Góp ý của đại biểu Quốc hội Quách Cao Yềm – Kon Tum

Thứ Tư 14:26 28-10-2009


Kính thưa Chủ tọa phiên họp.

Kính thưa Quốc hội.

Tôi về cơ bản thống nhất với dự thảo Luật tần số vô tuyến điện đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý, cho nên cũng định không phát biểu ý kiến, nhưng qua ý kiến thảo luận các đại biểu thì cũng xin bày tỏ ý kiến cá nhân về ba vấn đề sau đây.

Vấn đề thứ nhất, liên quan đến quy định cơ quan quản lý chuyên ngành thì rất nhiều đại biểu có ý kiến về vấn đề này. Một mặt là có tuân thủ pháp chế không? Hai là có thực hiện được cam kết với quốc tế không?

Tôi thấy rằng, trong vấn đề này tôi tán đồng với ý kiến của đại biểu Mạnh ở Bình Phước. Trong qúa trình xây dựng pháp luật của ta thì phải nghiên cứu cái này. Cho nên tôi đề nghị nếu được thì đề nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội có kết luận định hướng cho việc soạn thảo pháp luật, coi như một nguyên tắc chỉ đạo trong xây dựng pháp luật trong thời gian tới, bởi vì chắc chắn sẽ còn nhiều đạo luật đưa nội dung này ra. Đó là ý kiến thứ nhất tôi đề nghị như vậy.

Ý kiến thứ hai, về thanh tra chuyên ngành, tôi cũng bày tỏ thống nhất với đại biểu Thảo, hiện nay quy định của chúng ta có nhưng mà thực ra trong thực tế làm rất khó, nếu như đưa vào Thanh tra Bộ thì rất khó làm sau này xử lý giữa người đứng đầu cơ quan quản lý chuyên ngành về Chánh thanh tra thì rất vướng, rất khó làm và cũng nên nghiên cứu sắp tới sửa Luật Thanh tra rồi nhưng cũng nên nghiên cứu theo hướng như thế nào đấy để thanh tra hoạt động thiết thực và hiệu quả.

Điểm thứ ba, tôi thấy con số đại biểu đề cập đến Uỷ ban tần số vô tuyến điện, tôi thống nhất với bản giải trình, tiếp thu của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Ở đây trong việc sử dụng tần số của chúng ta có lĩnh vực quốc phòng an ninh, có kinh tế, hành chính, dân sự cho nên có lẽ nhiều đại biểu băn khoăn nếu không có Uỷ ban này điều phối khi có sự việc gì đó thì khó. Ngoài lập luận như đại biểu Thuận - Quảng Nam, tôi thấy rằng hiện nay theo nguyên tắc điều hành của Chính phủ, nếu như vấn đề liên ngành thì dứt khoát phải có cơ quan chủ trì. Trong trường hợp cơ quan chủ trì không giải quyết được với các ngành khác thì Thủ tướng là người chủ trì quyết định. Điều này cũng phù hợp với xu hướng cải cách vì trong cải cách hành chính giai đoạn 2001 - 2010 của ta bỏ đi rất nhiều các Uỷ ban, các Hội đồng tư vấn mà vẫn xử lý suôn sẻ vì thực ra các Uỷ ban, các hội đồng này cũng kiêm nhiệm là chính, hoạt động không đều và cũng không làm thay được chức năng cho các ngành quản lý.

Tôi xin có một số ý kiến như vậy, xin hết.

Các văn bản liên quan