Góp ý của đại biểu Quốc hội Dương Kim Anh – Trà Vinh

Thứ Tư 10:50 28-10-2009

Kính thưa Quốc hội,

Về dự thảo Luật tần số vô tuyến điện, tôi cơ bản nhất trí với Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên có những nội dung sửa lần này tôi chưa thật sự đồng tình, xin đóng góp để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét.

Thứ nhất, về cơ quan quản lý chuyên ngành tần số vô tuyến điện. Qua đóng góp ý kiến của nhiều đại biểu ở Kỳ họp thứ 5, thấy rằng đối với lĩnh vực tần số vô tuyến điện cần phải có một điều riêng quy định về cơ quan quản lý chuyên ngành, đồng thời để cơ quan này có vị trí pháp lý đủ mạnh để hoạt động thì cần phải quy định rõ về vai trò và trách nhiệm quản lý chuyên ngành của cơ quan đó. Trong bản dự thảo lần này tôi thống nhất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quy định một điều riêng về cơ quan quản lý chuyên ngành tần số vô tuyến điện vì đây là một lĩnh vực chuyên ngành sâu, góp phần quan trọng đến mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng và bảo vệ chủ quyền quốc gia. Do đó cần thiết phải có một cơ quan quản lý chuyên ngành để giúp Bộ trưởng thực hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước về tần số vô tuyến điện.

Tuy nhiên, thay vì trách nhiệm của Bộ Thông tin và truyền thông trong việc quản lý tần số vô tuyến điện như dự thảo, theo tôi nên quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan quản lý chuyên ngành ngay trong luật này thì tốt hơn. Bởi vì hiện nay chúng ta đang có xu hướng giảm dần đầu mối các Bộ, một Bộ sẽ quản lý nhiều ngành, nhiều lĩnh vực hơn và cơ cấu tổ chức của Bộ cũng có thể thay đổi tùy theo yêu cầu nhiệm vụ của từng thời kỳ, nhưng các cơ quan thực thi hành chính với Bộ thì vẫn cần thiết phải tồn tại ổn định để hoạt động. Nên theo tôi trong dư thảo luật đã có một điều quy định về cơ quan quản lý chuyên ngành về tần số vô tuyến điện, thì cũng nên quy định cụ thể rõ ràng trách nhiệm của cơ quan này để khi luật có hiệu lực thì cũng thuận tiện trong triển khai tổ chức thực hiện, hạn chế việc chờ đợi Thông tư hướng dẫn của Bộ.

Thứ hai, về thanh tra tần số vô tuyến điện, tôi nhận thấy do đặc thù của hoạt động tần số vô tuyến điện là hoạt động kỹ thuật nghiệp vụ, có tính chuyên môn cao, đòi hỏi phải có thanh tra chuyên ngành để phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm về tần số vô tuyến điện. Vấn đề này ở kỳ họp thứ 5 các đại biểu Quốc hội khi đóng góp cũng đã phân tích sâu và trong báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã thống nhất với đa số của đại biểu Quốc hội, nhưng không hiểu vì sao khi thể hiện trong điều luật lại giao cho Thanh tra Bộ Thông tin và truyền thông thực hiện với chức năng Thanh tra chuyên ngành về tần số vô tuyến điện. Tôi thấy quy định như vậy chưa thật sự linh hoạt khi triển khai thực hiện và cũng không có gì khác biệt so với Luật thanh tra hiện hành. Hơn nữa do việc quản lý của Bộ là hiện nay đa ngành, đa lĩnh vực, nếu để Thanh tra Bộ thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành e rằng sẽ quá tải không đủ lực lượng, đặc biệt là lực lượng cán bộ có chuyên môn sâu về lĩnh vực này.

Tôi được biết, Luật thanh tra đang trong quá trình sửa đổi, bổ sung theo xu hướng cho phép thành lập thanh tra chuyên ngành tại một số cơ quan quản lý chuyên ngành có yêu cầu về kỹ thuật nghiệp vụ chuyên môn sâu. Như vậy để linh hoạt và đảm bảo phù hợp với Luật thanh tra hiện hành cũng như Luật thanh tra chuẩn bị sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới, tôi thấy nội dung này chỉ quy định mang tính nguyên tắc cần có thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực tần số vô tuyến điện, còn việc thanh tra thì thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra. Tôi đề nghị quy định lại nội dung của Điều 7 như sau. Điều 7 thanh tra tần số vô tuyến điện.

Thứ nhất, thanh tra về tần số vô tuyến điện là thanh tra chuyên ngành.

Thứ hai, việc thanh tra được thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra,

Thứ ba, Chính phủ quy định cụ thể về tổ chức và hoạt động của thanh tra chuyên ngành về tần số vô tuyến điện. Theo tôi quy định như vậy khi luật ban hành thì vẫn đảm bảo cho thanh tra chuyên ngành có thể triển khai hoạt động có hiệu quả nhưng vẫn phù hợp với các quy định của pháp luật.

Thứ tư, về ngân sách của Nhà nước về tần số vô tuyến điện ở Khoản 5, Điều 4 đề nghị bổ sung và sửa lại như sau: khuyến khích hỗ trợ tổ chức tham gia đăng ký, khai thác vị trí quỹ đạo vệ tinh tuân theo quy định của pháp luật.

Thứ năm, về hợp tác quốc tế trong quản lý sử dụng tần số vô tuyến điện ở Khoản 1, Điều 8 đề nghị bổ sung thêm quy định về nguyên tắc tự nguyện và bảo mật thông tin quốc gia vì đây là những vấn đề hết sức quan trọng và cần thiết. Bên cạnh nguyên tắc tôn trọng độc lập chủ quyền bình đẳng các bên cùng có lợi nhưng cũng phải trên cơ sở hợp tác tự nguyện, không áp đặt và không lợi dụng hợp tác mà thực hiện mục đích khác phương hại đến an ninh quốc gia lẫn nhau. Tôi hết ý kiến, xin cảm ơn Quốc hội.

 

Các văn bản liên quan