Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên kết luận Hội nghị

Thứ Tư 14:28 28-10-2009

 

Nguyễn Đức Kiên  - Phó Chủ tịch Quốc hội

Kính thưa Quốc hội,

Đến thời điểm này không còn đại biểu Quốc hội nào đăng ký phát biểu ý kiến nữa. Tôi đã xin phép đồng chí Chủ tịch Quốc hội cho tôi có một số ý kiến kết thúc phần thảo luận dự án luật này.

Trước hết xin phép Quốc hội tôi không nhắc lại ý kiến mà các vị đại biểu Quốc hội đã phát biểu. Tôi xin nêu một số điểm:

Về vấn đề chung, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sau phiên họp này sẽ chỉ đạo các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến hợp lý của các đại biểu Quốc hội để chuẩn bị Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý trình bày tại phiên họp sau của Quốc hội về nội dung, tổ chức cụ thể của các khoản, điều trong dự án luật.

Về một số điểm cụ thể, tôi xin báo cáo thêm với Quốc hội một số nội dung.

Thứ nhất về cơ quan quản lý chuyên ngành về tần số vô tuyến điện. Trong luật quy định rất rõ là Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước, chịu trách nhiệm trước Chính phủ về quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này. Còn cơ quan chuyên môn quản lý chuyên ngành viễn thông là cơ quan trực thuộc Bộ, giúp việc cho Bộ trưởng. Trong thực tế đã có cơ quan chuyên môn này, cơ quan này trong thời gian vừa qua đã thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo đúng quy định của pháp luật, có hiệu quả.

Ý thứ hai, liên quan đến cơ quan quản lý chuyên ngành. Theo quy định của pháp luật hiện hành nếu Tổng cục và Cục thì được quyền thực hiện một số nhiệm vụ thuộc chức năng quản lý Nhà nước khi được Bộ trưởng phân công và phân cấp, còn Vụ thì không được, Vụ chỉ là tham mưu, giúp việc, nhưng Tổng cục và Cục thì được. Nhưng cũng chỉ thực hiện một số nhiệm vụ thuộc chức năng quản lý Nhà nước, cho nên trong dự thảo có thể hiện ở 2 điều như đã trình với các vị đại biểu Quốc hội. Các vị đại biểu Quốc hội cũng nghiên cứu thêm, có cần quy định chi tiết vào trong luật về trách nhiệm quản lý Nhà nước của Cục quản lý chuyên ngành về tần số vô tuyến điện hay không.

Thứ hai, nhân dịp này thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng ghi nhận ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội chỉ đạo nghiên cứu sớm để đi đến có sự thống nhất, có quy định trong luật về tổ chức hoạt động, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan trực thuộc Bộ hay không, nếu có thì trong lĩnh vực đặc thù nào. Trong thời gian vừa qua thì trong các đạo luật của Quốc hội thông qua thì cũng có những luật có quy định chức năng, nhiệm vụ tương đối cụ thể của một số cơ quan thuộc bộ. Nhưng phần lớn là không có quy định, nay mai cũng sẽ có chỉ đạo để có sự thống nhất đỡ mất thời gian của Quốc hội trong quá trình thảo luận các dự án luật sau này.

Vấn đề thứ hai là, thanh tra chuyên ngành, trong luật cũng nêu một ý rất rõ. Đối với bộ chỉ có một đầu mối tổ chức về thanh tra và thực hiện cả thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành. Đề thực hiện được nhiệm vụ này có thể hình thành phòng, tổ, 1, 2 phòng hoặc 3, 4 phòng, 3, 4 tổ v.v... tùy. Miễn là Bộ trưởng phải thực hiện cho được những nhiệm vụ, chức năng pháp luật đã giao cho, cũng có thể đặt nó ở đâu để tổ chức thanh tra này hoạt động có hiệu quả, có lẽ giao quyền cho Bộ trưởng. Trong trường hợp Luật Thanh tra chưa sửa đổi, bổ sung thì bây giờ chúng ta vẫn quy định một nguyên tắc phải thực hiện theo pháp luật của thanh tra. Hiện tại Luật thanh tra quy định như thế nào thì mình sẽ tổ chức thanh tra chuyên ngành như vậy, nay mai sửa theo hướng nào, cụ thể ra làm sao, thì sẽ có điều chỉnh phù hợp với pháp luật của thanh tra.

Ý thứ hai, việc giao cho Chính phủ quy định việc tổ chức hoạt động chức năng này khác thì sẽ cân nhắc có cần hay không cần, chỉ cần Khoản 1 là đủ thì cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra và các cơ quan chức năng sẽ nghiên cứu, chỉnh lý cho phù hợp.

Vấn đề thứ ba là, Ủy ban quốc gia về tần số vô tuyến điện. Gần đây chúng ta cũng thống nhất với nhau là các cơ quan mang tính chất tư vấn, hoạt động không thường xuyên thì không ghi cứng vào trong luật, để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng thấy rằng hình thành những cơ quan tư vấn nào có lợi nhất để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ và phù hợp với yêu cầu cải cách hành chính thì Thủ tướng sẽ quyết định, nếu không cần thì thôi, thậm chí cần, tổ chức, thành lập ra rồi, hoạt động sau khi hoàn thành nhiệm vụ thì chấm dứt hoạt động. Vấn đề này giao quyền Thủ tướng cho linh hoạt, chứ không phải tổ chức mang tính bắt buộc, hoạt động thường xuyên trong hệ thống tổ chức bộ máy, cho nên thống nhất cơ quan tư vấn không nên ghi cứng ở trong các quy định của pháp luật, sẽ nghiên cứu, báo cáo thêm khi giải trình với Quốc hội tại phiên họp sau.

Thứ tư, xoay quanh những quy định về hành vi cấm và xử lý vi phạm thì quy định cho cả 2 bên, cả những người quản lý và những người chịu sự điều chỉnh của luật này, đứng ở góc độ những người hưởng thụ để đảm bảo tính công bằng. Đó là ý kiến rất xác đáng.

Cuối cùng, đề nghị Chính phủ nên gửi ngay dự thảo nghị định của Chính phủ và các Bộ được phân công dự thảo các văn bản hướng dẫn một số điều khoản quy định trong luật này để gửi chính thức cho các vị đại biểu Quốc hội nghiên cứu. Đến phiên họp sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự án luật trước Quốc hội có căn cứ để các vị đại biểu Quốc hội tỏ rõ chính kiến của mình khi thông qua đạo luật này. Vừa qua cơ quan chủ trì soạn thảo thông tin một số những văn bản mà hiện đang áp dụng từ nghị định Chính phủ cho đến các Thông tư của Bộ, thông tư liên tịch v.v... để đại biểu Quốc hội tham khảo, chứ không phải là tài liệu chính thức của Chính phủ, đây mới là của cơ quan chủ trì soạn thảo, tôi xin báo cáo thêm với Quốc hội như vậy.

Tôi xin kết thúc chương trình sáng nay, mời Quốc hội nghỉ.

Các văn bản liên quan