lượng tài nguyên thực tế khai thác, giá tính thuế và thuế suất. Điều 5 dự án luật cần phải làm rõ thêm bởi vì trên thực tế để xác định được sản lượng thực tế khai thác là rất khó khăn. Việc cấp phép khai thác trong đó kèm theo rất nhiều khoáng sản quý khác, tài nguyên có nhiều chất khác nhau như quặng thiếc gồm cả vàng, Vonphram, titan. Các cá nhân, tổ chức khai thác thì khác nhau và thường họ không kê khai đúng thực tế sản lượng đang khai thác.

Trong khi đó các cơ quan liên quan đến quản lý tài nguyên lại không có quy định ràng buộc thống nhất quản lý như Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ cấp phép mà không quản lý và không nắm sản lượng khai thác. Sở Công thương nắm sản lượng để tiêu thụ, nhưng cũng viết chung chung và không có quy định nào ràng buộc pháp lý do vậy cũng không nắm được sản lượng thực tế khai thác. Cơ quan thuế quản lý theo kê khai và dẫn đến việc nắm sản lượng khai thác cũng không đúng thực tế, gây thất thoát ngân sách rất lớn cho Nhà nước. Vì vậy, Điều 5 theo dự án luật cần bổ sung thêm về trách nhiệm của các cơ quan quản lý hoặc giao Chính phủ quy định rõ trách nhiệm cụ thể để theo nó tạo ra cơ chế quản lý chặt chẽ có chế tài đủ mạnh góp phần hạn chế tình trạng như hiện nay không quản lý được tài nguyên mà thất thoát ngân sách rất lớn.

Thứ ba, về thuế suất ở Điều 8.

Một, về thẩm quyền quy định thuế suất cụ thể trong khung thuế suất. Tôi nhất trí cao với nhiều ý kiến đại biểu đã phát biểu ở thảo luận tổ là giao cho Quốc hội quyết định thuế suất cụ thể trong khung thuế suất là hoàn toàn hợp lý và đúng pháp luật, vì trong Hiến pháp sửa đổi năm 2001 và Luật tổ chức Quốc hội cũng đã quy định Quốc hội có thẩm quyền quyết định chính sách thuế trong đó quyết định mức thuế cụ thể với từng tổ chức, cá nhân, từng loại khoáng sản v.v...

Hai, về khung thuế suất, trong dự thảo có nhiều nhóm, loại tài nguyên đã quy định biểu thuế suất. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu thu hẹp khung thuế suất cho từng loại khoáng sản cho hợp lý hơn, đặc biệt là tài nguyên khoáng sản không tái tạo được. Trong dự thảo luật quy định quặng sắt, mangan, titan là từ 5 - 20%, vàng từ 6 - 25%. Tại Nghị định số 05 ngày 19/01/2009 đã quy định sắt, mangan, titan là từ 7 - 20%, vàng là từ 9 - 25%, nay Nghị định đang phát huy hiệu quả tốt. Tôi đề nghị dự thảo luật quy định mấy loại khoáng sản quý hiếm này như Nghị định 05 là hợp lý và một số vấn đề cụ thể khác.

Tại Điều 8 trong biểu thuế tài nguyên thì ở Mục 5: sản lượng rừng tự nhiên nên bỏ "cành, ngọn là Khoản 5, củi Khoản 6", vì hiện nay việc giao đất, giao rừng nói chung đã cơ bản hoàn thành. Việc tỉa cành, ngọn làm củi đun ở một số nơi, ở nơi được khai thác hoặc ngay cả diện tích mà họ được giao thì cũng là biện pháp khuyến khích cho họ tích cực chăm sóc và bảo vệ rừng. Hơn nữa ở vùng đó là tập quán hiện nay cũng đang đun củi mà hầu hết là những người nghèo, nếu ta quy định như vậy cũng không hợp lý, cho nên bỏ "cành, ngọn, củi" thì hợp lý hơn.

Tại Mục VIII, Khoản 2 cũng đề nghị Ban soạn thảo làm rõ hơn về tài nguyên, thiên nhiên khác là gì?

Trên đây là một vài ý kiến của tôi, xin hết, xin cảm ơn Quốc hội.

 

Các văn bản liên quan