Góp ý của Đại biểu Quốc hội Hoàng Thị Hương – Lạng Sơn

Thứ Ba 09:35 22-06-2010

Kính thưa Quốc hội.

Trước hết tôi xin bày tỏ sự nhất trí với sự cần thiết của việc nâng lên thành Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên cơ sở tổng kết thực tiễn việc thực hiện Pháp lệnh bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 1999. Đặc biệt trong thời gian gần đây hiện tượng người tiêu dùng bị xâm phạm quyền lợi ngày càng tăng về số lượng qui mô với nhiều hình thức tinh vi. Điều này không những gây nên sự bất ổn trong đời sống xã hội mà còn làm giảm lòng tin của người tiêu dùng đến hàng hóa dịch vụ, trong đó có hàng hóa dịch vụ được sản xuất kinh doanh trong nước nó sẽ tác động xấu đến sự phát triển của sản xuất, phát triển của kinh tế đất nước. Sau đây tôi xin tham gia ý kiến vào một số nội dung cụ thể của dự án luật, kính đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu xem xét.

Thứ nhất, về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng tại Điều 1 và Điều 2. Tôi đề nghị bổ sung tổ chức cá nhân, sản xuất bên cạnh tổ chức, cá nhân kinh doanh đã được quy định trong dự án luật. Bởi vì để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng thì phải điều chỉnh hành vi của tổ chức, cá nhân kinh doanh là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Trong khi đó ngay trong Điều 3, giải thích từ ngữ về hàng hóa có khuyết tật cũng đã làm rõ nó có thể phát sinh ngay từ trong quá trình sản xuất, tức là có trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất. Bên cạnh đó chính tổ chức cá nhân sản xuất là người hiểu rõ nhất, kiểm soát tốt nhất chất lượng của sản phẩm. Vì vậy, mặc dù tổ chức, cá nhân sản xuất có thể chịu sự điều chỉnh ở một số luật khác nhưng vẫn cần được đưa vào điều chỉnh trong dự án luật này nhằm nâng cao hơn nữa hiệu lực pháp lý trong quản lý sản xuất kinh doanh hàng hóa dịch vụ và bảo vệ được quyền lợi của người tiêu dùng.

Thứ hai, về khái niệm người tiêu dùng tôi nhất trí bao gồm cả các cá nhân và tổ chức mua sử dụng hàng hóa dịch vụ, tuy nhiên cần quy định rõ quyền lợi và nghĩa vụ của người đại diện cho tổ chức mua sử dụng hàng hóa dịch vụ mà trong dự án luật tôi thấy chưa được thể hiện rõ. Điều này sẽ gây khó khăn khi người đại diện cho tổ chức phải tham gia vào quá trình giải quyết vụ việc nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và tổ chức khi bị cung cấp hàng hóa, dịch vụ kém chất lượng hoặc không đúng với giá trị. Chưa kể trường hợp người đại diện cho tổ chức có thể có thỏa hiệp ngầm với tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh hàng hóa dịch vụ để hưởng lợi cá nhân mà cố tình mua hàng hóa, dịch vụ kém chất lượng hoặc không đúng giá trị ngoài việc bị xử lý theo những luật khác như Luật dân sự, Luật hình sự thì luật này cũng cần quy định như thế nào để nâng cao trách nhiệm của đối tượng này.

Thứ ba, về thông tin cho người tiêu dùng tại Điều 10, tôi hoàn toàn nhất trí với việc bảo đảm quyền thông tin cho người tiêu dùng, vì đây là điều kiện vô cùng quan trọng để người tiêu dùng có khả năng tự bảo vệ mình. Tuy nhiên ở nước ta còn có một bộ phận người tiêu dùng là đồng bào dân tộc tiểu số, sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn làm thế nào để họ dễ tiếp cận và tiếp cận gần hơn với những thông tin đó. Tôi đề nghị tại Khoản 5, Điều 10 ngoài quy định việc cung cấp thông tin bằng tiếng Việt cho người tiêu dùng như dự án luật, cần bổ sung cung cấp thông tin bằng tiếng dân tộc, nếu dân tộc đó có chữ viết, để nâng cao hiểu biết của đồng bào về hàng hóa thì quyền lợi của họ mới được đảm bảo khi thực hiện giao dịch mua hàng hóa, dịch vụ. Chính phủ có thể quy định một số loại hàng hóa, dịch vụ cần thiết phải dịch sang tiếng dân tộc cho phù hợp điều kiện và bảo vệ được người tiêu dùng là đồng bào dân tộc thiểu số.

Thứ tư, về trách nhiệm, nghĩa vụ của các cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh tại Điều 9. Đối tượng này hiện đang được điều chỉnh theo Nghị định số 39/2007 của Chính phủ, gồm những người buôn bán rong, buôn bán vặt, buôn chuyến, làm dịch vụ như cắt tóc, đánh giầy v.v... Tôi cho rằng những quy định tại Điều 9 như dự án luật là chưa tương xứng với tác động của đối tượng này đến người tiêu dùng. Với điều kiện kinh tế nước ta hiện nay thì ở mọi nơi, đặc biệt là khu vực nông thôn, người tiêu dùng thực hiện giao dịch mua, sử dụng hàng hóa dịch vụ tương đối phổ biến qua đối tượng này. Nếu không có những quy định cụ thể rõ ràng thì sẽ không giải quyết được hiện tượng người tiêu dùng bị xâm hại lợi ích như mua phải hàng hóa quá hạn sử dụng, bị cân, đo, đong, đếm thiếu, mua phải hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng như đã xảy ra thời gian qua.

Tôi đồng tình với đại biểu Tấn tại Khoản 2, Điều 9 đề nghị thay như dự án luật mới chỉ quy định chung chung, Ủy ban nhân dân xã, ban quản lý chợ, khu thương mại có trách nhiệm thực hiện các biện pháp cần thiết thì bằng cách cụ thể hóa rõ ràng các biện pháp cần thiết đó là gì ngay vào trong luật, tại Khoản 3, Điều 9 về việc Chính phủ quy định cụ thể việc quản lý các cá nhân hoạt động thương mại thường xuyên phải đăng ký kinh doanh, tôi đề nghị Chính phủ có nghị định kèm theo dự án luật này để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 để khi luật nếu được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành thì có thể đi vào cuộc sống, đáp ứng được nguyện vọng của người tiêu dùng.

Thứ năm, về Chương III với tiêu đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch với tổ chức, cá nhân kinh doanh thì nội dung của chương theo tôi cần mở rộng hơn nữa, bởi vì theo khái niệm giao dịch trong Bộ luật dân sự thì bao gồm rất nhiều hình thức, kể cả bằng lời nói và bằng văn bản và rất nhiều loại hình đa dạng, đặc biệt trong điều kiện hiện nay còn xuất hiện rất nhiều loại hình giao dịch mới như bán hàng đa cấp, bán hàng từ xa. Tuy nhiên trong Chương III mới chủ yếu đi vào giao dịch thông qua hợp đồng, tôi đề nghị cần mở rộng hơn để đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn cuộc sống. Cuối cùng, tôi xin kính đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu rà soát toàn bộ hệ thống luật để đảm bảo thống nhất với các luật, đặc biệt trong đó có những luật gần đây Quốc hội vừa thông qua như Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật an toàn thực phẩm, Luật trọng tài thương mại để đảm bảo tính thống nhất và tăng tính sát thực để bảo vệ tốt nhất quyền lợi của người tiêu dùng. Tôi xin hết ý kiến.

Các văn bản liên quan