Góp ý của đại biểu Quốc hội Hồ Trọng Ngũ – Ninh Thuận

Thứ Tư 14:27 28-10-2009


Kính thưa Quốc hội,

Chúng tôi thấy những vấn đề trong dự luật này đã được các đại biểu thảo luận nhiều, tôi muốn nói thêm về 2 nội dung mà các đại biểu tranh luận nhiều.

Hầu như ở các đạo luật mà Khóa XII chúng ta đã ban hành và chuẩn bị ban hành, tôi thấy có 5 vấn đề quản lý Nhà nước về vấn đề thanh tra. Tôi thiết nghĩ những vấn đề này sở dĩ chưa được giải quyết một cách thấu đáo để thống nhất trong các đạo luật thì chúng tôi thấy có vấn đề chúng ta cũng chưa hoàn toàn thống nhất về mặt lý luận cũng như quan điểm xây dựng hệ thống pháp luật. Ở đây chúng tôi thấy không phải chỉ có Luật tần số vô tuyến điện mới phải có cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành hoặc cần phải có thanh tra chuyên ngành, vì các lĩnh vực đều có một vai trò nhất định của nó và lĩnh vực nào cũng có quan trọng của nó cả chứ không phải chỉ lĩnh vực này quan trọng nên mới có thanh tra chuyên ngành, mới có quản lý chuyên ngành. Cho nên cần nhìn vấn đề một cách kỹ hơn, phải hệ thống, ở đây chúng tôi thấy muốn giải quyết gì thì giải quyết cách nào, quan điểm xây dựng thế nào được nhưng phải bảo đảm rõ ràng tính hệ thống và pháp luật. Trong các đạo luật nếu chúng ta quy định mà trái, phá vỡ tính hệ thống của pháp luật thì dẫn đến hiện tượng không bảo đảm pháp chế trong thực thi pháp luật, trong thực tiễn. Vì thế cho nên chúng tôi đồng ý quan điểm đó, pháp luật rất cụ thể để thực hiện được trong thực tiễn nhưng đồng thời cũng phải thấy rằng pháp luật có tính hệ thống của nó và có các ngành, các chế định ở trong đó. Cho nên cứ động đến chỗ nào chúng ta cũng cụ thể đến mức cứ thấy cần thiết thì đưa vào, đến mức không còn khái niệm là ngành và các chế định pháp luật, nó không có tính hệ thống. Cho nên cần phải giải quyết trong một mối liên hệ rằng các quy phạm cần thiết đặt ở đâu cho bảo đảm tính hệ thống là rất cần thiết. Ở đây chúng tôi thấy quản lý Nhà nước của chúng ta, chúng tôi đồng ý với một số quan điểm nói rằng chúng ta cũng không giống với nhiều nước. Tuy nhiên những nguyên lý chung về quản lý cần phải thống nhất, thế giới cũng trên những kinh nghiệm tích lũy về khoa học về quản lý cho nên chúng ta cũng không có gì đặc thù đến mức hoàn toàn không tuân thủ những quy định, lý thuyết chung về quản lý, vì thế cho nên Bộ quản lý ngành, lĩnh vực hoặc đa ngành, đa lĩnh vực. Vậy chúng ta quan niệm thanh tra là một chức năng cơ bản của quản lý và ở đâu có quản lý thì phải có thanh tra, nếu không có thanh tra, không kiểm tra thì như Lênin nói "không có quản lý". Như vậy thì Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực thì Bộ cũng phải làm việc thanh tra đa ngành, đa lĩnh vực. Theo pháp luật hiện hành, chúng tôi rất đồng ý với quan điểm của anh Vượng, ở chỗ tức là hiện nay pháp luật thanh tra đã có, vấn đề là chúng ta phải thực hiện và không có lý gì chúng ta bàn ra luật rồi chúng ta lại không thực hiện. Đồng ý rằng có những điểm bất hợp lý, vì thế chúng tôi cũng đồng ý với quan điểm của một số đại biểu cho rằng đề nghị Quốc hội bàn với Chính phủ có thể sửa Luật Thanh tra, nhưng cho đến khi luật chưa được sửa đổi thì chúng ta phải tuân thủ luật, không thể khác được. Các văn bản ban hành khi Luật Thanh tra còn hiệu lực là phải tuân thủ Luật Thanh tra, không có lý gì chúng ta bảo sắp sửa luật cho nên bây giờ ta cứ làm khác đi thì chúng tôi thấy cũng không hợp lý. Khi nào sửa thì chúng ta phải sửa, còn ở đâu có quản lý thì ở đó có thanh tra.

Hiện nay theo quy định của Luật Thanh tra, thanh tra của một Bộ, có nghĩa là thanh tra của một Bộ thì anh quản lý thanh tra tất cả mọi lĩnh vực, trong đó có các lĩnh vực mà Bộ quản lý. Bộ quy định bộ máy chuyên ngành như thế nào, bao nhiêu cán bộ ra sao, đấy là chức năng của Bộ cũng nên để Bộ trưởng thực hiện nhiệm vụ đấy. Còn trong các luật nếu có bàn đến thanh tra, nếu như lĩnh vực đó cực kỳ quan trọng thì cũng chỉ nên nêu những vấn đề nguyên tắc, không thể bàn đến mức quy định cả bộ máy, những phương thức tiến hành trong các đạo luật. Tôi cho rằng nên tiếp cận như vậy, bảo đảm tính hệ thống của pháp luật, bảo đảm tính Hiến pháp trong xây dựng pháp luật của chúng ta. Tôi xin hết ý kiến.

Các văn bản liên quan