Góp ý của Đại biểu Quốc hội Lý Kim Khánh – Cà Mau

Thứ Ba 09:33 22-06-2010

Kính thưa Quốc hội,

Trước hết tôi thống nhất với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra về sự cần thiết ban hành luật. Tuy nhiên qua nghiên cứu dự thảo luật tôi thấy luật chưa tập trung vào lĩnh vực liên quan trực tiếp đến cuộc sống, còn nặng về hàng hóa, thiếu những mảng dịch vụ như giáo dục, y tế và luật chỉ mới tập trung vào khu vực siêu thị, còn những giao dịch với người tiêu dùng ở các cá nhân nhỏ lẻ và tại vùng sâu, vùng xa thì chưa được đề cập. Theo tôi luật này quy định càng đơn giản, nhưng càng cụ thể thì tính khả thi càng cao. Tôi đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu lại những vấn đề trên, về những vấn đề cụ thể trong luật:

Thứ nhất, về giải quyết khiếu nại bằng biện pháp hành chính, việc tạo cơ chế để cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ra quyết định hành chính tham gia giải quyết tranh chấp để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là cần thiết vì các tranh chấp của người tiêu dùng thường có giá trị nhỏ lẻ, tình tiết rất rõ ràng và gắn với các hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân kinh doanh. Mặc khác việc can thiệp của các cơ quan Nhà nước chỉ dừng lại ở việc yêu cầu tổ chức cá nhân kinh doanh bồi hoàn tiền hàng hóa mà người tiêu dùng phải trả đảm bảo tính hiệu quả tiết kiệm, chi phí cho xã hội, đồng thời quy định phương thức giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hành chính trong luật này cũng để cung cấp cho người tiêu dùng thêm một phương thức nữa để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Tuy nhiên, tôi thống nhất với Báo cáo thẩm tra và đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu quy định rõ hơn về cơ chế để cơ quan Nhà nước có thể tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, quy định rõ loại khiếu nại được giải quyết tại cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại địa phương và phân biệt với khiếu nại được thực hiện theo quy định tại luật này với khiếu nại theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và cũng cần quy định rõ hơn ở Điều 43 về cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền ở địa phương với Khoản 1, Điều 44 là cơ quan quản lý chuyên ngành đó là những cơ quan nào.

Thứ hai, về thủ tục xét xử rút gọn. Tôi tán thành với việc thiết lập thủ tục xét xử rút gọn để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho phù hợp với việc giải quyết tranh chấp của người tiêu dùng vốn là những tranh chấp nhỏ lẻ để đảm bảo nhanh, gọn, thuận tiện, hiệu quả và tiết kiệm trong việc giải quyết các tranh chấp giữa người tiêu dùng với tổ chức, cá nhân kinh doanh. Tuy nhiên, dự thảo luật cần dẫn chiếu các quy định của pháp luật về tố tụng dân sự để đảm bảo sự thống nhất của hệ thống pháp luật. Vì ngoài việc giải quyết các tranh chấp giữa người tiêu dùng với các tổ chức, cá nhân kinh doanh thì thủ tục xét xử rút gọn cũng còn áp dụng để giải quyết các tranh chấp đối với các lĩnh vực khác. Tuy nhiên, hiện nay Bộ luật tố tụng dân sự cũng đang trong quá trình sửa đổi, bổ sung, do đó Ban soạn thảo cần xem xét, nghiên cứu kỹ để dẫn chiếu cho hợp lý hơn.

Về quyền khởi kiện tại tòa. Trong thời gian qua hàng loạt việc vi phạm quyền lợi người tiêu dùng đã được các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh rất nhiều, có rất nhiều vụ việc vi phạm quyền lợi người tiêu dùng diễn ra hết sức nghiêm trọng và gây thiệt hại lớn đối với cộng đồng và xã hội, như vụ nước tương nhiễm 3-MCPD hoặc vụ gian lận trong kinh doanh xăng, dầu. Tuy nhiên thiệt hại mà các trường hợp này gây ra thì giá trị cho từng người tiêu dùng cụ thể không đáng kể, nhưng tổng số thiệt hại gây ra cho người tiêu dùng nói chung và cho xã hội là rất lớn.

Trước những hành vi vi phạm vì không muốn mất công sức tốn kém tiền của để theo kiện những vụ việc có giá trị nhỏ lẻ như vậy và mức xử phạt vi phạm hành chính không đủ sức ren đe, vì vậy các hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng không những không giảm đi mà ngày còn gia tăng, do đó người tiêu dùng rất ngại khi tiến hành việc khởi kiện để yêu cầu bồi thường. Đồng thời hiện nay theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự thì tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chỉ được khởi kiện trong trường hợp được người tiêu dùng ủy quyền và chỉ để bảo vệ những người tiêu dùng đã ủy quyền đó. Điều đó sẽ dẫn đến tình trạng không chỉ quyền lợi của người tiêu dùng không được bảo vệ mà còn thiếu tính răn đe đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh vi phạm. Vì vậy mà việc trao quyền khởi kiện cho tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là hết sức cần thiết. Để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng và nâng cao ý thức tổ chức, cá nhân kinh doanh và giúp cho tổ chức này thực hiện được vai trò, vị trí của mình.

Về tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo vệ người tiêu dùng là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó lực lượng tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đóng một vai trò hết sức quan trọng. Tổ chức này đã có rất nhiều đóng góp đối với hoạt động bảo vệ người tiêu dùng. Tuy nhiên, tổ chức này cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức cả về nguồn lực, lẫn hành lang pháp lý để hoạt động. Vì vậy mà các hoạt động này vẫn chưa thực sự hiệu quả, chưa thể hiện được vai trò của mình trong tình hình mới. Do đó việc ban hành các quy định pháp luật tạo điều kiện cho tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoạt động là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, vì là một tổ chức xã hội đặc biệt nên ngoài việc tuân theo các quy định về tổ chức xã hội thông thường. Do đó, tôi cũng tán đồng với ý kiến trong Báo cáo thẩm tra về dự thảo luật cũng cần xác định rõ hơn về địa vị pháp lý của tổ chức bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Vấn đề thứ ba, đó là điều kiện giao dịch chung với hợp đồng theo mẫu thì các điều kiện giao dịch chung và hợp đồng theo mẫu là hợp đồng do bên cung ứng hàng hóa đơn phương công bố và áp dụng cho cả người tiêu dùng. Đây là loại hợp đồng đã được sử dụng rất phổ biến nhất là những doanh nghiệp có lượng khách hàng rất lớn. Tuy nhiên, do người tiêu dùng ít được trực tiếp đàm phán, thỏa thuận các điều khoản trong hợp đồng theo mẫu cũng như phải chấp nhận các điều kiện thương mại khác một cách rất bị động. Đặc biệt là quyền bồi thường, nên khi có thiệt hại xảy ra người tiêu dùng rất khó hoặc không thể bắt tổ chức, cá nhân kinh doanh bồi thường thiệt hại cho mình và trong thực tiễn công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho thấy thì người tiêu dùng cũng có bị xâm phạm thông qua rất nhiều hình thức. Về đề này trong Báo cáo thẩm tra phân tích rất rõ, tôi cũng không nói gì thêm. Vì vậy mà tôi cũng đồng tình với việc quy định về các giao dịch chung và hợp đồng theo mẫu như trong dự thảo luật. Những quy định đó là công bằng và không vi phạm đến quyền lợi người tiêu dùng và giúp cho cơ quan nhà nước có thể kiểm soát được việc sử dụng các hợp đồng theo mẫu. Tuy nhiên, hợp đồng đồng theo mẫu hiện nay không có gì thay đổi nên cần có quy định một khoảng thời gian cụ thể để nghiên cứu hợp đồng và quy định thêm quyền thỏa thuận nội dung hợp đồng. Tôi xin hết ý kiến. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan