Góp ý của đại biểu Quốc hội Phan Xuân Dũng – Thừa Thiên – Huế

Thứ Tư 10:52 28-10-2009

Kính thưa Đoàn chủ tọa,

Kính thưa Quốc hội,

Tôi xin được phát biểu với 3 điểm rất phấn khởi, hai vấn đề tôi còn băn khoăn và một kiến nghị.

Điểm phấn khởi thứ nhất, tôi thấy dưới sự chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban soạn thảo cũng như Ủy ban thẩm tra đã tiếp thu phần lớn các ý kiến của đại biểu Quốc hội. Vì thế tôi nhất trí với các ý kiến trong Báo cáo thẩm tra do đồng chí Đặng Vũ Minh trình bày.

Điểm phấn khởi thứ hai, sau khi nghiên cứu rất kỹ luật này, tôi thấy đây là một trong ít luật mà được quy định rất cụ thể ở phần lớn các điều. Do đó để giao cho Chính phủ ban hành nghị định là không cần nhiều, mà sau khi luật này được ban hành thì có thể áp dụng được ngay vào cuộc sống.

Ý thứ ba là kỳ họp Quốc hội vừa rồi tôi phân tích rất kỹ và đề nghị nên nói rõ và nên được quy định trong luật về quan hệ quốc tế thì lần này tiếp thu các ý kiến trên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan và đã bổ sung thành Điều 8 với 4 khoản khá cụ thể. Nhưng sau đó một số đại biểu Quốc hội vừa rồi phát biểu ngay tại Hội trường này thì tôi cũng rất đồng ý, tức là có một điều quy định cụ thể về quan hệ quốc tế. Như lần trước tôi có phát biểu là đối với quan hệ quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực nhậy cảm công nghệ cao và nó hợp tác rất sâu rộng của lĩnh vực này thì điều này vô cùng quan trọng. Vì như chúng ta đã phóng một quả vệ tinh đầu tiên rất nhiều ý kiến khác nhau nên hay không nên như tôi nói kỳ họp trước, sau đó phóng xong chỉ sau 1- 2 năm là đã thuê xong. Vì hiện nay như tôi biết thì mặc dù rất nhiều ý kiến khác nhau nhưng chúng ta vẫn quyết tâm để chuẩn bị phóng quả vệ tinh thứ hai, tôi vô cùng phấn khởi. Chúng tôi nghĩ rằng với hợp tác quốc tế của lĩnh vực này càng ngày càng phát triển thì càng khẳng định vai trò, chủ quyền, khả năng của dân tộc chúng ta. Đấy là ba vấn đề tôi rất mừng trong luật này.

Băn khoăn thứ nhất, tôi đồng ý với đồng chí Cuông, lĩnh vực tần số vô tuyến điện khi chúng tôi nghiên cứu thì phần lớn các luật của các nước đều quy định về cơ quan Ủy ban tần số vô tuyến điện. Bởi vì tần số vô tuyến điện là lĩnh vực công nghệ cao, nó không chỉ phục vụ kinh tế xã hội mà điều quan trọng nhất đấy chính là nó phối hợp giữa kinh tế với quốc phòng, an ninh. Phải có một cơ quan điều phối như vậy, cơ quan tư vấn như vậy thì rất có lợi cho bảo vệ an ninh quốc gia và nhiều vấn đề mà một bộ, một ngành không thể giải quyết được. Hơn nữa cơ quan này đã tồn tại hơn 20 năm và các Uỷ ban khác thì có thể đề nghị lúc giải thể, lúc có lúc không nhưng cơ quan này chưa hề một lần đề nghị giải thể.

Thứ ba, trong quá trình ý kiến của các Đoàn đại biểu Quốc hội như đồng chí Cuông vừa nêu phần lớn các Đoàn đại biểu Quốc hội đều ủng hộ nên giữ lại cơ quan này. Đấy là băn khoăn thứ nhất. Do đó nếu chúng ta chỗ này không ghi vào thì đề nghị chúng ta giải trình rõ thêm.

Việc thứ hai, cũng như ý kiến của chị Kim Anh, về cơ quan quản lý chuyên ngành về tần số vô tuyến điện lần truớc bản dự thảo vào tháng 5 chúng ta quy định chung vào một điều, sau đó tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội. Do đó Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan thẩm tra cũng như Ban soạn thảo quy định thành một điều riêng rất cụ thể, nó tương tự như cơ quan này ở trong Luật năng lượng nguyên tử hoặc Luật chứng khoán. Với dự thảo này đã được gửi tới tất cả các Đoàn đại biểu Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội đã ủng hộ phương án này.

Lần này trong bản dự thảo mới dưới cùng sự chỉ đạo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thì chúng ta viết gọn hơn và tôi đồng ý với chị Kim Anh là nếu chúng ta đã quy định thì quy định cụ thể hơn, nó cũng đúng như nguyện vọng của các cử tri, đại biểu Quốc hội làm sao giảm bớt tối đa những vấn đề cần phải quy định cho Chính phủ để khi các cơ quan này có điều kiện là hoạt động ngay. Cơ quan này cũng như các nước trên thế giới đều được quy định vào Luật phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.

Từ những suy nghĩ như trên, tôi có một đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng chỉ đạo các cơ quan hữu quan nếu có thể thì mình nên xem lại cách viết như đã gửi cho các Đoàn đại biểu Quốc hội về hai vấn dề này. Xin hết.

Các văn bản liên quan