Góp ý của Đại biểu Quốc hội Trần Văn Bản – Bình Định

Thứ Sáu 10:59 27-11-2009

Kính thưa Quốc hội.

Qua nghiên cứu Dự thảo Luật an toàn thực phẩm, cơ bản tôi nhất trí với Dự thảo và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội. Hiện nay việc sử dụng thực phẩm trong đời sống sinh hoạt hàng ngày đang là một mối lo ngại của toàn xã hội. Nhiều vụ ngộ độc hàng trăm người xảy ra ở nhiều địa phương trong cả nước, do đó việc xây dựng, ban hành Luật an toàn thực phẩm là cần thiết.

Thưa Quốc hội,

Dự thảo luật đã đề cập được nhiều kiến thức, qui chuẩn của nước ngoài mang tính khoa học cao, trong khi nước ta trên 70% là nông dân sống ở nông thôn chủ yếu sản xuất thủ công nhỏ lẻ, chợ cóc, chợ tạm, chỉ có một số siêu thị ở thành phố và thị xã. Đồng thời ý thức trách nhiệm với cộng đồng của đại đa số người dân trực tiếp sản xuất ra nguồn thực phẩm chưa cao. Phần lớn chú ý tới năng suất và lợi nhuận nhiều, ít quan tâm đến tính an toàn của sản phẩm. Mặt khác các chính sách quản lý sản xuất, chế biến, xuất nhập khẩu thực phẩm chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ. Nếu triển khai thực hiện luật trong phạm vi cả nước ngay trong thời gian tới thì tính khả thi của luật chưa cao. Theo tôi cần phải có lộ trình thích hợp, tôi xin góp ý một số vấn đề cụ thể sau:

Vấn đề thứ nhất về đối tượng điều chỉnh của Luật, Luật cần phải điều chỉnh cả các sản phẩm khai thác ngoài tự nhiên vì các loại dùng để làm thực phẩm khai thác ngoài tự nhiên chiếm 1 tỷ lệ lớn trong sử dụng hàng ngày cũng như xuất khẩu. Các loại thức phẩm này khi sử dụng vẫn gây ngộ độc chết người. Trong 2 năm 2007 và 2008 ngộ độc do độc tố từ các loại thực phẩm tự nhiên gây tử vong 58 người, trong đó ngộ độc do cá nóc chết 12 người, nấm độc là 4 người ... Đây chỉ tính những người chết tại bệnh viện còn thực tế chắc sẽ cao hơn nhiều. Mặt khác theo định nghĩa của Uỷ ban tiêu chuẩn Codex là bất kỳ chất nào đó qua chế biến sơ chế hay còn tươi sống được sử dụng cho con người. Như vậy cần phải đưa tất cả các thực phẩm khai thác ngoài tự nhiên vào Luật mới bao quát hết các loại thực phẩm sử dụng ch con người. Tôi đề nghị bổ sung thêm một mục vào Chương III như sau, Điều kiện đảm bảo an toàn đối với những thực phẩm thu hái, đánh bắt ngoài tự nhiên trong đó đề cập tới các vấn đề người thu hái, đánh bắt nông, lâm, hải thủy sản ngoài tự nhiên làm thực phẩm tiêu dùng trên thị trường phải cung cấp được một là tên thường dùng chủng loại nông, lâm, thủy, hải sản. Hai là địa điểm, khu vực thu hái, đánh bắt. Ba là khẳng định không độc hại cho người tiêu dùng.

Vấn đề thứ hai, điều kiện đối với các loại thực phẩm đặc biệt ở Điều 12. Về thực phẩm chức năng cần phải được phân biệt rằng đó không phải là thuốc chữa bệnh. Nguồn gốc phải từ thực phẩm chế biến ra chứ không phải là hóa chất hoặc dược liệu làm thuốc trừ một số dược liệu vừa làm gia vị, vừa làm thuốc. Hiện tại dễ dàng được cấp phép một số cơ sở sản xuất đã chuyển từ thuốc thành thực phẩm chức năng như vậy đã tránh được những quy định chặt chẽ của việc cấp phép sản xuất thuốc thành thực phẩm chức năng. Như vậy đã tránh được những quy định chặt chẽ của việc cấp phép sản xuất thuốc, nhưng phải thử nghiệm lâm sàng, xác định tính độc hại của thuốc và đánh giá được tác dụng lâm sàng của thuốc v.v... Vì vậy thực phẩm chức năng đã nhanh chóng phát triển và được sản xuất, bày bán ở nhiều nơi trên thị trường và phần lớn ở các hiệu thuốc gây ra không minh bạch giữa thuốc chữa bệnh và thực phẩm chức năng. Mặc dù trên nhãn đã ghi là không phải thuốc chữa bệnh, nhưng vẫn quảng cáo là dùng 2 đến 3 lọ là khỏi bệnh., như vậy là không trung thực, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đên việc chữa bệnh và kéo dài bệnh tật.

Tôi đề nghị bổ sung thêm một số quy định vào Dự thảo luật về vấn đề thực phẩm chức năng.

Một là, thực phẩm chức năng trước khi đưa ra thị trường lần đầu phải chứng minh được các chỉ tiêu về dinh dưỡng, về vệ sinh an toàn, về vi sinh vật, không có các chất độc hại cho người sử dụng. Thực phẩm chức năng phải được định tính, định lượng vi chất và ghi trên nhãn.

Hai là, thực phẩm chức năng không được bán trong hiệu thuốc.

Ba là, tăng cường quản lý Nhà nước về thực phẩm chức năng trong sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu.

Bốn là, không được quảng cáo quá tác dụng thực tế của thực phẩm chức năng đó. Một vấn đề nữa tôi cũng nhất trí với ý kiến của đồng chí Đỗ Mạnh Hùng là cần phải đưa vào luật về vấn đề xã hội hóa công tác an toàn thực phẩm.

Vấn đề thứ ba, về cơ quan quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm. An toàn thực phẩm liên quan đến nhiều Bộ, ngành đa lĩnh vực và liên quan trực tiếp đến toàn dân. Ngoài các tiêu chí về nguồn gốc cơ sở sản xuất, chế biến kỹ thuật, tinh thần trách nhiệm với cộng đồng của các nhà sản xuất cần phải có các chính sách, chế tài của Nhà nước đồng bộ. Vì vậy giao cho một Bộ, ngành nào cũng đều khó. Theo tôi có hai phương án, phương án một thành lập Ủy ban an toàn quốc gia, phương án hai là tăng cường thêm chức năng, nhiệm vụ cho Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm hiện có, giao cho Bộ Y tế là cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm như dự thảo luật. Xin hết.

Các văn bản liên quan