Góp ý của Đại biểu Quốc hội Dương Kim Anh – Trà Vinh

Thứ Ba 09:29 22-06-2010

Kính thưa Quốc hội!

Nghiên cứu các điều, khoản trong dự án Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội, tôi tham gia 2 vấn đề sau đây:

Thứ nhất, Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có những điều, khoản quy định tương đối cụ thể, dễ thực hiện. Những quy định trong luật sẽ hạn chế được các nhà sản xuất, kinh doanh, nhà phân phối cung cấp dịch vụ thông tin sai lệch về hàng hóa, dịch vụ và những thông tin sai lệch đó sẽ dẫn đến cho người tiêu dùng dễ nhầm lẫn. Vì người tiêu dùng Việt Nam có rất nhiều mặt yếu thế, trong đó có mặt yếu là ít hiểu biết về tính năng, công dụng, chất lượng khuyết tật rủi ro liên quan đến sản phẩm. Những quy định về quyền, nghĩa vụ của người tiêu dùng sẽ giúp người tiêu dùng từng bước nâng cao được ý thức của mình khi giao dịch, tự bảo vệ trong việc tiêu dùng hàng hóa, sử dụng dịch vụ v.v... Nhưng để mối quan hệ giữa người tiêu dùng với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh cũng như các nhà phân phối cung cấp dịch vụ được bình đẳng trước pháp luật, tôi đề nghị ở phạm vi điều chỉnh Ban soạn thảo nghiên cứu để quy định cụ thể hơn, rõ hơn trong luật.

Thứ hai, còn một số vấn đề cụ thể ở một số chương, điều, tôi đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, chỉnh sửa để được cụ thể và phù hợp. Như ở chương quy định chung Điều 5 của dự thảo luật đã thể hiện đầy đủ các quyền cơ bản của người tiêu dùng được Liên Hợp Quốc thừa nhận, nhưng để dễ hiểu tôi đề nghị nên quy định cụ thể, làm rõ các quyền của người tiêu dùng. Như ở Khoản 7 quy định người tiêu dùng có quyền được cung cấp hàng hóa, dịch vụ thiết yếu thỏa mãn những nhu cầu cơ bản của mình, Nhà nước có chính sách phát triển các ngành nghề phục vụ nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng. Ý thứ nhất của khoản này chưa rõ nghĩa, nếu quy định như vậy người tiêu dùng dễ nhầm lẫn là họ được quyền sử dụng hàng hóa không mất tiền. Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc nên bỏ khoản này.

Thứ hai, đưa vào quy định của Điều 7 chính sách bảo vệ người tiêu dùng thì phù hợp hơn. Khoản 2 Điều 9 quy định về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã, Ban quản lý chợ, khu thương mại. Tôi thống nhất ý kiến của đại biểu Tiền Giang vừa phát biểu là nên làm rõ những biện pháp cần thiết là những biện pháp nào, nếu quy định chung chung như vậy thì làm cho Ủy ban nhân dân cấp xã, Ban quản lý chợ và khu thương mại khó làm việc.

Điểm c, Khoản 1, Điều 11 có quy định bản chất, đặc điểm giao dịch giữa người tiêu dùng với tổ chức, cá nhân kinh doanh, nội dung này chưa rõ nghĩa. Đề nghị nên nghiên cứu chỉnh sửa.

Điều 26 quy định tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là tổ chức xã hội được thành lập để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng. Khoản 2 quy định tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được thành lập và hoạt động theo các quy định của pháp luật. Chương V quy định về tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có 5 điều, nhưng tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì không rõ do ai thành lập, dù tổ chức này là tổ chức xã hội cũng phải có ai sinh ra nó. Tổ chức hòa giải trong luật quy định rõ Điều 36 là "Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân có điều kiện thành lập". Như vậy ai cũng biết tổ chức hòa giải là do tổ chức hoặc cá nhân nào đó thành lập. Tôi đề nghị phải quy định rõ tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là do ngành nào thành lập.

Điều 29, Khoản 1 có quy định "tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có thể được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao thực hiện các hoạt động gắn với nhiệm vụ của nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng". Theo tôi bỏ Khoản 1, gộp Khoản 1, Khoản 2 thành một khoản, nội dung của khoản này là "Khi tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao thực hiện các hoạt động gắn với nhiệm vụ của nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí thực hiện các nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước", vì Khoản3 điều này giao cho Chính phủ quy định những hoạt động mà nhà nước giao cho tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như vậy chắc chắn cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ giao cho tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thực hiện các hoạt động gắn với nhiệm vụ của nhà nước, do vậy không cần dùng cụm từ "có thể".

Khoản 1 Điều 59 quy định tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chi trả các chi phí phát sinh trong quá trình giải quyết vụ án bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng do mình khởi kiện, tôi đề nghị cụm từ "không hợp lý" sau cụm từ "chi phí phát sinh". Vì Điều 60 quy định việc phân chia tiền bồi thường tiền thiệt hại trong vụ án do tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khởi kiện được thực hiện theo thứ tự ưu tiên. Tức Khoản 1 quy định chi phí hợp lý của tổ chức bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng phát sinh trong quá trình giải quyết vụ án. Nếu Khoản 1 Điều 59 không quy định thêm cụm từ "không hợp lý" sau cụm từ "chi phí phát sinh" sẽ mâu thuẫn với Khoản 1 Điều 60.

Chương IV quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong quá trình sử dụng hàng hóa dịch vụ, chương này có 5 điều, phần lớn là nêu trách nhiệm và nghĩa vụ về bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng trong quá trình sử dụng hàng hóa còn các dịch vụ thì đề cập quá ít. Đề nghị Ban soạn thảo nên bổ sung một số điều để điều chỉnh mối quan hệ giữa tổ chức cá nhân cung cấp dịch vụ và người tiêu dùng.

Khoản 4, Điều 21 quy định trách nhiệm nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng trong trường hợp hàng hóa dịch vụ có khuyết tật gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng. Tôi không rõ dịch vụ khuyết tật là dịch vụ gì, ở phần giải thích từ ngữ chỉ giải thích hàng hóa khuyết tật không thấy giải thích dịch vụ khuyết tật. Đề nghị Ban soạn thảo đưa nội dung giải thích dịch vụ khuyết tật vào Điều 3 vào giải thích từ ngữ.

Ở Điều 51 có quy định người tiêu dùng và tổ chức bảo vệ người tiêu dùng có quyền khởi kiện doanh nghiệp mà không cần chứng minh thiệt hại, còn doanh nghiệp muốn thắng kiện phải chứng minh mình không có lỗi. Điều 55 quy định tòa án xét xử theo thủ tục rút gọn, tôi thấy đây là một điểm mới tạo thuận lợi cho người tiêu dùng bảo vệ quyền lợi của mình. Trước đây việc chứng minh thiệt hại khiến cho người tiêu dùng luôn ở thế yếu hơn doanh nghiệp vì thực tế nhiều mặt hàng người tiêu dùng không thể hoặc rất khó khăn chứng minh cho thiệt hại của mình như trường hợp cây xăng gắn chip điện tử đong thiếu cho khách hàng. Tuy nhiên để đảm bảo tính khả thi của luật tôi đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc quy định các điều khoản ở Mục 5 Chương VI sao cho phù hợp với thực tế cuộc sống, phù hợp với quy định pháp luật hiện hành, bảo vệ được quyền lợi của người tiêu dùng. Đồng thời, hạn chế việc người tiêu dùng lạm dụng quyền khởi kiện, gây khó khăn cho doanh nghiệp, gây áp lực lớn cho hệ thống Tòa án tại các địa phương khi số lượng các vụ kiện của người tiêu dùng ngày càng tăng. Tôi xin hết ý kiến. Xin cám ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan