Góp ý của Đại biểu Quốc hội Hoàng Thị Bình – Cao Bằng

Thứ Ba 09:34 22-06-2010

Kính thưa Đoàn Chủ tọa kỳ họp.

Kính thưa Quốc hội.

Trong những năm gần đây công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã luôn được Đảng, nhà nước và toàn xã hội quan tâm. Tuy vậy cùng với việc phát triển kinh tế xã hội, những vi phạm về quyền lợi người tiêu dùng ngày càng gia tăng và đã trở thành vấn đề dư luận đặc biệt chú ý và ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của nhân dân. Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và đảm bảo sự bình đẳng, công bằng xã hội, việc ban hành Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là rất cần thiết. Tôi xin góp ý dự thảo Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng một số nội dung sau.

Thứ nhất, về phạm vi điều chỉnh. Tôi nhất trí phạm vi điều chỉnh áp dụng đối với hàng hóa và dịch vụ, tuy nhiên dự thảo luật chưa bao quát được các lĩnh vực dịch vụ, sản phẩm dịch vụ ít được đề cập và quy định cụ thể trong luật. Nhất là hiện nay việc sử dụng các dịch vụ phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày của người tiêu dùng như dịch vụ y tế, dịch vụ viễn thông, dịch vụ ngân hàng rất phổ biến trong thực tế. Đã có nhiều người tiêu dùng thiệt thòi khi sử dụng các sản phẩm dịch vụ không đảm bảo chất lượng.

Thứ hai, góp ý về một số điều luật cụ thể về Điều 15 giải thích hợp đồng quy định trong trường hợp có nhiều cách hiểu khác nhau thì áp dụng theo hướng có lợi cho người tiêu dùng cần được cân nhắc. Vì hành vi ký hợp đồng giữa người bán và người mua là giao dịch dân sự và chịu sự điều chỉnh của Bộ luật dân sự nên quy định trường hợp có nhiều cách hiểu khác nhau trong các điều, khoản của hợp đồng thì việc giải thích hợp đồng cần được giao cho một cơ quan trung lập đứng ra giải thích dựa trên các luận cứ về pháp lý, về kỹ thuật, tập quán v v...và điều đó chỉ có thể thực hiện tại tòa án. Nếu quy định như dự thảo thì chỉ cần hai bên không thống nhất về các điều, khoản hợp đồng mà cơ quan giải quyết lập tức suy đoán, giải quyết theo hướng có lợi cho người tiêu dùng thì cũng chưa khách quan và thiếu bình đẳng, thậm chí trái với quy định của Bộ luật dân sự về hợp đồng mua bán và Luật thương mại.

Điều 19, kiểm soát hợp đồng theo mẫu. Việc quy định thương nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho người tiêu dùng có sử dụng hợp đồng theo mẫu phải đăng ký với cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ người tiêu dùng trước khi sử dụng là không cần thiết và về bản chất là làm phát sinh thêm một giấy phép con, trái với tinh thần cải cách hành chính ngày nay. Những bảo đảm cho người tiêu dùng khi tham gia vào loại hình giao dịch này đã được đảm bảo tại Điều 16, điều khoản vô hiệu. Nhân đây, tôi xin được đề nghị sửa Khoản 2, Điều 16 cụm từ "việc xử lý hợp đồng vô hiệu tuân theo các quy định của pháp luật" thành " việc xử lý hợp đồng vô hiệu thực hiện theo quy định của Bộ luật dân sự, Luật thương mại, Luật tố tụng dân sự và các quy định của luật này" cho rõ ràng, cụ thể.

Về Điều 24 và Điều 25 đề nghị Ban soạn thảo quy định lại cho hợp lý. Theo quy định tại Khoản 1, Điều 24: "tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp hàng hóa có khuyết tật do mình cung cấp gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản cho người tiêu dùng, kể cả trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh không biết hoặc không có lỗi trong việc phát sinh khuyết tật".

Trong khi, Điều 25 lại quy định: "các trường hợp tổ chức, các cá nhân kinh doanh được miễn giảm trách nhiệm bồi thường thiệt hại". Theo tôi, việc quy định đầy mâu thuẫn này không những thể hiện sự không thống nhất giữa điều luật mà còn vi phạm nguyên tắc xác định lỗi trong giao dịch dân sự mà giao dịch mua bán không là ngoại lệ.

Tại Điều 31, các phương thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh cụ thể là tại Khoản 1. Tôi nhất trí với ý kiến đại biểu Chu Sơn Hà, nên bỏ quy định tranh chấp phát sinh giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh có thể được giải quyết bằng các phương thức thương lượng, hòa giải, trọng tài, Tòa án và các phương thức khác theo quy định của pháp luật. Hiện nay các phương thức giải quyết tranh chấp chỉ bằng các hình thức hòa giải, giải quyết bằng các hình thức hòa giải, giải quyết bằng con đường hành chính, trọng tài, tòa án, ngoài ra không còn con đường nào khác. Nếu quy định như dự thảo luật thì còn cách giải quyết nào khác theo quy định của pháp luật. Trên thực tế là không có. Đề nghị không nên quy định thương lượng là một hình thức giải quyết tranh chấp. Vì đây thực ra chỉ là một biện pháp tự hòa giải do 2 cá nhân tự tiến hành, không qua trung gian do đó không cần luật hóa hoạt động này. Đề nghị diễn giải lại điều luật này theo hướng có thể giải quyết theo quy định của luật hoặc theo con đường tố tụng tại tòa án.

Cuối cùng, tôi quan tâm tới tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Ngoài việc tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Việc thành lập tổ chức này rất quan trọng, đóng vai trò là con mắt của xã hội để phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng và phối hợp với cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi đó. Hiện nay, hệ thống các tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoạt động còn khó khăn, hiệu quả chưa cao, chưa thực sự là tổ chức đại diện cho người tiêu dùng do khó khăn về nhân lực, về tài chính và hành lang pháp lý hoạt động.

Chương V của dự thảo luật đã xác định địa vị pháp lý của tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là tổ chức xã hội được thành lập để bảo vệ quyền và lợi ích của người tiêu dùng. Nội dung hoạt động rất phong phú như tổ chức hòa giải, khiếu nại, khởi kiện, độc lập kiểm tra, thẩm định hàng hóa v.v. Các nội dung này đều rất cần thiết để bảo vệ người tiêu dùng. Tuy nhiên, tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ rất khó hoạt động có hiệu quả nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước về kinh phí và điều kiện để hoạt động. Luật có quy định tổ chức này được hỗ trợ kinh phí khi các hoạt động gắn với nhiệm vụ của Nhà nước. Tuy nhiên, điều này cũng rất khó khăn đối với các địa phương khi có rất nhiều tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp hiện có rất nhiều hoạt động cần hỗ trợ. Do đó, tôi đề nghị luật cần thiết kế theo hướng phát huy được vai trò của các tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thực hiện các nội dung hoạt động theo quy định của luật. Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ về mặt tài chính và các điều kiện hoạt động cụ thể để tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoạt động có hiệu quả, có cơ chế phối hợp giữa cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Có thể biệt phái cán bộ Nhà nước làm công tác ở các tổ chức này trong giai đoạn đầu để tổ chức hoạt động có hiệu quả. Phát triển tổ chức này rộng khắp để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong cả nước. Tôi xin hết ý kiến, cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan