Góp ý của đại biểu Quốc hội Lê Văn Cuông – Thanh Hoá

Thứ Tư 10:51 28-10-2009

Kính thưa Quốc hội.

Về cơ bản tôi nhất trí với Báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như ý kiến của hai đại biểu phát biểu trước tôi về việc cần thiết phải cụ thể hóa cơ quan quản lý chuyên ngành về tần số vô tuyến điện và thanh tra chuyên ngành về tần số vô tuyến điện trong dự thảo luật. Tôi thấy trong dự thảo luật cần bổ sung một điều về Ủy ban tần số vô tuyến điện mà trước đây dự thảo có đề cập nhưng Ủy ban Thường vụ Quốc hội qua giải trình thấy rằng không cần thiết nhưng tôi thấy rất cần thiết với 5 lý do sau:

Thứ nhất, Ủy ban Tần số vô tuyến điện là Ủy ban có chuyên môn đặc biệt và hoạt động liên tục chứ không giống như một số Ủy ban khác do Thủ tướng thành lập như Ủy ban thẩm định nhà nước, Ủy ban nghiệm thu nhà nước sau khi xong công việc thì giải thể. Ủy ban này hoạt động liên tục và chuyên môn cao, hoạt động tần số thì còn duy trì Ủy ban này, tính phối hợp của Ủy ban này cũng rất cao nhất là về an ninh quốc phòng. Tôi thấy Ủy ban này khác với các Ủy ban khác ở chỗ có tính chuyên môn cao, hoạt động liên tục và được thực tế mấy chục năm qua kiểm nghiệm và hoạt động có hiệu quả.

Thứ hai, Ủy ban Tần số vô tuyến điện được quy định trong dự thảo luật không tăng tổ chức, không tăng biên chế bởi vì Ủy ban này hoạt động kiêm nhiệm nên không ảnh hưởng gì đến ngân sách nhà nước.

Thứ ba, lâu nay chúng ta thường hay phê phán về luật khung, nhiều điều còn giao cho Chính phủ, Thủ tướng, bộ quy định. Nhưng với Ủy ban tần số vô tuyến điện hoạt động lâu nay theo quy định của pháp luật, được hình thành ổn định, có hiệu quả trên thực tế nên phải được khẳng định ngay trong luật, không nên giao cho Thủ tướng Chính phủ quy định.

Thứ tư, quy định Ủy ban tần số vô tuyến điện trong luật đã làm tăng thêm tính pháp lý cao hơn nên trong tổ chức thực hiện sẽ tăng tính điều hòa phối hợp và tinh thần trách nhiệm của các thành viên có liên quan, qua đó sẽ tăng hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Tôi thấy nếu như quy định trong luật thì các thành viên trong Ủy ban này phải hoạt động có trách nhiệm cao hơn và có sự phối hợp hơn, không thể như quy định của Thủ tướng hay của Bộ.

Thứ năm, nó cũng phù hợp với Báo cáo của Đoàn thư ký tổng hợp ý kiến thảo luận của các đoàn đại biểu Quốc hội nêu rằng đa số ý kiến nhất trí sự cần thiết phải có cơ quan này và nên quy định trong luật.

Từ 5 cơ sở đó tôi đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét nên quy định thêm một điều về Ủy ban tần số vô tuyến điện vào dự thảo luật để dễ cho các cơ quan chuyên môn hoạt động và cũng tăng tính pháp lý của dự thảo. Xin trân trọng cảm ơn.

Các văn bản liên quan